Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu: “Không nên coi tin giả bao giờ cũng xấu, bởi có lúc nó là một nhu cầu của thực tiễn xã hội!”

VietTimes -- Tin giả, tin không chính xác được lan truyền trên mạng xã hội có thể gây ra những tác động tiêu cực đến người dân. Nhưng tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu lại nhìn nhận tin giả ở một góc độ khác. Ông nói rằng không phải mọi tin giả đều xấu, đôi khi nó lại là một nhu cầu thực tiễn.

Phóng viên VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Chu, Tiến sĩ toán học, Chủ tịch trường Đại học Công nghệ East Asia, xung quanh chủ đề tin giả, tin không chính xác. 

Trong cuộc hội thảo mới đây do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức về chủ đề tin giả, tin không chính xác, ông đã có ý kiến rằng “Tin giả tồn tại là lẽ tất yếu, có lúc là “nhu cầu thực tiễn”. Chúng ta “nên đánh giá đúng vị trí của tin giả”. Xin ông giải thích rõ hơn về nhận định này?

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu: Chúng ta phải xác định tin giả (fake news) nó là một cái tất yếu, không tránh được. Chúng ta phải đón nhận nó một cách chủ động. Tức là nó như một hiện tượng tự nhiên và chúng ta phải đối mặt với thực tiễn đó.

Tôi có thể lấy ví dụ về tin giả là một thứ tất yếu: Chẳng hạn bạn chụp ảnh của tôi và chuyển cho một nơi nhận ở xa, trong quá trình chuyển thông tin sẽ bị nhiễu dẫn đến sai lệch. Các chuyên gia phải có bộ lọc nhiễu và có cách để làm cho thông tin nhận được cuối cùng là thông tin chính xác nhất có thể được so với thông tin truyền đi ban đầu. Nhưng nếu vì lý do nào đó thông tin nhận được không đầy đủ thì bản thân nó sẽ chứa đựng thông tin giả. Tôi muốn nói tin giả là cái tự nhiên, cái mà bạn không thể tránh được.

Điều thứ hai tôi muốn nói là “tin giả chủ động”. Tôi lấy một ví dụ thôi, chẳng hạn như khi chúng ta chuẩn bị tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 thì chúng ta nghi binh đánh Khe Sanh. Như vậy đó là tin giả được tung ra chủ động, và là một “nhu cầu thực tiễn”.

Dạng thứ ba là tin giả xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không may.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu chia sẻ góc nhìn về tin giả

Ở một khía cạnh khác, tin giả có thể tốt với người này và không tốt với người kia. Nếu xét trên một trục số có phần âm và phần dương thì một tin giả nó sẽ có cả hai mặt âm (có hại) và dương (có lợi). Chẳng hạn, một cái tin về tai nạn giao thông thảm khốc sẽ có phần âm (có hại, gây rúng động xã hội) nhiều hơn phần dương. Trong các hội thảo về tin giả, chúng ta đều đề cập đến những loại tin gây hại cho cộng đồng và chúng ta đang tìm biện pháp hạn chế các tin tức đó.  

Thưa ông Việt Nam hiện nay cũng đã xây dựng một số mạng xã hội để thu hút người dùng Việt, cũng nhằm mục đích hạn chế sự lan truyền của tin giả, tin sai sự thật (trên các mạng xã hội nước ngoài). Nhưng những mạng xã hội của Việt Nam chưa thu hút được nhiều người dùng như mong muốn, nếu không muốn nói là thất bại. Theo ông có phải nguyên nhân là do cách thức vận hành các mạng xã hội Việt Nam chưa hấp dẫn, hay do mạng xã hội nước ngoài cho phép người dùng tự do nói gì thì nói?

Chúng ta có ý định xây dựng mạng xã hội của riêng Việt Nam, đó là một điều tốt. Nhưng vấn đề ở chỗ mạng xã hội mà chúng ta đang xây dựng có những khiếm khuyết mà nó không đáp ứng được nhu cầu của người dùng, trong khi mạng xã hội của nước khác nó mạnh hơn, thuận tiện hơn.

Người dùng sẽ lựa chọn những sản phẩm có dịch vụ tốt, thuận tiện và người ta được thể hiện tất cả. Đấy là khía cạnh rất quan trọng của mạng xã hội. Khi mạng xã hội đủ tốt và thuận tiện thì người dùng sẽ lựa chọn thôi.

Khi sử dụng mạng xã hội, nếu chúng ta cắt xén thông tin mà người dùng đăng tải thì không ai thích cả. Nếu cắt bớt thông tin thì nó sẽ trở thành thông tin không đầy đủ, và vi phạm nguyên tắc truyền tải thông tin.

Để quản lý mạng xã hội, cần phải cho phép người dùng đăng tải trọn vẹn thông tin. Nếu thông tin của họ là sai thì chúng ta phải có giải pháp đưa ra những thông tin đúng để họ nhận thấy thông tin của mình là sai. Chẳng hạn như chuyện thầy bói xem voi, ông thì bảo con voi như cái quạt vì chỉ sờ được cái tai. Lúc ấy chúng ta phải cung cấp được hình ảnh cả con voi để người ta nhận thấy con voi nó không phải như cái quạt. Đấy là giải pháp truyền thông – mình cung cấp cho người nghe, người nhận thông tin mà họ chưa có đủ.     

Một điều nữa mà người dùng mạng xã hội cần là tính bảo mật thông tin. Người dùng luôn lo lắng rằng thông tin của họ có thể bị sử dụng cho những mục đích khác mà họ không biết. Cho nên, mạng xã hội cần phải tạo được sự thuận tiện, đồng thời không được để lộ thông tin người dùng dưới bất kỳ hình thức gì.

Tóm lại, muốn thu hút người dùng, mạng xã hội Việt Nam phải đáp ứng tốt về mặt kỹ thuật, đảm bảo về sự toàn vẹn của thông tin và giữ được nguyên tắc bảo mật.

Như chúng ta đã biết, hiện nay tin giả, tin không chính xác xuất hiện rất nhiều trên các nền tảng như Facebook hay Google, nhưng trong một bài phát biểu mới đây tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm từng nói rằng Việt Nam không thể xử phạt với Facebook, Google hàng trăm triệu USD như nước ngoài đã làm. Vậy làm thế nào chúng ta có thể hạn chế sự lan truyền tin sai sự thật trên những nền tảng này thưa ông?

Bản thân Google và Facebook họ cũng phải tuân theo tính toàn vẹn của thông tin, và họ cũng có chuẩn riêng của họ, chứ không phải bạn muốn đăng gì thì đăng. Bạn chỉ đăng được những thông tin phù hợp với chuẩn mực của Google, Facebook. Vấn đề là mình phối hợp với họ như thế nào. Mình phải có một cơ chế để cung cấp cho người ta (Google, Facebook – PV) cái tin này là tin giả, tin này là tin có hại. Bạn nên nhớ là cả loài người đều chống lại tin có hại. Nhưng thông tin có hại cho bạn lại có thể có lợi cho người khác. Đó là tính hai chiều của thông tin.  

Nếu nói chúng ta không thể phạt được Google, Facebook là không đúng. Chúng ta có thể hợp tác với họ trên nguyên tắc của quản lý. Những thông tin mà chúng ta yêu cầu, họ cần phải kiểm tra và có phản hồi tức thì.

ông Nguyễn Ngọc Chu nói về biện pháp ngăn chặn tin giả trên mạng xã hội

Có 2 yếu tố ảnh hưởng ở đây: đó là pháp luật và khả năng công nghệ. Bản thân Việt Nam cũng phải có công nghệ tốt để lọc ra những tin có hại rồi phản hồi lại cho Google, Facebook. Chúng ta cần có thỏa thuận về chế tài với họ. Nếu chúng ta hợp tác tốt với họ trên nguyên tắc sòng phẳng, công bằng thì Google, Facebook sẽ phải chấp nhận.

Nếu trong một vấn đề chúng ta không tìm được tiếng nói chung với Google, Facebook thì chúng ta phải dựa vào ý kiến của số đông, của cộng đồng. Chúng ta cần dựa vào cộng đồng để đấu tranh với sự sai trái của các mạng xã hội nước ngoài. Những người quản lý thông tin của Việt Nam cần phải mẫn cảm và có sách lược trong việc này.

Là một tiến sĩ toán học, một trí thức, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình trong việc phân biệt tin giả, tin không chính xác?

Internet là tiến bộ công nghệ do con người phát minh ra, nhưng nó cũng có mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mạng xã hội cũng vậy, khi chúng ta sử dụng không đúng thì nó sẽ đưa lại những thiệt hại. Nhưng đã là tiến bộ của khoa học công nghệ thì bạn không được chặn nó, bạn phải sử dụng nó, phải đối mặt với nó. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rằng quyền được truy cập Internet là một quyền cơ bản của con người – quyền được tiếp cận thông tin.

Vậy để ngăn chặn tin giả chúng ta phải làm gì? Có 2 cách:

Thứ nhất, khi xem xét một thông tin trên mạng, bạn cần kiểm tra các nguồn thông tin khác mà bạn có. Bạn cần có các đầu mối để xác minh, hoặc sử dụng trang thiết bị công nghệ để tìm tin.

Thứ hai, bạn cần phải có kiến thức. Cái kiến thức này tích lũy từ nhiều năm và bạn có khả năng lọc và loại tin giả. Bạn phải có tiêu chí để lọc tin ngay tại chỗ. Phải rất cẩn thận khi đọc một tin tức, bởi những kẻ chủ động đưa tin không chính xác hiện nay là rất nhiều. Có những tin giả tinh vi đến mức bạn không nhận biết được. Họ làm giả từ hình ảnh đến video mà mắt thường không phân biệt được.

Tóm lại, chúng ta phải đối mặt với tin giả. Chúng ta cần có những bộ lọc – bằng kiến thức và công nghệ -- để phân biệt tin giả, tin không chính xác.  

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này và xin chúc ông luôn dồi dào sức khỏe để có thể cống hiến cho xã hội và cho nền Toán học nước nhà!