Đưa cho chúng tôi bản chụp chỉ số công tơ điện tháng 6, chị Lê Thu Hạnh, một chủ hộ ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội nói: “Tháng 6, nhà tôi nhận hóa đơn đòi tiền của nhà điện, số điện tăng 2,5 lần so với tháng trước, kéo theo lũy tiến nên giá tiền tăng gấp 3. Thấy quá vô lý, bắc thang lên soi công tơ thì thấy họ ghi sai. Hóa đơn chốt ngày 9.6 ghi đã đến 7.822 số điện. Sau đó hơn 1 tuần, số thực tế trên công tơ mới chạy đến 7.789”.
“Sau khi nhà tôi khiếu nại thì người chốt số đến ghi nhận đã ghi sai, anh ta nói đã ghi nhầm số 6 thành số 8 (7622 thành 7822). Người này nói với tôi là anh ta sẽ tính bù số đấy vào tháng tới với mức lũy tiến thấp hơn, số tiền chênh lệch thì trả lại luôn cho mình”, chị Hạnh cho biết. Cũng theo khách hàng này: “Anh ta năn nỉ nhà tôi báo lại với thanh tra là đã ghi đúng, còn phần sai, họ giải quyết với gia đình tôi”.
Hóa đơn tháng sau gấp 16 lần tháng trước
Ở nhiều khu vực khác tại Hà Nội cũng có tình trạng như vậy. Một trường hợp ghi sai với con số có thể nói là kỷ lục về hóa đơn tiền điện trong tháng 5.2015, gấp gần 16 lần tiền điện tháng 4 được ghi nhận với gia đình ông Nguyễn Quang Quý (trú tại nhà B6, lô 11, khu đô thị Định Công). Ông Quý cho biết: “Trong tháng 4, tiền điện nhà tôi có 355.000 đồng, sang tháng 5, hóa đơn vọt lên 5 triệu đồng. Gấp vài lần thì chắc đúng vì nhà tôi có mấy người ở quê lên, dùng điện nhiều hơn, nhưng gấp tới gần 16 lần thế này, tôi không thể tin được”.
“Khi tôi khiếu nại thì họ đến, vào buổi tối, mở công tơ ra để soi thì cả 2 bên xác định là chỉ số trên hóa đơn là không đúng. Tôi bực quá, làm ầm lên thì họ xin lỗi là… ghi nhầm địa chỉ. Sau đó thì họ ghi lại, và số tiền chỉ còn là 1,505 triệu đồng. Nhưng tôi thấy họ rất mập mờ khi thu lại hóa đơn ghi sai nhưng không xuất hóa đơn mới”, ông Quý kể và bày tỏ thêm: “Cứ mỗi lần đi kiện thế này, mất thời gian lắm. Mình không kiện, không đóng là họ lại cắt điện ngay”.
Một trường hợp khác, ông Đỗ Hoàng Anh Hào, chủ hộ tại khu chung cư Vimeco (số 9 Phạm Hùng) cho biết: “Tháng 4 nhà tôi dùng chỉ hơn 900.000 đồng tiền điện, sang tháng 5, vọt lên 2,7 triệu đồng với hơn 1.000 số điện, tôi khiếu nại thì họ cử người xuống, ghi nhận có ghi sai và sang tháng 6, chỉ còn 1,5 triệu đồng. Trong khi đó, cơ bản việc dùng điện của nhà tôi trong 3 tháng đó không thay đổi”.
Một trường hợp ghi sai số công tơ rất rõ ràng khác, có biên bản giữa hai bên là của một hộ dân trên địa bàn P.Cát Linh, Q.Đống Đa. Chỉ số tiêu thụ tháng 5 của hộ này là 8.887 nhưng nhân viên điện lực báo số điện tháng 6 là 9.191. Sau khi kiểm tra thực tế, thì đến tháng 6, công tơ mới quay đến số 9.019. Tức là nhân viên đi ghi công tơ đã ghi sai 172 số điện. Hai bên đã thỏa thuận trả lại tiền cho khách hàng này 72 số điện với số tiền 150.000 đồng. 100 số điện còn lại được cộng sang hóa đơn tháng sau.
Trao đổi với PV chiều 13.7, bà Hoàng Thị Minh, Phó giám đốc chi nhánh điện lực Q.Đống Đa cho biết, điện lực Đống Đa đã họp, xem xét kiểm điểm nhân viên đi ghi số công tơ và cả nhân viên trực với hình thức khiển trách.
Cách ghi chỉ số điện có vấn đề
Phát biểu trước lãnh đạo các cơ quan báo chí tuần trước, ông Nguyễn An Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) và ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN vẫn cho rằng, nguyên nhân việc hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao trong các tháng vừa qua (tháng 5, tháng 6) chủ yếu do “thời tiết nắng nóng, khô hạn bất thường nên tốc độ tăng trưởng phụ tải của toàn hệ thống điện đạt ở mức cao”. Tuy nhiên theo Bộ Công thương, số kiến nghị, khiếu nại liên quan đến hóa đơn tiền điện của khách hàng trong 2 tháng qua tăng cao. Cụ thể trong tháng 5.2015, có 1.868 thắc mắc, kiến nghị của khách hàng các tổng công ty thuộc EVN liên quan đến hóa đơn thì đến tháng 6, số hộ có khiếu nại, kiến nghị đã tăng lên 3.505 khách hàng.
Theo một chuyên gia công tác lâu năm trong ngành điện, không thể phủ nhận là thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao nhưng thực tế, việc ghi chỉ số công tơ hiện nay chắc chắn là có vấn đề và là cách làm lạc hậu khi quá lệ thuộc vào việc ghi thủ công của nhân viên đi ghi chỉ số nhưng lại thiếu sự giám sát. “Hàng loạt hộ dân phản ánh chỉ số tăng quá cao trong khi việc tiêu thụ cơ bản không thay đổi. Thậm chí có nhiều nhà dùng ít đi, đi công tác cả tháng, chỉ duy trì điện cho tủ lạnh ở nhà mà tiền điện tăng cao thì khả năng ghi sai số là rõ”, chuyên gia này nói. Ông này đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo lập tổ công tác liên ngành để tổng kiểm tra, rà soát việc ghi công tơ trong tháng 5 và tháng 6 và nghiên cứu, xây dựng cách thức lắp đặt, đo đếm số công tơ đảm bảo chính xác, hợp lý và có sự giám sát.
Trên thực tế, cách ghi chỉ số công tơ hiện nay, theo đa số ý kiến các hộ tiêu dùng được hỏi là không đảm bảo khách quan, chính xác. Ông Đỗ Hoàng Anh Hào, một khách hàng bị ghi sai số công tơ của EVN Hà Nội nói: “Trước đây, việc ghi số công tơ không hề có sự giám sát của dân. Nhưng gần đây, thấy bên điện họ đọc công tơ bằng việc dùng gậy camera chụp công tơ và có thông báo khách hàng cùng họ giám sát khi ghi. Nhưng tôi thấy cách làm chưa ổn vì ở một khu chung cư như chỗ tôi, có hàng trăm hộ, nói chung như vậy thì tôi cũng không biết lúc nào ở nhà để có thể cùng xem công tơ. Tôi không thể bỏ việc, mất cả ngày ngồi ở nhà chờ họ đến mở công tơ được”.
Theo Thanh niên