Thụy Sĩ liên tục bị các quốc gia láng giềng “ăn hiếp” chặn bắt vật tư y tế

VietTimes -- Thụy Sĩ, vừa bị người Đức chặn lấy 240.000 khẩu trang, lại bị các quốc gia láng giềng “bắt nạt”: một lô găng tay ngoại khoa được Thụy Sĩ mua từ Trung Quốc lại bị người Đức bắt giữ trong quá trình vận chuyển quá cảnh Đức. Ngoài hai lô hàng này, Thụy Sĩ cũng bị Italy chặn bắt một lô hàng dung dịch khử trùng.
Thụy Sĩ liên tiếp bị các nước láng giềng "bắt nạt" chặn bắt các vật tư y tế nhập khẩu từ nước ngoài (Ảnh: Guancha)
Thụy Sĩ liên tiếp bị các nước láng giềng "bắt nạt" chặn bắt các vật tư y tế nhập khẩu từ nước ngoài (Ảnh: Guancha)

Theo các cơ quan truyền thông địa phương như Watson,  Swiss News NetworkTages-Anzeiger, Thụy Sĩ mới đây đã mua một lô găng tay ngoại khoa từ Trung Quốc. Lô vật tư y tế được gửi từ Trung Quốc đến Thụy Sĩ trong một container. Tuy nhiên, khi quá cảnh Đức, nó đã bị hải quan Hamburg chặn lại.

Đây là lần thứ hai trong thời gian gần đây Đức đã bắt giữ các nguồn vật tư y tế của Thụy Sĩ. Lần đầu tiên họ chặn bắt giữ lại 240.000 khẩu trang. Phía Thụy Sĩ đã khẩn cấp triệu tập đại sứ Đức tại Thụy Sĩ tới để phản đối và yêu cầu phía Đức giải phóng ngay lập tức lô hàng này.

Điều đáng chú ý là hoạt động “chặn bắt găng tay” lần này không giống như chặn giữ khẩu trang lần trước. Lần trước khẩu trang bị hải quan Đức bắt giữ khi đang được vận chuyển bằng xe tải quá cảnh Đức đến Thụy Sĩ; nhưng lần này, container chứa găng tay chỉ được trung chuyển qua Đức. Một nguồn tin cho biết, lần này chiếc container chứa găng tay bị giữ tại một nhà kho miễn thuế ở Hamburg, điều đó có nghĩa là container thậm chí chưa nhập cảnh Đức.

Báo Tages-Anzeiger viết về việc Đức chặn giữ vật tư y tế của Thụy Sĩ (Ảnh: Guancha).
Báo Tages-Anzeiger viết về việc Đức chặn giữ vật tư y tế của Thụy Sĩ (Ảnh: Guancha).

Ông Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ đã đích thân gọi điện thoại trao đổi với Bộ trưởng Kinh tế Cộng hoa Liên bang Đức để thảo luận về việc bắt giữ các vật tư y tế. Vào đêm ngày 10/3 theo giờ địa phương, một nguồn tin tại hải quan Đức cho biết, container hiện đã được giải phóng và cho biết việc bắt giữ chỉ là “một sơ xuất”. Tuy nhiên, điều này chưa được xác nhận chính thức.

Ngoài Đức, Italy một quốc gia láng giềng khác của Thụy Sĩ, cũng đã bắt giữ một lô vật tư y tế là dung dịch khử trùng tại nước này vào hôm thứ Tư 11/3- nước khử trùng. Ban Thư ký Liên bang Thụy Sĩ về các vấn đề kinh tế (SECO) cho biết họ đang thảo luận về vấn đề này với chính quyền Italy.

Là một quốc gia Trung Âu nhỏ bé với dân số chỉ hơn 8 triệu người, tính đến ngày 12/3, Thụy Sĩ đã có 652 trường hợp được chẩn đoán nhiễm COVID-19 trên toàn quốc, đã tử vong 4 người. Vì Thụy Sĩ hầu như không sản xuất các vật tư  y tế phòng hộ như khẩu trang và quần áo phòng hộ, nên phụ thuộc vào nhập khẩu.

Theo The Neue Zürcher Zeitung, thông thường các công ty Đức mua số lượng lớn vật tư phòng hộ từ Trung Quốc và các nơi khác, sau đó các công ty Thụy Sĩ mua lại một phần hàng hóa từ Đức để đáp ứng nhu cầu của các nhân viên y tế Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, một tuần trước, nước Đức cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung cấp vật tư y tế do tình hình dịch bệnh căng thẳng, đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với các sản phẩm như khẩu trang, quần áo bảo hộ, găng tay y tế, bao giày và kính bảo hộ. Các loại vật tư như vậy chỉ được phép vận chuyển ra nước ngoài khi chính phủ quyết định viện trợ cho nước ngoài. Quy định này áp dụng cho tất cả các quốc gia, bao gồm các quốc gia thành viên EU và cả các quốc gia tham gia Hiệp định Schengen về biên giới mở.

Là quốc gia trung lập nằm giữa các quốc gia EU, hàng hóa nhập khẩu của Thụy Sĩ phụ thuộc vào vận chuyển quá cảnh qua cảng biển các nước (Ảnh: newtalk).
Là quốc gia trung lập nằm giữa các quốc gia EU, hàng hóa nhập khẩu của Thụy Sĩ phụ thuộc vào vận chuyển quá cảnh qua cảng biển các nước (Ảnh: newtalk).

Một quốc gia láng giềng khác của Thụy Sĩ là Pháp cũng đã ban hành lệnh hành chính trưng dụng đối với tất cả khẩu trang. Trước đó, Italy cũng đã tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu tất cả các vật tư chống dịch. Mặc dù EU thống nhất mua các vật tư y tế và chống dịch từ tuần này rồi phân phối chúng cho các quốc gia thành viên khác nhau, nhưng Thụy Sĩ, với tư cách là một quốc gia trung lập vĩnh viễn, đã không gia nhập EU mà chỉ tham gia vào Hiệp định Schengen.

Là một quốc gia không giáp biển về mặt địa lý, Thụy Sĩ được bao quanh bởi các quốc gia thành viên EU là Pháp, Đức, Áo, Italy và quốc gia nhỏ bé Liechtenstein mà không có cảng biển riêng. Trừ khi được vận chuyển trực tiếp bằng đường hàng không, mọi thứ hàng hóa mua sắm từ các nước trên thế giới của Thụy Sĩ đều phải đi qua các cảng của các nước EU. Tuy nhiên, các nước láng giềng chính của Thụy Sĩ đều đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 và Italy là quốc gia có dịch bệnh tồi tệ nhất ở châu Âu, đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phong tỏa cả nước. Các trao đổi qua lại về con người giữa Thụy Sĩ với các nước láng giềng rất chặt chẽ và rất khó ngăn chặn việc nhập cảnh các trường hợp bị nhiễm bệnh.

Hiện nay, việc cung cấp khẩu trang phòng hộ ở Thụy Sĩ đã đến mức thiếu hụt nghiêm trọng. Trung tâm phòng chống nhiễm trùng quốc gia Thụy Sĩ (National Center for Infection Prevention) hôm 6/3 đã thông báo cho các bệnh viện ở nước này: các bác sĩ cần gia hạn sử dụng mỗi chiếc khẩu trang từ 2 lên thành 8 giờ. Ông Andreas Widmer, Chủ tịch trung tâm, nói: “Sẽ rất khó chịu khi phải đeo chiếc khẩu trang ướt trong suốt ngày”. Tuy nhiên, do nguồn cung khẩu trang giảm, đây là phương án duy nhất có thể sử dụng để đảm bảo sự bảo vệ cần thiết trong thời gian ngắn.