Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phía Đông

VietTimes -- Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông là một trong những nội dung quan trọng sẽ được Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến trong phiên họp thứ 15, diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 11-13/10.
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đưa vào khai thác năm 2015 - Ảnh: VEC
Cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đưa vào khai thác năm 2015 - Ảnh: VEC

Theo Thông cáo của Tổng thư ký Quốc hội, sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV sẽ tiến hành khai mạc Phiên họp thứ 15. Kỳ họp này sẽ kéo dài trong 3 ngày, từ ngày 11- 13/10.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các Báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017; xem xét, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. 

Đáng chú ý, một trong những nội dung nổi bật tại Phiên họp thứ 15 này là việc xem xét cho ý kiến về Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Bên cạnh đó, những nội dung nổi bật khác như Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng được Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

Theo phương án được Thủ tướng phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng chiều dài 1.372km sẽ được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ nay đến 2025 được chia thành 2 phân kỳ. Cụ thể, từ năm 2017-2020 sẽ đầu tư khoảng 713km và chia thành 8 dự án gồm các đoạn: Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT;

Nâng quy mô 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) từ 2 làn xe lên thành 4 làn xe; đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chia thành 20 dự án thành phần giao cho các địa phương thực hiện.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước hỗ trợ đã được Thủ tướng đồng ý sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ; phần vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 63.716 tỷ đồng.

Từ 2021-2025 đầu tư mới 659km để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 sẽ thực hiện mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; căn cứ vào nhu cầu vận tải sẽ quyết định cụ thể thời điểm đầu tư, phương án đầu tư và nguồn vốn.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hành lang kinh tế Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM đi qua địa phận của 20 tỉnh và thành phố. vì vậy cần ưu tiên đầu tư, tạo động lực cho hành lang này, đặc biệt là yêu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại.