Không ít đại gia Việt đã bỏ ra hàng chục triệu USD hoặc sẵn sàng chia sẻ lợi ích để thâu tóm các công ty nước ngoài. |
Mua các công ty nước ngoài
Mới đây, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) đã chính thức công nhận sở hữu Công ty Mass Noble và bàn giao nhà máy Ansen từ Quỹ đầu tư Global Emerging Markets (GEM) của Mỹ.
Với việc phát hành thêm gần 20 triệu cổ phiếu DLG, tập đoàn phố núi Gia Lai đã hoán đổi thành công hơn 29 triệu cổ phiếu của Công ty Mass Noble và trở thành chủ sở hữu nhà máy Ansen chuyên sản xuất linh kiện điện tử đặt tại Trung Quốc. Đây là một bước mở rộng ngành nghề sang lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử khai thác thị trường trong và ngoài nước.
Năm 2014, Tập đoàn FPT đã mua lại thành công 100% Công ty RWE IT Slovakia - công ty con của một tập hàng đầu về năng lượng của Đức. Thương vụ đã giúp FPT có thêm gần 400 chuyên gia và một tập khách hàng mới tại thị trường châu Âu.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn này từng chia sẻ, FPT muốn thâm nhập vào thị trường châu Âu nhưng không biết ngành điện ở Đức tinh vi tới đâu. Do vậy, FPT phải mua bán sáp nhập.
Những quyết định thâu tóm công ty nước ngoài của các DN trong nước luôn được các NĐT quan tâm bởi đó là những thương vụ lạ trên thị trường mua bán sáp nhập (M&A) của Việt Nam, vốn quen với việc các DN ngoại thâu tóm DN nội.
Cuối năm 2013, giới đầu tư cũng xôn xao với việc Vinamilk được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài về việc đầu tư 7 triệu USD để mua lại 70% cổ phần của công ty Driftwood Dairy tại bang California, Hoa Kỳ.
Đây là một bước đi khá tạo bạo nhưng được đánh giá là hợp lý của hãng sữa hàng đầu tại Việt Nam. Driftwood Dairy là công ty chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ. Các sản phẩm được phân phối tại thị trường California và có thể được xuất khẩu.
Trong năm 2013, Công ty cổ phần đầu tư U&I (Unigroup) đã âm thầm thế chân tập đoàn ngoại Daio Paper tại Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP). Chủ HĐQT Công ty cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO), ông Mai Hữu Tín đã trở thành đối tác mới của Giấy Sài Gòn sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Công ty giấy Daio (Nhật).
Trước đó, doanh nhân Phạm Đình Nguyên mua thị trấn Buford, ở Wyoming (Mỹ) để kinh doanh thương hiệu cà phê Việt cũng gây tiếng vang lớn và khá ồn ào trong cộng đồng DN Việt.
Ngược chiều gió
Trong khoảng một năm vừa qua, thị trường M&A Việt Nam sôi sục với những thông tin tỷ phú Thái tấn công thị trường trong nước thông qua các vụ thâu tóm DN tại Việt Nam như: Nguyễn Kim, Metro và gần đây là thông tin siêu thị điện máy Pico. Hay Aoen của Nhật mua cổ phần tại Fivimart và CitiMart.
h |
Trong khoảng một năm vừa qua, thị trường M&A Việt Nam sôi sục. |
Tờ Jakarta Post cho biết, tập đoàn xi măng lớn của Indonesia - Semen sẽ tiếp tục thâu tóm một nhà sản xuất nội địa sau khi một công ty con là Semen Gresik đã chi hàng trăm triệu USD mua cổ phần lớn tại Công ty xi măng Thăng Long từ Geleximco…
Làn sóng DN ngoại tấn công DN nội trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là một thực tế không thể tránh khỏi bởi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hơn bao giờ hết vào nền kinh tế thế giới với các hiệp định thương mại lớn như EEU, AEC, Hàn Quốc… và sắp tới có thể là TPP. Các nước ASEAN muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam, trong khi các nước khác muốn qua Việt Nam thâm nhập và thị trường 600 triệu dân trong khu vực này.
Ở chiều ngược lại, hiện tượng các DN Việt bắt đầu bỏ tiền ra thâu tóm hoặc hoán đổi cổ phiếu để thâu tóm các công ty nước ngoài khá mới mẻ nhưng là một tín hiệu đáng mừng.
Hầu hết các thương vụ thâu tóm công ty nước ngoài mới xảy ra và chưa có hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, nó đã cho thấy các DN mong muốn vươn ra quốc tế, chinh phục những thử thách mới.
Có thể thấy, trong một thời gian rất dài, không có nhiều DN Việt phát triển kinh doanh ra nước ngoài, chưa hướng tới 7 tỷ dân trên thế giới mà chủ yếu phục vụ thị trường chưa tới 100 triệu dân trong nước. Những thương vụ mua công ty nước ngoài gần đây đang nhóm lên hy vọng phát triển mạnh hơn của các DN Việt.
Theo VNN