Tại Hội thảo "Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế - Còn lại gì sau các Hiệp định thương mại tự do?" vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 9 FTA và đang đàm phán một loạt FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam- EU...
Cũng theo bà Trang, các FTA đã và sẽ ký kết đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng sẽ đưa cho các doanh nghiệp Việt Nam khá nhiều thách thức. Trong đó có thể kể đến những quy tắc nghiêm ngặt về xuất xứ trong thương mại tự do, hàng rào không nhân nhượng ở nước ngoài…
Liên quan đến vấn đề hội nhập thị trường, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang có những chính sách khuyến công, nông, ngư, nhưng chưa có chính sách khuyến khích thị trường. Điều này nói lên rằng, ngành bán lẻ Việt Nam chưa được hỗ trợ tương xứng với vai trò và vị trí trong nền kinh tế và đời sống của người dân. “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản cứ được mùa rớt giá, không bán được hàng khiến cho có doanh nghiệp phải phá sản”, bà Loan chia sẻ.
Đưa ra thực trạng khó khăn của ngành bán lẻ hiện nay, bà Loan cho biết, nguồn cung mặt bằng bán lẻ đang tăng nhanh tại cả hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn 2014 – 2015. Tuy nhiên, giá thuê vẫn quá cao đối với các doanh nghiệp bán lẻ, trong đó TP.HCM khoảng 100 USD/m2 ở khu trung tâm và khoảng 40 USD/m2 ở nơi khác. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nhỏ và siêu nhỏ không thể chi trả những khoản chi phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi.
Để giải quyết vấn đề này, bà Loan cho rằng, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ các tỉnh/thành phố và thông báo công khai cho cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hoạt động tại địa bàn nông thôn.
“Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, kỹ năng bán lẻ… đáp ứng yêu cầu của thời đại hội nhập và kỹ thuật số”, bà Loan kiến nghị.
Việt Nam quá hăng hái hội nhập
Cũng liên quan đến câu chuyện hội nhập, ông Nguyễn Anh Dương, chuyên gia Nghiên cứu của Dự án NDS của tổ chức Action Aid nhận định, Việt Nam là nước hăng hái nhất trong các cam kết hội nhập song phương và đa phương.
Mặc dù vậy, ông Dương cũng cho rằng, mở cửa và hội nhập thị trường là cần thiết, song các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. “Cơ quan chức năng cần tăng cường không gian chính sách, nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình điều chỉnh cơ cấu của doanh nghiệp trong nước và cơ cấu lao động. Trong đó, cần cam kết mở cửa phù hợp với thời gian tối thiểu, để phát triển năng lực sản xuất công nghiệp trong nước. Đặc biệt, tránh mở cửa nhanh hơn cam kết”, ông Dương kiến nghị.
Trong khi đó, bà Nguyễn Nga, một doanh nhân ở Pháp 40 năm hiện đang có dự án khôi phục lại cầu Long Biên, cũng nhận định rằng, việc Việt Nam liên tục ký kết các Hiệp định thương mại tự do là một hành động quá liều lĩnh. “Cũng như ngôi nhà chúng ta đang xây, nếu chúng ta mở quá nhiều cửa, khi gió to thì thốc vào từ phòng này sang phòng khác. Vậy làm sao chúng ta sống được?”, bà Nga ví von.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hữu Thanh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam lại cho rằng, Hội nhập là cần thiết và mỗi ngành cần phát huy thế mạnh để vươn lên phát triển.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Thanh cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam hiện đang đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc và ngành chăn nuôi thủy cầm cũng rất tiềm năng khi có bờ biển dài hơn 3.000 km. Đây là thế mạnh của Việt Nam, mà không phải nước nào cũng có. Vì vậy, khi Hội nhập buộc các doanh nghiệp sẽ phải ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp và phát huy những thế mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung Tâm WTO cũng chia sẻ: “Đồng ý rằng nhà mở hết cửa thì người không sống được. Song, tôi cho là nhà mình chưa mở cửa hết. Có những cửa đã mở, nhưng có then, có lưới và nếu có giải pháp chúng ta vẫn sống tốt”.
Bà Trang cho biết, những thông tin rò rỉ ra từ các FTA tới đây, không gian chính sách hỗ trợ về thuế quan, phi thuế quan ngày càng hẹp. Bằng chứng, trong mua sắm Chính phủ, không còn ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, các rào cản như vệ sinh an toàn thực phẩm, chống bán phá giá thì còn rất rộng.
Theo: VnMedia