Khi mới nhậm chức, Tổng thống Donald Trump luôn khăng khăng rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có một phần nguyên nhân từ các thỏa thuận thương mại tồi và một phần do lỗi của các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm. Ông Trump đặt quyết tâm phải đảo ngược tình thế này và phải đem lại cho Mỹ một “thỏa thuận tốt hơn”. Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump luôn chỉ trích Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một “thảm họa,” Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất trong lịch sử,” và việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là “vụ trộm cắp công ăn việc làm lớn nhất trong lịch sử.”
Ông Trump luôn nhắc nhở chúng ta rằng Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại hàng năm lên tới 811 tỉ đô la, mức thâm hụt lớn nhất thế giới năm 2018. Nước này nhập khẩu 2400 tỉ đô la trong khi chỉ xuất khẩu được có 1500 tỉ đô la.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2018 là 419 tỉ đô la, chiếm gần một nửa thâm hụt thương mại của nước Mỹ với toàn thế giới.
Theo ông Trump, thâm hụt thương mại gây ra những hậu quả nghiêm trọng: mức thất nghiệp cao, tiền lương đứng yên, mức sống đi xuống và tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
Ông cũng lập luận rằng một số thỏa thuận thương mại gây phương hại đến an ninh quốc gia, làm suy giảm khả năng cạnh tranh cũng như sự công bằng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Ông buộc tội Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ và cưỡng ép các công ty Mỹ phải chuyển giao các bí mật sản xuất, trợ cấp cho các doanh nghiệp Trung Quốc để tạo lợi thế bất bình đẳng, sử dụng các công ty nhà nước để phong tỏa xuất khẩu và hạn chế đầu tư của Mỹ.
Nhìn từ góc độ chính trị, ông Trump đã giành được một ưu thế lớn trong chính trị đối nội bằng việc tấn công Trung Quốc trong địa hạt thương mại. Cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa giờ đều đã phản đối thương mại. Nghị sĩ cả hai đảng không chỉ ủng hộ “chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc” mà còn đồng ý từ bỏ cả Hiệp định thương mại tự do TPP vốn được tán dương khắp nơi (bao gồm Việt Nam) và đe dọa phản đối cả bản hiệp định NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do giữa Mỹ, Mehico và Canada).
Tuy nhiên, nhìn từ góc độ kinh tế, ông Trump đã sai khi kết tội Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về thâm hụt thương mại của Mỹ. Ông Trump cũng không đúng khi cho rằng thâm hụt thương mại chỉ mang lại hậu quả xấu. Ông cũng sai phần nào khi quy kết thâm hụt thương mại làm xói mòn an ninh quốc gia. Nhưng ông Trump lại hoàn toàn đúng khi nỗ lực buộc Trung Quốc phải “tạo ra những sân chơi công bằng” cho đầu tư Mỹ để các doanh nghiệp Mỹ có thể cạnh tranh bình đẳng với Trung Quốc.
Đối với hầu hết mọi người, một số nhận định nêu trên có vẻ đi ngược lại với quan điểm thông thường, nhưng đa số các nhà kinh tế đều đồng ý rằng những nhận định này có lý.
Thâm hụt thương mại không phải là một chỉ dấu cho thấy nền kinh tế đang suy giảm, cũng như không phải là nguyên nhân gây suy thoái. Kể từ khi ông Trump nhận chức vào năm 2017, thâm hụt thương mại Mỹ đã tăng thêm 44 tỉ đô la và đạt mức cao kỷ lục năm 2018. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp ở mức kỷ lục 3.8%, tiền lương trung bình tăng 3.1%; và tăng trưởng GDP hàng năm ở mức cao 3.1%. Như vậy, những nền kinh tế lành mạnh hoàn có thể chung sống hòa bình với thâm hụt thương mại tỷ lệ cao.
Vì sao lại như vậy? Thậm hụt thương mại xuất hiện khi người dân Mỹ tiêu thụ hàng nhập khẩu với trị giá lớn trong khi giới doanh nghiệp Mỹ lại xuất khẩu hàng hóa với tổng giá trị nhỏ hơn. Nói cách khác Mỹ đang tiêu đi nhiều tiền hơn số tiền thu về. Điều đó có nghĩa là số tiền tiết kiệm của người dân Mỹ không đủ để chi trả đáp ứng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của họ. Nguồn thu đáp ứng cho phần chi tiêu vượt mức tiết kiệm này được lấy từ việc vay mượn nước ngoài, hoặc lấy từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Mỹ. Khi đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng lên, tỷ giá hối đoái giữa đồng đô la và các đồng tiền khác sẽ tăng theo, vì các nhà đầu tư sẽ tìm mua đô la để chuyển vốn vào Mỹ nhằm hưởng lợi nhuận cao. Khi đồng đô la tăng giá, người Mỹ có thể mua nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài hơn vì giá hàng hóa và dịch vụ đã rẻ đi. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng ở nước ngoài và do vậy họ mua ít đi. Tóm lại, mức tiết kiệm thấp, đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn và tỷ giá đồng đô la cao đã cộng hưởng và cùng gây ra thâm hụt thương mại.
(Mỹ ở một vị thế có một không hai vì “đồng đô la là đồng tiền mà các nước khác dùng làm thước đo để định giá tài sản của họ”. Bởi vậy, tỷ giá hối đoái có tác động khác biệt so với ở các nước khác.)
Ông Trump luôn nói rằng nợ công của chính phủ Mỹ – hiện ở mức 22 nghìn tỉ đô la – là hậu quả của nhiều năm thâm hụt thương mại. Nhưng trên thực tế ông phải nói ngược lại mới đúng. Chính thâm hụt ngân sách cao mới là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới thâm hụt thương mại. (Hiện tại, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với cho vay đạt 1200 tỉ, chiếm 5% tổng nợ Chính phủ Mỹ; 95% còn lại của tổng nợ, nước Mỹ vay từ những nguồn khác.) Sở dĩ như vậy là vì Chính phủ vay quá nhiều sẽ chèn ép và làm giảm phần vốn chảy vào thành phần kinh tế tư nhân. Khi đó cả chính phủ và doanh nghiệp đều buộc phải vay mượn và tìm kiếm nguồn đầu tư nước ngoài.
Thật trớ trêu, chính bằng việc đẩy Mỹ vào tình trạng nợ nần lớn hơn, ông Trump đã gián tiếp đóng góp vào mức thâm hụt thương mại cao mà ông luôn công kích và tỏ ra ghê tởm. Đã thế ông Trump còn đang thu hút thêm nợ của Trung Quốc, vốn chỉ đổ thêm dầu vào lửa đối với tình trạng thâm hụt thương mại.
Việc cắt giảm thuế và các chính sách nới lỏng cũng đóng góp vào mức tăng thâm hụt thương mại. Chỉ riêng các sắc thuế cắt giảm ông Trump quyết năm 2017 cũng ước tính sẽ làm nợ quốc gia tăng thêm 2300 tỉ sau một thập kỷ. Hệ quả tiếp theo là chính quyền buộc phải đi vay thêm nợ để có thể tiếp tục hoạt động. Chương trình nới lỏng các chính sách đối với doanh nghiệp của ông Trump giúp cho giới kinh doanh Mỹ tăng lợi nhuận đáng kể, và thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài. Từ đó, tỷ giá hối đoái tăng. Cả hai chính sách này đều góp phần làm tăng nhập khẩu (khoảng 7.5%) và giảm xuất khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại thêm trầm trọng.
Trump cũng đổ lỗi cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) trong việc góp phần làm tăng thâm hụt thương mại. Fed đã tăng lãi suất 4 lần trong suốt năm 2018, theo đó tăng giá trị của đồng đô la và gây sụt giảm xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu Fed giữ nguyên mức lãi suất trong năm 2018 thì lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng và các nhà đầu tư sẽ phải xem xét những địa điểm đầu tư khác. Như vậy có thể nói ông Trump có quan điểm ủng hộ lạm phát.
Thuế quan áp lên hàng nhập khẩu vào Mỹ là công cụ chính mà ông Trump sử dụng để giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Mỹ áp thêm thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm tăng giá các sản phẩm và dịch vụ khi đến tay người tiêu dùng ở Mỹ. Mục đích của việc làm này nhằm thuyết phục người dân Mỹ bớt mua hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc đi, qua đó sẽ làm cho nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc bị chao đảo một phen.
Trung Quốc đứng trước hai lựa chọn: một là đẩy phần tăng thuế nhập khẩu này lên người tiêu dùng Mỹ; hai là hấp thụ vào Trung Quốc để duy trì hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ giữ giá thấp. Dù chọn cách nào thì Trung Quốc, với tư cách là bạn hàng lớn nhất của Mỹ cũng đều bị tổn hại. Nhưng Trung Quốc không chấp nhận “ngồi chơi xơi nước” trong khi Mỹ tăng thuế nhập khẩu: Trung Quốc đang trả đũa. Và kết quả: một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới!
Năm 2018, Trump áp 250 tỉ đô la thuế nhập khẩu lên hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Trung Quốc đáp trả với 110 tỉ đô la tiền thuế đánh vào hàng xuất khẩu của Mỹ vào nước này.
Theo CNBC News, thuế quan nhập khẩu đã có hiệu quả. Xuất khẩu từ Mỹ vào tháng 12 năm 2018 đã tăng lên mức 207 tỉ đô la (tăng thêm 1,9 tỉ đô la); trong khi nhập khẩu vào Mỹ chỉ còn 258,5 tỉ đô la, giảm 6,8 tỉ đô la.
Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn trong mức giảm thâm hụt thương mại này. Mức thâm hụt thương mại của tháng đã giảm được 5,5 tỉ đô la xuống còn 33,2 tỉ nhờ nhập khẩu hàng Trung Quốc đã giảm 12% xuống còn 40,8 tỉ đô la.
Thuế nhập khẩu của Trump đánh vào Trung Quốc có thể có tác dụng giảm thâm hụt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, biện pháp thuế quan có thể gây ra những hậu quả không mong muốn, từ đó làm suy giảm hiệu lực của chính nó.
Hãy xem một ví dụ thực tế. Năm 2018, Trung Quốc áp thuế 25% lên mặt hàng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ. Những người nông dân trồng đậu nành ở Mỹ bị thiệt hại 10 tỉ đô la. Ông Trump vì vậy buộc phải trợ cấp 7,3 tỉ đô la cho nông dân trồng đậu nành để bù đắp thiệt hại này. Mặc dù vậy, hàng trăm hộ nông dân đã bị phá sản. Các nhà đàm phán thương mại Mỹ - Trung sau đó đã thỏa thuận với nhau rằng Trung Quốc sẽ hoãn tăng thuế và tiếp tục mua đậu nành của Mỹ nhưng với số lượng ít hơn.
Sau khi phong tỏa mặt hàng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc bắt đầu liên kết với Brazil để nhập khẩu đậu nành từ nước này. Điều đó có thể gây ra hậu quả khủng khiếp với Brazil. Nước này sẽ cần thêm khoảng 13 triệu ha đất để sản xuất đủ sản lượng đậu nành đang được nhập từ Mỹ. Như vậy, Brazil sẽ phải xóa sổ một phần rừng nhiệt đới tương đương diện tích của Hy Lạp!
Về mặt tổng thể, theo American Action Forum, ước tính trong năm 2018 người tiêu dùng phải trả thêm 38 tỉ đô la cho hàng hóa và dịch vụ từ việc Trump tăng thuế nhập khẩu. Các nhà sản xuất Mỹ có nhập thép và nhôm từ nước ngoài chẳng hạn, ước tính phải thu thêm của người tiêu dùng 7 tỉ đô la dưới thời ông Trump.
Và đừng quên một thực tế rằng: thuế nhập khẩu chỉ là một chính sách có hiệu lực nhất thời mà thôi. Thâm hụt thương mại tăng và giảm phụ thuộc vào mức tiêu dùng hàng nhập khẩu, mức tiết kiệm, mức đầu tư và tỉ giá hối đoái của đồng đô-la. Mà những biến số này lại thay đổi không ngừng.
Các thỏa thuận thương mại có ý nghĩa quan trọng, bởi vì nếu được thực thi tốt, chúng sẽ tạo ra sân chơi công bằng về thương mại giữa các quốc gia, giúp cho hệ thống toàn cầu vận hành ổn định. Các thỏa ước thương mại, hơn thế nữa, còn là một “cánh tay nối dài” của chính sách đối ngoại.
Hãy xem những gì đã diễn ra. Ông Trump bước vào nhiệm kỳ tổng thống với lời hứa hẹn sẽ tăng cường cam kết của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực thương mại, an ninh và hội nhập khu vực. Thực ra, hầu hết những lời hùng biện của ông rất tương hợp với chính sách “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Barack Obama.
Nhưng ngay trong vài ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước TPP. TPP là một thỏa ước thương mại tự do chủ chốt bao gồm 12 nước quanh vành đai Thái Bình Dương, không bao gồm Trung Quốc. Không cần phải nói rằng hành động này không khác gì một “cú tát mạnh” vào những nước này – đặc biệt là Việt Nam – những nước đang tìm cách xây dựng quan hệ thương mại chặt chẽ hơn với Mỹ như một cách cân bằng với những nỗ lực tìm cách giành quyền kiểm soát khu vực này của Trung Quốc.
Khi từ bỏ TPP, dù ít hay nhiều thì ông Trump đã nhường lại cho Trung Quốc cơ hội chiếm lĩnh giao thương ở khu vực này. Các nước châu Á - Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn – tới 40% -- của thương mại toàn cầu. Có vẻ như ông Trump đã quên mất rằng khi từ bỏ TPP, ông ta không chỉ khiến cho mục tiêu giảm thâm hụt thương mại trở nên khó khăn hơn mà ngay cả những mục tiêu đối ngoại cũng khó đạt được hơn hẳn.
Ông Trump lập luận rằng thâm hụt thương mại gây ra những tác động tiêu cực lên an ninh quốc gia. Ông đã áp thuế nhập khẩu lên thép, nhôm, xe hơi, điện thoại di động, máy tính, công nghệ, v.v. Ông tin rằng mình đang bảo vệ các ngành công nghiệp Mỹ trước sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc vì nếu không hành động, các doanh nghiệp Trung Quốc có thể thay thế Mỹ, từ đó đe dọa an ninh quốc gia. Rõ ràng ông Trump đã cường điệu hóa nguy cơ này. Ông xếp thép là ngành công nghiệp quốc phòng chủ chốt, nhưng thực tế Mỹ có thể dễ dàng mua thép từ những nước đồng minh thân thiết như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico và Brazil.
Hãy thử xem xét trường hợp của Huawei. Huawei là một tập đoàn đa quốc gia tư nhân Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn, chuyên cung cấp các thiết bị Internet và mạng lưới 5G. Doanh thu hàng năm của tập đoàn này vượt 120 tỉ đô la. Washington tin rằng Huawei là một mối đe dọa an ninh bởi nó cho phép chính phủ Trung Quốc có thể lén truy cập qua “cổng hậu” của các thiết bị mà tập đoàn này cung cấp. Chính phủ Trung Quốc có thể do thám người dùng hoặc thao túng các mạng lưới. Huawei hiện đang bị điều tra vì đã vi phạm lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran do chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Mỹ đang gây sức ép lên các nước châu Âu và các nước khác để không sử dụng thiết bị của Huawei. Theo Reuters, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh báo rằng Washington sẽ không hợp tác hay chia sẻ thông tin với những nước sử dụng thiết bị của Huawei.
Trump thường xuyên nhấn mạnh rằng Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ để Trung Quốc gia nhập được WTO vào năm 2001. Mỹ đã kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở thành một thành viên trong “trật tự thương mại tự do”, một trật tự được vận hành dựa trên luật lệ, cổ xúy cho thương mại tự do hơn, tính công bằng, minh bạch, cạnh tranh, không phân biệt đối xử và có thể dự đoán được.
Tổng thống Mỹ luôn coi việc để cho Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm lớn. Trump lập luận rằng Trung Quốc thường xuyên vi phạm các nguyên tắc của WTO, gây tổn hại cho Mỹ và các nước khác. Chương trình “Made in China 2025” của Trung Quốc có lẽ là sáng kiến khiến Trump nổi giận lôi đình.
Chương trình này là một cách tiếp cận “Công nghiệp 4.0”, đặt mục tiêu chuyển đổi Trung Quốc từ vị trí “công xưởng của thế giới” sang vị thế nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ tiên tiến, giá trị cao, hàm lượng công nghệ lớn. Trung Quốc tìm cách hiện thực hóa mục tiêu này thông qua trợ cấp lớn cho các ngành công nghệ cao, ủy thác vào các doanh nghiệp nhà nước (chiếm tới 1/3 GDP) và mua quyền sở hữu trí tuệ.
Trung Quốc 2025 là bước tiếp theo của chiến lược công nghiệp mà Trung Quốc đã triển khai rất thành công kể từ thập niên 1990 với mục tiêu biến Trung Quốc thành một cường quốc xuất khẩu. Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc xóa xổ 6 triệu công ăn việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ. Các nhà kinh tế hay nhắc đến câu chuyện này như “Cú sốc Trung Quốc”: vào năm 1970, 26% GDP của Mỹ đến từ ngành sản xuất nhưng đến năm 2006, con số này chỉ còn là 9%.
Mặc dù đây là số liệu gây sốc, trên thực tế tình hình không xấu đến mức như ông Trump đang vẽ ra. Hầu hết các công ăn việc làm bị mất trong các ngành sản xuất của Mỹ có căn nguyên từ sự lên ngôi của tự động hóa và quá trình chuyển dịch từ sản phẩm sang dịch vụ. Chỉ trong vòng hai năm dưới thời Trump, 4.9 triệu công việc mới đã được tạo ra. Hàng hóa xuất khẩu giảm và rơi vào tình trạng thâm hụt (chiếm 13% GDP), nhưng các dịch vụ xuất khẩu lại đạt thặng dư (16% GDP)! Nhưng không may là Trung Quốc cũng đang chuyển hướng từ xuất khẩu hàng hóa sang xuất khẩu dịch vụ. Hiện tại, Mỹ đang có “lợi thế cạnh tranh” so với Trung Quốc trong một số lĩnh vực dịch vụ.
Đối với Trump, nỗ lực này của Trung Quốc bị xem như là một động thái vi phạm các nguyên tắc của WTO mà Bắc Kinh đã ký kết vào năm 2001. Như một phần của cuộc chiến tranh thương mại, Trump đang truy đuổi Trung Quốc và Trung Quốc đang phải đáp ứng một phần những đòi hỏi này. Lý do là các sắc thuế nhập khẩu mà ông Trump áp đặt lên Trung Quốc đang gây ra những hậu quả tiêu cực đối với Bắc Kinh.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trung Quốc thường xuyên bị buộc tội ăn cắp các sáng chế trên quy mô lớn, đặc biệt thông qua các vụ trộm qua mạng. Để đối phó với Trump, Trung Quốc đang đưa vào thực thi “các biện pháp bảo vệ về mặt pháp luật” để ngăn chặn hành vi trộm cắp hoặc để giải quyết các khiếu nại. Trong năm 2017, “Các Tòa án Internet” đã được lập ra để xử lý các khiếu nại về sở hữu trí tuệ.
Bảo vệ đầu tư nước ngoài. Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã đưa vào thực thi Luật Đầu tư nước ngoài, theo đó các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều được đối xử bình đẳng. Các hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ -- ví dụ như buộc các công ty phải từ bỏ các bí mật công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc – bị nghiêm cấm và xem như các hành vi phạm tội.
Các doanh nghiệp nhà nước và trợ cấp chính phủ. Trung Quốc đang có kế hoạch cắt giảm quy mô của các doanh nghiệp nhà nước và thay thế bằng các doanh nghiệp tư nhân, do đó, họ sẽ bị buộc phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, ông Trump tin rằng Trung Quốc chưa đạt được tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này.
Nhiều nhà kinh tế lại cho rằng Mỹ không cần phải quá lo lắng. Các doanh nghiệp nhà nước cuối cùng sẽ đẩy Trung Quốc vào cảnh kinh tế đình trệ vì họ đang "lấy tương lai để nuôi hiện tại". Sau cùng thì việc trợ giá mạnh cho các doanh nghiệp nhà nước không khác gì việc Trung Quốc đang tài trợ cho nền kinh tế bùng nổ của Mỹ bằng cách đánh thuế lên người Trung Quốc. Đây là một lập luận đáng suy ngẫm.
Ngay cả việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước sang các công ty tư nhân hoặc khởi dựng các doanh nghiệp tư nhân từ đầu vẫn bị Trump công kích. Các công ty tư nhân, mặc dù do tư nhân điều hành, vẫn được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ mạnh mẽ, và vì thế, về bản chất không khác là bao so với các doanh nghiệp nhà nước.
Bên nào sẽ thắng cuộc chiến thương mại này? Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn Mỹ. Nền kinh tế Trung Quốc lấy xuất khẩu làm động lực đang chậm lại: giảm 14% trong tháng Một và tháng Hai năm 2019. Dự kiến tăng trưởng GDP đã xuống chỉ còn 6,2%, giảm 1,6%. Dư nợ đã đạt mức 13 ngàn tỉ USD.
Trung Quốc và Mỹ đã tạm thời đình hoãn áp đặt hàng rào thuế lên hàng hóa dịch vụ của nhau khi các đoàn đàm phán hai bên đang tích cực để đạt được một thỏa thuận thương mại mới. Hầu hết các báo cáo đều gợi ý rằng Trung Quốc và Mỹ sắp đạt được thỏa thuận. Có lẽ vậy. Hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về nguyên tắc để cam kết những chính sách nhằm giải quyết những khác biệt.
Tuy nhiên, vấn đề chính trong giải quyết khác biệt Mỹ Trung về thương mại là việc thực thi tuân thủ những quy tắc và chính sách đã được cấu thành bên trên. Nước Mỹ đòi hỏi phải minh bạch tối đa và có kiểm chứng, trong khi phía Trung Quốc thì muốn ở mức độ thấp hơn. Mỹ yêu cầu việc thực thi phải được kiểm chứng trước khi dỡ bỏ bất kỳ sắc thuế hoặc hoạt động cấm vận nào, trong khi phía Trung Quốc muốn dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan. Không có bên nào đang thực sự tin tưởng phía bên kia.
Và điều quan trọng hơn, là bấy lâu Trung Quốc đã xây dựng một nền kinh tế dựa trên những sản phẩm xuất khẩu do các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân được nhà nước trợ giá sản xuất. Cơ sở hạ tầng kinh tế này đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Liệu Trung Quốc có từ bỏ cấu trúc này để có một cách tiếp cận thị trường mở? Ngay cả khi quốc gia này muốn chuyển sang một nền kinh tế thị trường mở, thì câu hỏi sẽ là cần phải mất bao năm để đảo ngược cách tiếp cận của họ.
Tôi ước đoán Trung Quốc sẽ cởi mở thêm phần nào, và trong thực tế quốc gia này sẽ không thực thi hoàn toàn những nội dung của bản hiệp định thương mại ký kết với Mỹ tới đây.
Trường Minh (chuyển ngữ)