Phiên họp thường trực Chính phủ sáng nay (25.4) bàn về vướng mắc trong việc thực thi luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp. Hai luật được Quốc hội khóa 13 thông qua vào năm 2014 và có hiệu lực từ 1.7.2015, tuy nhiên hiện đã phát sinh khá nhiều bất cập.
“Với tinh thần ủng hộ, bảo hộ tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân. Cuộc họp cố gắng tháo gỡ cho được để 2 luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển. Tất nhiên, tinh thần tháo gỡ cũng không trái với luật đã được Quốc hội thông qua”, Thủ tướng gợi mở.
Theo quy định điều kiện chuyển tiếp của luật Đầu tư, sau ngày 1.7.2016, tất cả các điều kiện kinh doanh do Bộ, ngành và địa phương ban hành không đúng thẩm quyền sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, việc rà soát các quy định và giấy phép này hiện vẫn đang được triển khai rất chậm.
Nhấn mạnh thủ tục trong lĩnh vực đất đai, môi trường còn nhiều vướng mắc nhất, Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT cho ý kiến. Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển thừa nhận, ngay trong Bộ TN-MT, các Tổng cục vẫn còn gắn quyền hành của mình vào trong ban hành các văn bản pháp luật.
Trước ý kiến này, Thủ tướng cho rằng, hiện nay thủ tục phiền phức nhất và còn nhiều lỗ hỗng nhất chính là môi trường, nhưng chưa ai chịu trách nhiệm. “Tôi rất buồn. Đất đai thì có lót tay, tiêu cực mới có sổ đỏ. Tạo điều kiện cho dân vẫn còn mờ nhạt lắm, nhiều thủ tục, quá rườm rà. Qua lần này phải tháo gỡ vướng mắc và quản lý rất chặt về môi trường, đất đai công; đây là vấn đề rất đau đầu của đất nước hiện nay”, Thủ tướng yêu cầu.
Để không còn tình trạng giấy phép con, nhập nhèm trong phân biệt các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và hộ kinh doanh, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành phải tập hợp điều kiện kinh doanh để trong tháng 4.2016 có báo đầy đủ.
“Đã đưa ra điều kiện là vì cộng đồng nên càng phải siết chặt. Ngày 30.5 phải trình được nghị định hướng dẫn, không có ngoại lệ”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.
Đồng tình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý quá trình thực hiện hai luật gắn với Nghị quyết 19 là tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. “Bộ nào để xếp hàng quá dài phải xem lại mình. Tăng cường tổ công tác thực hiện 2 luật để kiểm tra, phát hiện kịp thời vướng mắc, chủ nghĩa cục bộ. Bộ máy công chức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế theo đúng tinh thần luật. Quán triệt không cản trở người dân, doanh nghiệp. Chậm phát triển là do thể chế và thực thi công vụ có vấn đề nhận thức chưa đầy đủ”, Thủ tướng nhắc nhở.
Theo Zing