Thủ tướng nhắc Hà Nội xử lý 4 tồn tại kéo dài, Đồng Tâm và 8B Lê Trực xếp đầu

VietTimes -- Kết luận cuộc làm việc với TP. Hà Nội kéo dài gần 4 tiếng rưỡi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Hà Nội cần xử lý 4 tồn tại kéo dài: Vấn đề ở Đồng Tâm, vụ 8B Lê Trực, công trình đường sắt Cát Linh-Hà Đông và vụ việc ở mương Phan Kế Bính
Đồng Tâm là 1 trong 4 vấn đề nổi cộm nhất mà Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nghiêm túc xử lý. Ảnh: TTXVN.
Đồng Tâm là 1 trong 4 vấn đề nổi cộm nhất mà Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nghiêm túc xử lý. Ảnh: TTXVN.

Kết luận cuộc làm việc kéo dài gần 4 tiếng rưỡi với TP. Hà Nội vào sáng nay (20/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hà Nội phải khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển trong điều kiện khác nhau trong nền kinh tế đang có nhiều thay đổi, trong đó, đặc biệt lưu ý Hà Nội xử lý 4 vấn đề trên cho thấu đáo, dứt điểm.

Theo Thủ tướng, vấn đề ở Đồng Tâm là bài học cho thấy cần củng cố hệ thống chính trị tốt hơn nữa, củng cố lòng dân, phát triển và xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai là vấn đề dự án 8B Lê Trực, Hà Nội cần bảo đảm quy hoạch chi tiết khu vực này, an toàn công trình, bảo đảm quyền lợi đúng mức, đúng đắn cho nhà đầu tư. Thủ tướng nhắc Hà Nội cần phải làm ngay phương án cụ thể vì công trình này kéo dài gần 10 năm mà chưa xử lý xong.

Công trình 8B Lê Trực (Ba Đình - Hà Nội) kéo dài gần 10 năm, trong đó, có gần 5 năm phát hiện sai phạm nhưng TP. Hà Nội vẫn loay hoay chưa xử lý dứt điểm được
Công trình 8B Lê Trực (Ba Đình - Hà Nội) kéo dài gần 10 năm, trong đó, có gần 5 năm phát hiện sai phạm nhưng TP. Hà Nội vẫn loay hoay chưa xử lý dứt điểm được 

Thứ ba, đối với công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải tập trung giải quyết dứt điểm, có cơ chế tạm ứng, thanh toán, hoàn thiện dự án, sau đó khấu trừ. Bộ Giao thông vận tải bàn với đối tác xử lý dứt điểm trước tháng 6/2020.

Tồn tại thứ tư, Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc cần khẩn trưởng xử lý dứt điểm vấn đề mương Phan Kế Bính.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng biểu dương Hà Nội đã nỗ lực, làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh: "Hà Nội thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tiên trong mục tiêu kép là tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng, cuộc sống của người dân. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tự mãn".

Nhấn mạnh việc giải quyết những tồn tại và đồng thời tập trung phương hướng, nhiệm vụ 9 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Đoàn kết xốc tới phát triển Thủ đô

Thủ tướng cho rằng Hà Nội phải có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, để trở thành nơi tập trung nhiều cơ sở hàng đầu về kinh tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, môi trường sống thân thiện. Con người thủ đô văn minh, thanh lịch, năng động, tiêu biểu về trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: VPCP..

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng đến tỉ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn, mà theo báo cáo của Hà Nội, còn 50.000 tỷ đồng chưa giải ngân được. Đặc biệt, quý I/2020, huy động vốn xã hội chưa đạt kế hoạch. Trong khi vốn là một kênh tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm vấn đề này.

Dẫn nhận định của một số tổ chức cho rằng Việt Nam là một trong những nước có khả năng tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh kinh tế quốc tế suy giảm do dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội gặp nhiều thách thức nhưng có nhiều thời cơ, cần đón bắt thời cơ mới để đoàn kết xốc tới phát triển Thủ đô.

Trong quá trình ấy, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ cùng với Hà Nội, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ mọi ách tắc để Hà Nội phát triển. Hà Nội cần tìm nguồn lực xã hội, đây là vấn đề quan trọng nhất, cùng với việc phát triển hạ tầng, giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường tiêu dùng của các hộ gia đình.

Về các kiến nghị cụ thể của Hà Nội, Thủ tướng đã cho ý kiến chỉ đạo giải quyết với tinh thần là các bộ cùng Hà Nội tháo gỡ, tạo điều kiện cho Hà Nội, có điều gì vướng mắc vượt thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sẵn sàng tháo gỡ.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, để triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi kinh tế, Hà Nội tiếp tục các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung nguồn lực để bố trí đủ kinh phí cho đầu tư phát triển như kế hoạch vốn đã giao đầu năm, phấn đấu không phải cắt giảm chi cho đầu tư phát triển.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo tại buổi làm việc.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: VPCP.

Trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng năm 2020, dự báo hết quý II/2020 dịch bệnh mới được kiểm soát, thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội ước hụt thu khoảng 36.000 - 39.000 tỷ đồng; trong đó thu ngân sách địa phương ước hụt thu 10.000 - 12.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, Hà Nội đã đưa ra giải pháp bù đắp phần thiếu hụt ngân sách nêu trên sẽ bằng cách tiết kiệm chi thường xuyên trên 5% (ngoài tiết kiệm chi 10% từ đầu năm), sử dụng nguồn ngân sách kết dư, quỹ dự trự tài chính (không cắt giảm đầu tư công).