Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn về Biển Đông

Từ 9 giờ sáng 18-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu báo cáo, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội sáng 18-11
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội sáng 18-11

Sáng 18-11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường.

Sau phần trả lời của các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Trưởng ngành, từ 9 giờ sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu làm rõ thêm những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm.

Thủ tướng đã báo cáo, giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm như: Tình hình kinh tế-xã hội 2015; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nội hàm khái niệm kinh tế thị trường; các vấn đề liên quan đến hội nhập quốc tế và phát triển bền vững; các giải pháp thực hiện giảm nghèo đa chiều; các vấn đề về quan hệ đối ngoại, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, các vấn đề về lao động khi triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dường (TPP)…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó đã dành thời gian trả lời chất vấn đề tranh chấp chủ quyền, tình hình diễn biến phức tạp trên Biển Đông, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Thủ tướng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày với QH. Lập trường, quan điểm chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là nhất quán, cơ bản là phù hợp đã đạt được nhiều kết quả tích cực song cũng còn không ít khó khăn, thách thức. “Chúng ta cần tiếp tục, kiên trì thực hiện, sáng tạo hiệu quả các lập trường, quan điểm, chủ trương của Nhà nước đối với các vấn đề mà các ĐB đã nêu trong chất vấn tại hội trường” – Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ sau đó nhấn mạnh tới 3 điểm: Thứ nhất, Việt Nam chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực.

Thứ hai, Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo vệ độc lập lãnh thổ, lợi ích quốc gia theo đúng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước cũng như Hiến chương Liên họp quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước về Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc, các cam kết khu vực, nhất là DOC (Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông).

Thứ ba, đồng thời với phát triển kinh tế - xã hội phải tăng cường quốc phòng- an ninh; phải nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phải tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; phải tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta.

“Gìn giữ hoà bình, ổn định để tạo môi trường và kiều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN của chúng ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, sáng 17-11, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho biết đã gửi 5 câu hỏi bằng văn bản tới Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có câu hỏi về việc kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới, Trung Quốc nổi tiếng là mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị.

Theo ĐB Nghĩa, cử tri đề nghị là không vay tiền và nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này bởi Trung Quốc đang tranh chấp, thậm chí là đang chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe doạ sẽ chiếm nhiều hơn. “Nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không? Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay ODA từ Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác để vay” - ĐB Nghĩa lên tiếng.

Tiếp tục cập nhật...

Theo NLĐ