Trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ quan điểm phát triển văn hóa song song với phát triển kinh tế và cần dành một khoản kinh phí cần thiết, dành nguồn lực thích đáng cho phát triển văn hóa.
Trong phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: “Nhiều quốc gia trở thành cường quốc kinh tế, đồng thời, cũng là cường quốc văn hóa trong quá trình phát triển. Thủ tướng cho biết, phát triển văn hóa có phải vấn đề có tầm chiến lược quan trọng trong xây dựng đất nước ta hay không và Thủ tướng có giải pháp đột phá gì để phát triển văn hóa?”
Trả lời ý kiến của đại biểu, Thủ tướng khẳng định: Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế, nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa, thì chưa thành công. Bởi vì chúng ta có 4.000 năm lịch sử với một nền tảng văn hóa dân tộc dày dặn.
Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập trong quản lý nhà nước về văn hóa. Đó là chưa nề nếp trong hoạt động văn hóa, chưa quan tâm đến một số cuộc vận động mà Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động.
Bên cạnh đó là thu hút đầu tư, chính sách về giữ gìn phát triển văn hóa chưa được quan tâm, nhất là đầu tư của tư nhân vào văn hóa còn ít, một số văn hóa truyền thống, làng nghề bị mai một.
Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) luôn thu hút du khách thập phương.
|
“Tại buổi trả lời hôm nay, tôi nêu mục tiêu của Chính phủ là kinh tế chúng ta phải sớm vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhưng chúng ta không chấp nhận một tình trạng văn hóa Việt Nam “lờ nhờ, nhợt nhạt”, kém văn hóa hoặc văn hóa lai căng. Đó là những yêu cầu đặt ra không những trong phát triển kinh tế mà còn phải giữ gìn văn hóa của đất nước để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc chúng ta trên 4.000 năm lịch sử” - Thủ tướng nói.
Dành nguồn lực thích đáng
Nhắc nhớ một câu rất nổi tiếng của Bác Hồ: “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa.
Theo ông, Chính phủ cần thảo luận nhiều giải pháp trong định hướng, đó là tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về văn hóa, bỏ tư duy việc gì không quản lý được thì cấm; xây dựng nền công nghiệp văn hóa cạnh tranh với toàn cầu; chấn chỉnh lệch lạc về văn hóa, nhất là truyền thông, giáo dục về văn hóa, giáo dục từ nhỏ có văn hóa, có đạo đức, đó là biết lịch sử dân tộc, văn hóa ứng xử và có văn hóa gia đình, văn hóa xã hội.
Đồng ý với đề xuất của đại biểu Quốc Hưng (Hà Nội), Thủ tướng cho rằng cần phải dành nguồn lực thích đáng cho phát triển văn hóa, đồng thời, phải coi trọng văn hóa trong quá trình giữ gìn văn hóa. Không có những biện pháp cụ thể như thế thì khó giữ gìn văn hóa.
"Không chỉ dành nguồn lực cho văn hóa, mà phải bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt là văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, văn hóa nghị trường mà chúng ta đang mong mỏi” - Thủ tướng nhấn mạnh.