Đó là một trong những nội dung được quan tâm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành có liên quan, được kết nối trực tiếp tới các điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Được biết, cùng ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có hướng dẫn kỹ thuật về mã QR cá nhân thống nhất toàn quốc tạo tiền đề quan trọng giúp người dân có thể chọn dùng ứng dụng cung cấp mã QR cá nhân phù hợp để phòng chống dịch COVID-19.
Theo hướng dẫn, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp một mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh.
Một trong nhiều nội dung đáng lưu ý, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Thủ tướng giao Bộ chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử, Khai báo y tế, QR Code, Xét nghiệm,…) và kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Một lần nữa nhắc đến yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch để thuận tiện nhất cho người dân, Thủ tướng gợi ý đặt tên app là PCCOVID (phòng, chống COVID-19) để người dân tiện sử dụng.
Ông cũng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc trang bị ngay điện thoại bàn tại các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch các cấp.
"Một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch"
Tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quan điểm: "Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhất là sự mất mát về tinh thần, sức khỏe và tính mạng của người dân”.
Toàn cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - vừa diễn ra ngày 11/9. |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Một số xã, phường, thị trấn chưa quán triệt hết quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở. Việc giãn cách chưa thực hiện triệt để ở một số địa phương, có nơi, có lúc cực đoan. Có sự khác biệt về quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, tạo ra ách tắc cục bộ, chậm được tháo gỡ.
Liên quan kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), hiện Kiên Giang có số mắc mới trong cộng đồng gia tăng so với tuần trước đó (chuyển từ nhóm 2 xuống nhóm 3), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh cần rút kinh nghiệm, nỗ lực hơn, thực hiện nghiêm, hiệu quả các biện pháp chòng chống dịch, nhất là trong quản lý di chuyển, cách ly, chấp hành giãn cách xã hội.
"Tốc độ xét nghiệm chậm hơn tốc độ lây lan. Một số các biện pháp chuẩn bị chưa được kỹ lưỡng, thay đổi nhanh, thiếu nhất quán, chưa đánh giá tác động và chưa chuẩn bị truyền thông, gây bức xúc trong xã hội. Chưa sử dụng triệt để và thống nhất các giải pháp công nghệ, gây bất tiện cho người dân, tập trung đông người. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng ở các cấp. Nóng vội trong việc nới lỏng các yêu cầu giãn cách khi chưa thật sự kiểm soát được dịch bệnh và chưa đạt độ bao phủ vaccine cần thiết" - Thủ tướng nhắc nhở.
Cùng với đó, việc kiểm soát phòng chống dịch chưa tốt, cả về di chuyển, sản xuất, điều trị tại một số địa phương, đơn vị. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, các biện pháp chống dịch ở một số nơi chưa tốt, tổ chức chống dịch ở một số cơ sở vẫn là khâu yếu, như thực hiện giãn cách xã hội nhưng chưa hình thành các trạm y tế lưu động.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới, theo đó, giảm thấp nhất số ca tử vong là ưu tiên hàng đầu, nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong thời gian giãn cách. Muốn vậy, phải có tư duy, nhận thức, phương pháp luận, cách tiếp cận thống nhất, không có người dân nào an toàn khi vẫn còn người dân khác mắc bệnh COVID-19, không có địa phương nào an toàn nếu địa phương khác còn phải chống dịch.