Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lai Châu .
Tại thông báo kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xem xét, giải quyết các kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu, trong đó có kiến nghị xây sân bay .
Về kiến nghị đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Quốc phòng khẩn trương xem xét, xử lý và báo cáo Thủ tướng.
Trước đó, UBND tỉnh Lai Châu đã bày tỏ mong muốn Chính phủ có những chỉ đạo, chính sách để hỗ trợ Lai Châu nhanh chóng cải thiện về hạ tầng, trong đó có việc xây sân bay.
Sân bay này sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng cho hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây sẽ là sân bay lưỡng dụng, bao gồm cả mục đích dân sự và quốc phòng, cứu hộ cứu nạn.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dự án này được xác định là sân bay chuyên dụng phục vụ cho trực thăng và tàu bay nhỏ.
Vì vậy, theo quy định, việc này Bộ Quốc phòng là cơ quan quản lý, sử dụng và khai thác nên đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng tiếp nhận, nghiên cứu và xử lý hồ sơ theo quy định của pháp luật. Văn phòng Chính phủ đề nghị Bộ Quốc phòng sớm xem xét, kết luận về nội dung này.
Ngoài ra, tại thông báo kết luận này, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo giải quyết một số kiến nghị khác của Lai Châu như: đẩy nhanh tiến độ dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với TP. Lai Châu và nhiều cácdự án giao thông, kinh tế khác của vùng.
Thủ tướng nhận định: Lai Châu còn rất nhiều khó khăn tỷ lệ hộ nghèo cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém và chưa đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn; tiềm lực, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Do vậy, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lai Châu thực hiện hiệu quả các chương trình nông, lâm nghiệp trọng điểm gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của các sản phẩm hàng hóa.
Bên cạnh đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ phù hợp. Lựa chọn, xác định sản phẩm du lịch phù hợp đặc điểm địa phương để thu hút du khách.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Lai Châu phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương để quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng phát triển thủy điện, khoáng sản... tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của Lai Châu, của khu vực và cả nước.
Tỉnh Lai Châu cũng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực xã hội; trong đó cần chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, y tế, thực hiệnchính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động.
Theo BizLIVE