Không chỉ nhấn mạnh đến vấn đề cải cách hành chính theo kinh tế thị trường là rất quan trọng và các tham tán phải chủ động kiến nghị sửa đổi những văn bản, quy định còn bất cập, mà việc đẩy mạnh xúc tiến bán hàng, vận động chính sách cũng là yêu cầu rất quan trọng được đặt ra cho các tham tán để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu và tận dụng được những cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Theo Thủ tướng, trong mỗi thông tư thì chỉ một chữ hay một dấu chấm phẩy cũng có thể gây khó khăn. Do đó, các tham tán cần phải đóng góp xây dựng thể chế, chính sách và phải tận dụng tối đa hiệp định đã có trên cơ sở tuyên truyền để người dân thấy thuận lợi và phát huy những cơ hội.
“Để chen chân vào chuỗi giá trị toàn cầu là chiến lược của mỗi doanh nghiệp, nhưng cầu nối phải là anh tham tán, tham gia làm, cùng chung sức mới tận dụng hết thời cơ, khắc phục khó khăn từ các hiệp định thương mại. Khi xuất khẩu càng nhiều càng có tăng trưởng, càng có công ăn việc làm cho người dân” Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, việc cần phải theo sát, đấu tranh với nước bạn những hạn chế rào cản không hợp lý là rất cần thiết. Kể ra câu chuyện liên quan đến Luật Nông trại của Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết đã phải đấu tranh tới cấp cao nhất. Kể cả ngay khi đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng đã trực tiếp đàm phán với nhà lãnh đạo cấp cao để có thể tăng thêm cơ hội, lợi ích cho người dân.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mà Việt Nam đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới với nhiều cơ hội cũng như thách thức. Nền tảng kinh tế vĩ mô đã ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát và hoạt động tái cơ cấu cũng đã đạt được nhiều thành quả nhất định.
Theo đó, trong giai đoạn tới mục tiêu tăng trưởng sẽ phải ở mức 6,5 – 7%. Tiếp theo là tái cơ cấu nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh; tạo môi trường thông thoáng minh bạch, kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước pháp quyền, phát huy quyền dân chủ, tự do của dân.
“90 triệu dân có 600 ngàn doanh nghiệp, khoảng 400 ngàn doanh nghiệp đóng thuế. Nên cần phải đột phá để tạo điều kiện phát triển. Do đó, phải hoàn thiện thể chế, sức cạnh tranh phụ thuộc lớn vào thể chế. Riêng trong hoạt động của các tham tán thì Bộ Công Thương cần rà soát, kiện toàn cơ quan tham vụ trong thời kỳ mới”, Thủ tướng yêu cầu.
Đồng thời nhấn mạnh: “Tham tán phải là nhà ngoại giao giỏi trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, có trách nhiệm cao. Đất nước nghèo, các đồng chí đi nước ngoài không nói cũng biết chi phí thế nào. Phải làm hết sức, đặt chỉ tiêu cụ thể, đấu tranh với những thông tin không lành mạnh cho hàng hóa Việt Nam, thấy có rào cản không phù hợp cam kết thì đấu tranh”.
Cũng theo thông tin mà Thủ tướng đưa ra, bên cạnh các FTA mà Việt Nam đang đàm phán và đã ký kết, trong thời gian tới sẽ đàm phán tiếp 4 FTA với Israel, khu vực ASEAN và các nước Đông Á, ASEAN với HongKong, Việt Nam với 4 nước Bắc Âu. Tuy nhiên, trên nền tảng những FTA thế hệ mới đã đàm phán thành công như TPP, FTA với Việt Nam – EU thì Thủ tướng kỳ vọng các FTA tới đây sẽ đạt kết quả tích cực.
Theo Trí thức trẻ