Thủ tướng: Các sự cố môi trường đã gây bất ổn xã hội

VietTimes -- Sáng 24/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng đánh giá các sự cố môi trường nghiêm trọng đã “ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân, gây bất ổn xã hội” – thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh trong lời mở đầu hội nghị như vậy.

Theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng, bộ ngành liên quan cần tập trung vào một số vấn đề then chốt sau: Thứ nhất, đánh giá thực chất tình trạng ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực để nhận diện rõ hơn. Thứ hai, nhìn nhận hạn chế, yếu kém về công tác quản lý Nhà nước dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.

“Phân công, phân cấp phải chịu trách nhiệm rõ hơn. Người đứng đầu cơ quan nào chịu trách nhiệm đến đâu cũng cần rõ hơn chứ không để tình trạng cha chung không ai khóc, cứ nói qua nói lại” - Thủ tướng yêu cầu. Đồng thời, ông đề nghị các đại biểu khi thảo luận cần tập trung vào những giải pháp, cả trước mắt và lâu dài, cũng như quan điểm, định hướng xử lý vấn đề đó.

Là người phát biểu ngay sau khai mạc hội nghị của Thủ tướng, báo cáo do Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà cho biết hiện cả nước có 283 khu công nghiệp, mỗi ngày phát sinh hơn 550.000 m3 nước thải đêm, với  615 cụm công nghiệp, hiện chỉ có khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Về số lượng, hiện cả nước có hơn 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, lưu hành gần 43 triệu xe mô tô và trên 2 triệu ô tô.

Hàng năm, cả nước sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật, phát sinh hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, hơn 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630.000 tấn chất thải nguy hại. Hiện cả nước có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Theo Bộ trưởng Bộ TNMT, những năm qua, hệ thống chủ trương, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường được bổ sung, hoàn thiện từng bước. Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh.

Báo cáo của Bộ trưởng cho hay, tính từ năm 2006 đến nay, đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 2.229 tổ chức, đồng thời buộc các đối tượng vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Bộ trưởng TNMT, thực tế là tình trạng chuyển đổi đất rừng, khai thác khoáng sản, xây dựng thủy điện, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học đã dẫn đến thu hẹp diện tích các hệ sinh thái tự nhiên, chia cắt các sinh cảnh, suy giảm đa dạng sinh học.

Biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo, tác động nhiều mặt lên môi trường nước ta. Các vấn đề môi trường theo dòng chảy sông Mekong, sông Hồng, các sông xuyên biên giới ngày càng phức tạp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận có những vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường ở mức nghiêm trọng, kéo dài và gây ra hậu quả lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và sức khỏe của người dân, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội. Chẳng hạn như các vụ việc xảy ra ở các công ty Vedan, Miwon, Formosa, khói bụi ô nhiễm của nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Men...

Đặc biệt, sự cố môi trường biển miền Trung tháng 4 vừa qua đã gây hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Sự cố này đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn, gây mất an ninh trật tự, tâm lý bức xúc, bất an trong nhân dân.