Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ireland David Cameron sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 29-30/7.
Nhân dịp này, VietnamPlus đã có bài phỏng vấn Thủ tướng Anh David Cameron. Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
- Tháng 1/2013, Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Vương quốc Anh theo lời mời của Thủ tướng Anh David Cameron. Chuyến thăm đã giúp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Ngài có dự định gì nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hai nước?
Thủ tướng Anh David Cameron:Tôi rất hân hạnh được là Thủ tướng Anh đầu tiên đến thăm Việt Nam. Tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước và đó là mục tiêu chính cho chuyến thăm này của tôi.
Việt Nam và Anh đã thiết lập được mối quan hệ vững chắc về thương mại với kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 12% vào năm ngoái. Nhưng tôi nghĩ vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Đó là lý do vì sao tôi mang đến Việt Nam một máy bay đầy các doanh nhân Anh để họ có thể tận mắt chứng kiến những cơ hội sẵn có tại thị trường mới nổi đầy sôi động này.
Với một dân số trẻ, yêu thích công nghệ và tầng lớp trung lưu tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, tôi tin chắc các doanh nghiệp Anh sẽ có rất nhiều điều để chia sẻ với Việt Nam.
Chúng ta cần phát huy bản Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt-Anh đã được hai nước ký vào năm 2010, trong đó hai bên cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, phát triển, giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật và an ninh-quốc phòng.
- Vương quốc Anh đã nhiều lần khẳng định tính cần thiết của việc duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông cũng như việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực một cách hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Vương quốc Anh sẽ làm gì để thúc đẩy quá trình đám phán và ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc? Lập trường của Vương quốc Anh trước việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên biển Đông?
Thủ tướng Anh David Cameron:Chúng tôi rất quan ngại trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông và những ảnh hưởng có thể có đối với hòa binh, an ninh trong khu vực cũng như sự thịnh vượng của toàn cầu.
Mặc dù chúng tôi không thể hiện lập trường đối với bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào trong khu vực này, chúng tôi hiểu rõ rằng bất kỳ hành động khiêu chiến nào cũng có thể đe dọa sự ổn định trong khu vực.
Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên giải quyết các bất đồng về hàng hải và các vấn đề khác theo tinh thần của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc (về Luật biển).
Chúng tôi nhấn mạnh cam kết này tại Hội nghị thượng đỉnh các nước G7 tại Đức vào tháng trước. Tại đó, chúng tôi cùng các đối tác khẳng định rõ chúng tôi muốn duy trì một trật tự hàng hải dựa trên luật pháp trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, và nhất là theo tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển.
Chúng tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình cũng như việc sử dụng tự do, hợp pháp và không bị cản trở các vùng biển và đại dương trên thế giới.
- Anh và Việt Nam đang tăng cường quan hệ trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Ngoài hợp tác đấu tranh chống tội phạm nghiêm trọng, bao gồm tội phạm có tổ chức trên quy mô toàn thế giới và di cư bất hợp pháp, các lĩnh vực hợp tác khác về quốc phòng và an ninh là gì?
Thủ tướng Anh David Cameron:Hai nước chúng ta đã hợp tác trong các vấn đề quốc phòng và hàng hải và chúng ta cùng sát cánh đấu tranh chống tội phạm như chống nạn nô lệ hiện đại, nạn lạm dụng tình dục trẻ em, các hình thức tội phạm mạng và tội phạm tài chính.
Tôi vui mừng thấy rằng Việt Nam đã tham gia Hội nghị thượng đỉnh “Chúng ta bảo vệ trẻ em trực tuyến” tại London vào tháng 12 năm ngoái và Vương quốc Anh đang có nhiều hoạt động tại Việt Nam nhằm giúp các nạn nhân của nạn buôn bán người được tái hòa nhập cộng đồng cũng như nâng cao nhận thức về các nguy cơ của hình thức buôn bán ghê tởm này. Tôi rất mong muốn được đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Về quốc phòng, chúng tôi đã đào tạo chuyên sâu cho các sỹ quan của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Tôi hy vọng rằng chuyến thăm này hợp tác giữa hai bên sẽ được tăng cường. Việc chính phủ Việt Nam bổ nhiệm một Tùy viên quân sự tại London sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để chúng ta đạt được điều đó.
- Thương mại là nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Anh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2013. Vương quốc Anh đã làm gì để giúp đẩy nhanh tiến trình ký kết Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và để sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường? Kim ngạch thương mại song phương hiện đang ở mức dưới 4 tỷ USD. Liệu con số này đã phản ánh đúng tiềm năng giữa hai nước?
Thủ tướng Anh David Cameron:Tôi nghĩ rằng tiềm năng để tăng cường thương mại song phương là rất lớn, vì lợi ích của cả doanh nghiệp Anh cũng như doanh nghiệp Việt Nam. Đây sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của tôi. Đó là lý do vì sao tôi sẽ không chỉ dừng chân ở Hà Nội mà còn đến cả Thành phố Hồ Chí Minh, và cũng là lý do tôi mang theo mình một máy bay đầy các doanh nhân Anh.
Khi Việt Nam tiếp tục phát triển và mở rộng cơ sở hạ tầng, tôi nghĩ các công ty kiến trúc, xây dựng và năng lượng tầm cỡ thế giới của chúng tôi có thể đáp ứng được như cầu phát triển của Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam và Anh còn có cơ hội lớn để hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và sáng tạo.
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất cho tự do thương mại trong Liên minh châu Âu và chúng tôi đã nhiệt thành ủng hộ việc ký kết một hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Tôi rất vui mừng khi thấy các cuộc đàm phán dường như đang dần đi đến hồi kết. Tôi hy vọng điều đó sẽ tạo điều kiện để các bên sớm đạt được thỏa thuận, ký kết, đóng dấu và đưa vào thực hiện vì lợi ích của các doanh nghiệp ở cả châu Âu và Việt Nam.
- Theo ý kiến ngài, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua tất cả các rào cản thương mại, từ đó nâng cao xuất khẩu sang Anh và các nước EU khác?
Thủ tướng Anh David Cameron:Chuyến thăm này sẽ là cơ hội để tôi được lắng nghe các doanh nghiệp Anh và Việt Nam nói về các việc cần làm nhằm tăng cường quan hệ thương mại. Hình thức đối thoại mở giữa doanh nghiệp và chính phủ như vậy là điều thiết yếu để xây dựng một môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao. Đúng là chúng tôi phải lắng nghe và đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp và nỗ lực dỡ bỏ các rào cản không cần thiết vì đó là cách chúng tôi mở ra các cơ hội mới nhằm kích thích tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.
Trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ Việt Nam đã tỏ ra rất thiện chí và tôi vẫn khuyến khích Việt Nam tiếp tục mở rộng thị trường và tăng cường minh bạch.
Theo Vietnamplus