Thủ tướng: 8 việc Đà Nẵng cần làm, 6 điều phải tránh
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- “Đà Nẵng không nhất thiết phải sao chép mô hình đô thị đâu đó mà phải tạo ra sự khác biệt để nơi này thực sự mang dấu ấn đậm nét, một nơi phải trải nghiệm trước khi chết”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đà Nẵng phải là nơi đáng trải nghiệm trước khi chết!
Sáng 15/10, phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu chia sẻ về những vấn đề tồn tại của Đà Nẵng, cũng như định hướng phát triển Đà Nẵng trong tương lai.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Như quý vị cũng biết, tôi về đây cũng hai vai, vai thứ nhất là vai Thủ tướng Chính phủ, vai thứ hai không kém phần quan trọng là người con của quê hương, đã từng công tác ở đây nhiều nhiệm kỳ, chính vì vậy mà tôi nói với tư cách vừa là Chính phủ, vừa là lời tâm sự đối với Đà Nẵng. Với tất cả người nước ngoài và cả với người trong nước có mặt trong ngày hôm nay”.
Chia sẻ công tác chuẩn bị của Đà Nẵng đối với sự kiện cũng như đối với sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đà Nẵng và chúc cho sự kiện được diễn ra tốt đẹp nhất.
Đà Nẵng là một trong những đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Có tiềm năng trở thành cực tăng trưởng lớn của toàn miền Trung và Tây nguyên. Tương tự như TP.HCM và Hà Nội ở hai đầu cực Nam và Bắc của nước ta. Tôi nói ý là đầu tàu tăng trưởng nếu chúng ta biết tổ chức công việc và phấn đấu quyết liệ. Còn nếu không thì đầu tàu đó có thể thuộc về tỉnh Khánh Hòa, hoặc Quảng Nam, thậm chí cả Thừa Thiên - Huế. Vì quy mô kinh tế các tỉnh này tương đương, thậm chí còn hơn cả TP Đà Nẵng, Tôi nói báo động như vậy để các đồng chí hiểu. Nhất là giá trị công nghiệp, dịch vụ, tổng thu ngân sách trên địa bàn. Chúng ta phải thấy nguy cơ để phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong thời gian đến”, Thủ tướng cảnh báo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cách đây 20 năm, nền kinh tế Đà Nẵng chỉ chiếm 1% tổng quy mô toàn bộ nền kinh tế, nay đã tăng lên 1,5%. Đây là một tiến bộ tốt, đáng được ghi nhận. Hiện thu nhập bình quân đầu người của Đà Nẵng khoảng 3.000 USD/1 năm và Đà Nẵng liên tiếp đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, đứng đầu chỉ số PCI,danh hiệu điểm đến hàng đầu,… là điều đáng được ghi nhận và làm tiền đề quan trọng, rất tốt cho Đà Nẵng, nhưng cần quyết liệt hơn.
Định hướng phát triển Đà Nẵng trong tương lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đà Nẵng phải giữ được nét độc đáo vốn có sử dụng tốt các lợi thế, tài nguyên vốn có như bãi biển, điểm giữa 3 di sản thế giới gồm Huế, Mỹ Sơn, Hội An và còn có nhiều tiềm năng riêng biệt khác.
Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2017 diễn ra sáng 15/10 tại Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm của gần 1.000 đại biểu đến từ các cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị, các quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam và thế giới
“Nếu Đà Nẵng biết kết hợp các tài nguyên du lịch, thì tôi khẳng định sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng, tạo ra các giá trị du lịch cho Đà Nẵng nói riêng và toàn vùng miền Trung nói chung. Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tựa như môi với răng, dù có khác biệt về địa giới hành chính nhưng cần hiệp đồng, hợp tác chặt chẽ về chiến lược, ý chí trong việc xây dựng phát triển du lịch của 3 tỉnh và rộng hơn là vùng duyên hải 5 tỉnh miền trung-Tây nguyên, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trên bình diện khu vực và quốc tế.
Đà Nẵng cần định vị thành phố đáng sống, như nghị quyết Đại hội Đảng của TP. Đà Nẵng đã xác đinh. Tuy nhiên cần xác định nội hàm TP đáng sống của mình là gì? Tôi nhấn mạnh với nét độc đáo riêng có, Đà Nẵng không nhất thiết phải sao chép hay lặp lại mô hình đô thị đâu đó mà phải tạo ra sự khác biệt để nơi này thực sự trở thành một dấu ấn đậm nét, một nơi bạn phải trải nghiệm trước khi chết trên bản đồ du lịch thế giới. Phải phấn đấu là nếu như chưa đến Đà Nẵng thì chết không nhắm mắt!”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
8 gợi mở Đà Nẵng nên làm
Và để Đà Nẵng trở thành TP đáng sống, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu cần giải quyết. “Trước hết, có chiến lược đi tắt đón đầu, tăng cường sức mạnh nền kinh tế, tăng quy mô nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm tốt cho người dân. Cả nước có 63 tỉnh thành, chúng ta là TP trực thuộc Trung ương mà quy mô mới chỉ 1,5% GDP cả nước thì quá nhỏ nếu so với các TP khác, thậm chí cả Hải Phòng, Cần Thơ.
Chúng ta cần phải có ước mơ, cần trả lời câu hỏi: Diện tích Đà Nẵng gần bằng Singapore, vậy phải làm gì để phát triển đô thị văn minh, trật tự, phát triển như Singapore trên mọi lĩnh vực”, Thủ tướng nêu.
“Thứ hai, Đà Nẵng phải tạo dựng vốn vật chất, tức là phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, sân bay, cảng biển, viễn thông,… Nhất là giải quyết phần phía Tây rộng lớn nhưng còn rất hoang sơ. Thứ ba, thúc đẩy phát tridển nền tài chính, tăng độ sâu hệ thống tài chính tăng cải thiện nguồn vốn đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng. Thứ tư, cải thiện chất lượng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả, năng lực của bộ máy thể chế; Thứ năm là phải phát huy tính đa dạng, nét Á Đông độc đáo của văn hóa, gìn giữ di sản, tạo ra những nét trải nghiệm xã hội tinh tế, sâu sắc cho người dân và du khách;
Thứ sáu, phải gây dựng vốn con người và thu hút tài năng, nâng cao chất lượng nguồn du lịch, đảm bảo người dân được hưởng nền giáo dục tiên tiến, nâng cấp hệ thống y tế chất lượng cao, thu hút tài năng của Việt Nam và thế giới đến đây, chăm sóc đào tạo nhân tài. Nơi đáng sống thì phải nhiều người tài, người giàu, người có trình độ đến sống ở đây, làm việc ở đây.
Thứ bảy là, phải vun đắp và bảo vệ điều kiện tự nhiên và môi trường, giữ cho môi trường trong lành, bảo tồn các hệ sinnh thái tự nhiên, nguồn nước,… Định hướng lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn, nhưng không kiểm soát được chất thải, thải nước thải câu chuyện xả thải ra biển, mất biển thì dễ mất du khách. Cuối cùng, phải xây dựng Đà Nẵng ngày càng độc đáo, phải không ngừng sáng tạo, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đầy bản sắc, làm lưu luyến du khách trên khắp thế giới”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Chỉ đạo Đà Nẵng trong thời gian đến, Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong thời gian đến, Thủ tướng đề nghị Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án như cơ sở hạ tầng, giải quyết nút thắt quan trọng về lưu thông hàng hóa. Cảng Liên Chiểu, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, di dời ga đường sắt; nghiên cứu triển khai đường bay thẳng từ châu Âu, Hoa Kỳ đến Đà Nẵng, biến Đà Nẵng thành trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm tài chính, kinh doanh, đầu tư và công nghệ”.
Thủ tướng kỳ vọng tương lai Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở nhóm các TP đứng đầu ASEAN, mà phải hướng tới chuẩn mực của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế). Ông yêu cầu từng cán bộ công chức phải lấy chỉ số hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả công việc và chế độ đãi ngộ.
Những điều Đà Nẵng cần làm ngay
Bên cạnh những gợi mở, tại diễn đàn Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắn nhủ với chính quyền Đà Nẵng 6 điều cần tránh. Trong đó bao gồm các vấn đề như tăng quy mô kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng hiệu quả tài chính, kiểm soát chất thải, nước thải ô nhiễm...
"Gần đây, không nói chắc chúng ta cũng biết, Đà Nẵng trải qua bước thăng trầm, những điều không mong muốn. Nhân sự kiện hôm nay, tôi hy vọng niềm vui, niềm hạnh phúc và cả sự may mắn sẽ đến với Đà Nẵng. Để thể hiện điều đó, tôi đã dùng những con số 8, con số 6, những con may mắn, thể hiện khát vọng, không ngừng tiến lên của TP Đà Nẵng.
Tôi cho rằng 8 điều mà Đà Nẵng cần làm ngay là sớm khắc phục những yếu kém về chỉ đạo, lãnh đạo, sớm kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao ý chí và sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cần tạo ra sung khí, động lực mới cho đội ngũ cán bộ công chức. Khuyến khích các nhân tố tích cực; Loại bỏ các yếu tố yếu kém, trì trệ trong đội ngũ cán bộ công chức viên chức. Thay đổi, sắp xếp, cấu trúc lại bộ máy theo tiêu chí tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần Hội nghị TƯ 6 vừa qua; Những quyết sách sai, không phù hợp trước đây thì cần sửa lại với tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến các cơ quan, đặc biệt lá ý kiến của người dân; Phát huy dân chủ dám nghĩ, dám làm.
Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội cuối năm 2017, tạo đà để thực hiện sớm các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2018; Tiếp tục theo đuổi giá trị công, các kế hoạch thực hiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo phúc lợi cho người dân. Nhất là hành chính công và dịch vụ công; Sớm hoàn thành, chu tất để tổ chức thành công sự kiện Hội nghị cấp cao APEC, tận dụng cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh con người Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam chúng ta nói chung; Chính phủ và chính quyền Đà Nẵng cần khẳng định nhất quán với quan điểm bảo hộ quyền tài, quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 8 gợi ý và những điều Đà Nẵng cần làm ngay để bắt nhịp phát triển sau những sự việc xảy ra trong thời gian qua
"Thời gian tới chính quyền Đà Nẵng cần cấu trúc lại những điều còn yếu kém, chưa hiệu quả, sửa các điều sai nhưng tránh làm xáo trộn môi trường đầu tư. Cần phải thu hồi các tài nguyên đã cấp cho các doanh nghiệp yếu kém để giao cho các doanh nghiệm có tầm có tâm... Với lịch sử hào hùng của thành phố Đà Nẵng, tôi có một niềm tin vững chắc về một tương lai khởi sắc của Đà Nẵng. Tôi hy vọng các doanh nhân và nhà đầu tư có mặt tại Diễn đàn ngày hôm nay sẽ chọn Đà Nẵng là nơi đất lành chim đậu, bằng trí tuệ và tài lực của mình hợp lực cùng Chính quyền và nhân dân thành phố đưa con tàu Đà Nẵng vươn ra biển lớn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng một số điều nên tránh như: Tránh tạo ra tâm lý e dè trong giới đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Tránh làm mất niềm tin của người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Đừng làm gì mang lại hoài nghi, suy đoán cho người dân. Con dại thì cái mang, hành xử sai của chính quyền kéo theo nhà đầu tư sai thì chính quyền phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
Thủ tướng cũng lưu ý với doanh nghiệp 4 điều gồm: Phải có chiến lược kinh doanh lâu dài, giữ cam kết đầu tư và triển khai dự án đầu tư đúng tiến độ tức là phải “làm thật”, phải thể hiện rõ quan điểm "hai bên cùng thắng" trong hoạt động kinh doanh. Đối với các dự án chậm triển khai so với tiến độ đã cam kết, đề nghị chính quyền thành phố quyết liệt rà soát và có các biện pháp xử lý kịp thời. Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội bảo đảm cho phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân...;
Phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, có trách nhiệm xã hội bảo đảm cho phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân. Chúng ta không để phát triển kinh tế ảnh hưởng xấu đến môi trường và cuộc sống của người dân; Thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động; quan tâm xây dựng môi trường làm việc tốt hơn nhằm giúp tăng năng suất và tái sản xuất sức lao động;
“Tôi đề nghị doanh nghiệp, nhà đầu tư hưởng ứng tinh thần "Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp". Nói là làm, đã ký kết thì thực hiện, không tạo ra chi phí không chính thức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.