Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Ngành Y tế nên chủ động cung cấp thông tin từ đầu

Theo thứ trưởng Trương Minh Tuấn, hiện các yếu tố của công tác truyền thông y tế đều được chia sẻ và phản biện, qua đó có 3 điểm trong thời gian tới công tác truyền thông sẽ được tháo gỡ.
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn

Bộ Y tế cần chủ động thông tin

Tại hội thảo nâng cao hiệu quả truyền thông về y tế do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chiều ngày 8/12/2015 tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến đã được các đại biểu tham dự đưa ra nhằm mục đích góp ý, chia sẻ, phản biện hợp tác để thực hiện tốt công tác truyền thông y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chủ trì buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đánh giá, công tác truyền thông trong lĩnh vực y tế thời gian qua đã đạt được nhiều hiệu quả to lớn. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tuấn cũng thẳng thắn chỉ ra rằng còn nhiều cá nhân nhà báo đưa thông tin về y tế không thực sự khách quan ví dụ như câu chuyện của Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ông Tuấn cho biết nhà báo làm sai có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng, cộng đồng không còn tin vào báo chí nữa.

Không chỉ về phía nhà báo, Thứ trưởng Tuấn cũng hi vọng về phía Bộ Y tế nên chủ động thông tin không nên để sự việc lùm xùm lên mới đính chính lúc đó thông tin có thế nào cũng không thể hiệu quả bằng chủ động thông tin ngay từ ban đầu.

Tại buổi hội thảo, 15 chuyên đề, báo cáo của các tham luận viên đã được chia sẻ ở mọi góc độ khác nhau.

Truyền thông y tế đặc biệt quan trọng

Theo thứ trưởng Tuấn, để truyền thông y tế đạt hiệu quả hơn, điều thứ nhất chúng ta cần làm rõ thực trạng truyền thông về công tác y tế trong thời gian qua, những mặt được và chưa được từ các cấp quản lý truyền thông; các cơ quan thực hiện công tác truyền thông; các phóng viên – những chiến sỹ trực tiếp thực hiện trên mặt trận này và những cơ sở y tế. 

Thứ trưởng Tuấn khẳng định được tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả truyền thông đối với công tác y tế. Mối quan hệ giữa giới truyền thông và những người làm công tác y tế đã trở nên thân thiết và gắn bó hơn bao giờ hết. 

Sự động viên, ủng hộ, chia sẻ kịp thời của các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí, của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt của các cơ quan thông tấn, báo chí có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành Y tế. 

Những thông tin về y tế do báo chí phản ánh đã thu hút sự chú ý của xã hội, góp phần tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương chính sách của ngành Y tế. Hơn thế nữa, thông qua báo chí, ngành y tế đã kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, tiêu cực, khuyết điểm, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. 

Đặc biệt, những tác phẩm báo chí về những cống hiến thầm lặng của đội ngũ cán bộ y tế, về những thành quả mà ngành Y tế đạt được có ý nghĩa cổ vũ động viên rất lớn toàn ngành Y tế trong việc thực hiện tốt những nhiệm vụ của mình.

Trong thời gian tới, Thứ trưởng Tuấn mong muốn các cơ quan truyền thông tiếp tục tuyên truyền công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác y tế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về y tế, văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo đảm bảo tính thống nhất, quy định rõ ràng không cho phép đặt mẫu quảng cáo sản phẩm cùng bài viết nghiên cứu, giới thiệu tính năng tác dụng của hoạt chất có trong sản phẩm quảng cáo hoặc không được phép đăng các bài viết liên quan ở trang quảng cáo, để ngăn chặn việc tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật, điều này rất quan trọng và giảm thiểu những quảng cáo không phù hợp, thậm chí vi phạm trong quảng cáo về lĩnh vực y tế. 

Ngoài ra, cần tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn về bảo vệ sức khỏe nhân dân như tổ chức các chiến dịch truyền thông; xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm truyền thông mẫu; nâng cao năng lực truyền thông cho lực lượng truyền thông đại chúng. 

Để đạt được hiệu quả truyền thông, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng ngành Y tế các cấp, nhất là các cơ quan quản lý thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng trên cơ sở các cuộc họp báo định kỳ. 

Tại đây, ngành Y tế sẽ tiếp nhận được thông tin từ cơ sở thông qua các nhà báo chuyên theo dõi, đưa tin về lĩnh vực này. Mặt khác, ngành y tế các cấp cần chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề mới trong phòng chống dịch bệnh bùng phát hoặc mới phát sinh cho các cơ quan báo chí với những định hướng rõ ràng, cụ thể.

Theo Infonet