Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, đại hội Bất thường UPU 2018 là sự kiện Bưu chính lớn nhất của thế giới được tổ chức tại khu vực Châu Phi từ trước đến nay. Tham dự Đại hội có hơn 700 đại biểu đến từ 141 nước thành viên UPU và quan sát viên của các tổ chức quốc tế trong hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ có liên quan.
Đại hội UPU 2018 là Đại hội Bất thường lần thứ 2 được UPU tổ chức kể từ năm 1900, với mục tiêu giải quyết và đưa ra quyết định về một số nội dung quan trọng mà Đại hội UPU lần thứ 26 tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016 đã thảo luận nhưng không đi đến được đồng thuận, tập trung vào các nội dung chính như sau: Đổi mới UPU; Đổi mới hệ thống đóng góp niên liễm của các nước thành viên; Ổn định hệ thống phúc lợi xã hội (Quỹ lương hưu cho nhân viên) của Liên minh; Triển khai Kế hoạch Tích hợp Sản phẩm (IPP); Kế hoạch Tích hợp hệ thống thù lao (IRP).
Các nội dung này đã được Đại hội Bất thường UPU xem xét thảo luận tích cực và đưa ra các quyết định về định hướng phát triển, đổi mới của UPU trong thời gian tới nhằm đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong kỷ nguyên phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, kho vận và tích hợp sản phẩm. Đại hội cũng xem xét và thông qua một số sửa đổi, bổ sung các Văn kiện UPU liên quan tới Đổi mới UPU, đổi mới hệ thống đóng góp niên liễm của các nước thành viên, kế hoạch tích hợp sản phẩm và tích hợp hệ thống thù lao của UPU.
Để chuẩn bị cho việc tham gia Đại hội, các đơn vị liên quan của Bộ đã tích cực phối hợp nghiên cứu, xây dựng quan điểm tham gia của Việt Nam, cũng như phối hợp tham vấn các Bộ ngành liên quan. Với sự nghiên cứu và chuẩn bị kỹ lưỡng, các kết quả thảo luận và thông qua tại Đại hội về cơ bản nằm trong dự kiến. Theo ủy quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Trưởng đoàn Việt Nam đã thay mặt Nhà nước và Chính phủ Việt Nam ký các sửa đổi, bổ sung Văn kiện UPU tại Đại hội Bất thường UPU lần thứ 2.
Trong thời gian diễn ra Đại hội, UPU đã tổ chức Hội nghị Chiến lược cấp Bộ trưởng với chủ để “Thúc đẩy ngành bưu chính trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội’ trong hai ngày từ ngày 6-7/9/2018. Hội nghị là cơ hội để các nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật thông tin về các chính sách mới để phát triển ngành bưu chính mạnh mẽ hơn, kế hoạch khuyến khích đầu tư cho ngành bưu chính, đưa ra các chính sách về bưu chính trong kỷ nguyên số, chính sách hợp tác với nhiều bên liên quan nhằm đảm bảo cho bưu chính tận dụng cơ hội và tiềm năng để phát triển cung cấp dịch vụ và kinh doanh có lãi.
Nhận lời mời của Tổng giám đốc Văn phòng Quốc tế UPU, Ông Bisha A. Hussien, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã phát biểu và tham gia phiên thảo luận 2 với chủ đề “Khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực bưu chính”. Phần thảo luận của Việt Nam và video clip giới thiệu về quá trình đầu tư và phát triển của Bưu điện Việt Nam được Hội nghị đánh giá cao. Và tại phiên bế mạc Hội nghị, Tổng giám đốc Văn phòng Quốc tế UPU tổng kết về kết quả Hội nghị đã nhấn mạnh, đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của Bưu chính Việt Nam và coi Việt Nam là một điển hình cho các nước đang phát triển xem xét học tập.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng tiếp song phương Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tin truyền thông Nhật Bản.
|
Bên lề Đại hội trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã có các buổi tiếp và làm việc song phương với trưởng đoàn Nhật Bản - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Nội vụ Nhật Bản ngài Wantanabe nhằm chia sẻ và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực bưu chính và phía Nhật Bản chính thức vận động Việt Nam ủng hộ cho Nhật Bản ứng cử vị trí Tổng Giám đốc Văn phòng Quốc tế UPU tại Đại hội UPU lần thứ 27 tổ chức tại Cote D’ivoire năm 2020; và với trưởng đoàn Nepal - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Công nghệ Thông tin Nepal ngài Gokul Prasad Baskota nhằm tăng cường hợp tác, mong muốn được học hỏi kinh nghiệm về đổi mới bưu chính của Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp Bưu chính 2 nước tăng cường trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong lĩnh vực bưu chính.