Thu phí thực hành ở bệnh viện của sinh viên: Các trường công lập lấy đâu kinh phí?

VietTimes -- Quy định về chi phí đào tạo khiến các bên liên quan hiểu rằng 100% các trường gửi sinh viên, học viên đến thực tập đều phải thanh toán chi phí thực hành cho bệnh viện.
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Y Hà Nội
Sinh viên làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Y Hà Nội

Thông tin trên được PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - cho biết tại Hội thảo sơ kết 2 năm triển khai Nghị định 111/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe, do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, sáng nay, 9/12.

Còn nhiều vướng mắc

“Điều 12 của Nghị định quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe cần sửa lại toàn bộ cả 3 khoản cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay tại Việt Nam và quá trình hội nhập quốc tế. Tức là cần rõ ràng về mặt nguyên tắc. Bởi cách viết của Nghị định hiện nay đã khiến các bên liên quan hiểu rằng 100% các trường có gửi sinh viên, học viên đến thực tập đều phải thanh toán cho bệnh viện phần chi phí thực hành. Điều này trái hẳn với quốc tế” – PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng nêu quan điểm.

PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội
PGS. TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

Theo ông Hưng, tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định đã quy định chung về chi phí đào tạo thực hành tại cơ sở thực hành được kết cấu trong giá dịch vụ đào tạo (học phí) khối ngành sức khỏe gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các trường công lập không thực hiện được điều này.

Đây chính là lý do giải thích vì sao Trường Đại học Y Hà Nội trong năm 2019 chỉ mới ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với 30 cơ sở thực hành, gồm các bệnh viện, viện, trung tâm y tế và vẫn đang trong quá trình thỏa thuận với một số bệnh viện và chưa ký kết được thỏa thuận hợp tác.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị 

Bên cạnh đó, sinh viên, nhất là học viên sau đại học là thành tố tất yếu của một bệnh viện thực hành được xếp hạng (bệnh viện đào tạo, bệnh viện đại học,…). Sinh viên, học viên cần có vị trí trong bệnh viện dù là tạm thời đúng theo thông lệ quốc tế. Sinh viên, học viên sẽ là đối tượng tạo ra của cải, vật chất cho bệnh viện sau này. Dù làm ít hay làm nhiều, làm trực tiếp hay gián tiếp thì cả sinh viên, học viên đều đóng góp cho bệnh viện.

Chính vì vậy, cả sinh viên và học viên đều phải được trả thù lao tương xứng với đóng góp của họ. Khoản thù lao này có thể được lấy từ nguồn kinh phí của nhà nước, từ bệnh viện hoặc một phần học phí từ trường chuyển sang cho bệnh viện nếu trong học phí đã bao gồm chi phí đào tạo thực hành.

Nếu không làm được điều này thì các bên liên quan sẽ mặc định hiểu là các trường phải thanh toán 100% phí thực tập của sinh viên, học viên cho các bệnh viện. Đây là khúc mắc lớn nhất giữa nhà trường và các cơ sở đào tạo thực hành.

Cần có quy định rõ ràng

Ông Nguyễn Quốc Đạt – Trưởng Phòng đào tạo sau đại học, Trường Đại học Y khoa Vinh – cho hay: Nếu thực hiện đúng theo Điều 12 của Nghị định 111, các bệnh viện thu phí thực tập của sinh viên, thì các trường công lập sẽ rất khó khăn, bởi không có kinh phí để thực hiện.

Theo Bộ Y tế, các đơn vị và các trường cần tự thỏa thuận với nhau tùy thuộc vào từng điều kiện để thu phí đào tạo thực hành. Để tính đúng, tính đủ khoản phí này cần có một quy định, nguyên tắc rõ ràng đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Nhưng trên thực tế, việc sinh viên, học viên đến thực tập tại các bệnh viện là có lợi cho cả hai bên. Sinh viên được học hỏi, thực hành, còn bệnh viện cũng hưởng lợi từ quá trình thực tập của sinh viên. Sinh viên có thể tiêu tốn về điện, nước, vật tư,… nhưng đều là để phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ở bệnh viện.

“Theo tôi, điều quan trọng nhất là sinh viên, học viên học được cái gì để làm việc mới là điều quan trọng. Nên lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu chung để hướng tới, các đơn vị cần có sự tính toán hợp lý để hỗ trợ lẫn nhau. Tôi cho rằng các bệnh viện không nên thu tiền thực tập của sinh viên.” – ông Đạt nói.

Sinh viên y khoa trong ngày nhập học
Sinh viên y khoa trong ngày nhập học 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Huy Hoàng – đại diện Sở Y tế Hải Phòng - cho biết: Hải Phòng là địa phương có nhiều sinh viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng y dược. Vì vậy, Sở Y tế Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp vơi các trường trong công tác đào tạo thực hành theo đúng quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị vướng mắc khi công bố là cơ sở thực hành do yêu cầu có ít nhất 20% người giảng dạy chương trình thực hành là người làm việc cơ hữu của cơ sở giáo dục có đăng ký hành nghề tại cơ sở thực hành và được cơ sở này bố trí thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Đặc biệt, chưa có sự thống nhất giữa Viện và trường về chi phí đào tạo thực hành cho sinh viên. Ngoài ra, thù lao đối với giảng viên thực hành cũng như kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của cơ sở thực hành vẫn còn hạn chế.

Điều 12, Nghị định quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe quy định: Chi phí đào tạo thực hành tại cơ sở thực hành được kết cấu trong giá dịch vụ đào tạo (học phí) khối ngành sức khỏe gắn với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Mức chi phí đào tạo thực hành được xác định trên cơ sở tương ứng với tỷ lệ thời lượng thực hành trong chương trình đào tạo.

Cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành thỏa thuận, thống nhất mức chi phí đào tạo thực hành và quy định cụ thể trong hợp đồng đào tạo thực hành. Trường hợp cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành không ký hợp đồng thực hành theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này thì mức chi phí đào tạo thực hành phải được nêu cụ thể trong kế hoạch đào tạo thực hành.