Trước QH, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định hoàn toàn không có chuyện số liệu do Tổng cục Thống kê công bố bị “nhào nặn, bóp méo”, mặc dù số liệu chưa thể tuyệt đối chính xác.
“Là Bộ trưởng Bộ KH-ĐT chúng tôi không có yêu cầu nào để làm cho số liệu thống kê khác đi. Bộ KH-ĐT cũng chỉ là người xây dựng những định hướng, chỉ tiêu, mục tiêu. Số liệu là tổng hợp từ tất cả các ngành lại, không phải là một bộ nghĩ ra được”, ông Vinh nói.
Các bộ, ngành "tự tung, tự tác" số liệu
Bộ trưởng Vinh cũng cho biết cách phân loại số liệu thống kê hiện nay khiến ngành thống kê VN “rất trăn trở bởi vì nó làm cho xã hội và dư luận hiểu sai về thống kê”. Ở các quốc gia khác không có chuyện điều hành theo kiểu kế hoạch hóa như VN.
"Họ chỉ dự báo, dự báo thay đổi liên tục. Ví dụ Ngân hàng Thế giới tháng này họ dự báo tăng trưởng thế giới là 3,4%, đến tháng sau lại bảo còn 3,3 xong lại đưa lên 3,7%. Họ báo cáo theo thời gian rất ngắn. Có sự kiện gì họ lại dự báo xong họ lại rút đi. Còn chúng ta mà đã ra rồi thì gần như không thay đổi và chúng ta dự báo trước đến hàng năm”, ông Vinh nói.
Bộ trưởng cho biết Bộ KH-ĐT vừa qua đã đề nghị không đưa chỉ tiêu CPI vào kế hoạch hằng năm và 5 năm nữa vì CPI không phụ thuộc vào VN mà cả vào thế giới.
“Giá dầu giảm là CPI giảm, cả thế giới giảm chúng ta cứ ngồi tính cho đến tháng 12.2016 CPI là bao nhiêu thì không có căn cứ nào mà chúng ta cứ đưa ra. Giá dầu giảm không ai lường được, khi giảm đến 40 USD/thùng thì tất cả giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, nó tác động trực tiếp vào nền kinh tế mở như VN. Tôi đã có lần phát biểu là CPI giảm là công lao của cả hệ thống chính trị làm tốt, nhưng nhiều khi là công của thế giới phần nhiều”, ông Vinh nói.
Theo Bộ trưởng Vinh, việc thống kê hiện theo chuẩn quốc tế, người làm thống kê cũng không có lợi ích hay áp lực gì trong việc điều chỉnh số liệu “tăng một chút hay giảm một chút”. Vì vậy, cần có chế tài rõ đối với trách nhiệm của những người cung cấp, tính toán số liệu thống kê.
Một vấn đề bất cập khác được ông nêu ra là khác biệt giữa số liệu thống kê của các bộ, ngành và số liệu thống kê của cơ quan thống kê T.Ư.
“Luật quy định 185 chỉ tiêu hệ thống quốc gia thì số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ có khoảng 70 - 80, còn lại là thống kê của các bộ ngành. Mà mỗi bộ, ngành chỉ có một, hai cán bộ thống kê. Có bộ thì chuyên trách, có cơ quan kiêm nhiệm không chuyên trách. Nghiệp vụ chuyên môn thì ông có, ông không, cho nên chính xác cũng mức độ”, Bộ trưởng Vinh nói.
Bộ trưởng cho rằng, chuyện số liệu không chính xác có nguyên nhân “chính ông làm ra thành tích thống kê nên thường không khách quan. Số liệu bao giờ cũng thấy đẹp hơn”. Vì lý do này cần phải thẩm định lại. Bộ trưởng khẳng định Tổng cục Thống kê phải lập số liệu của các bộ, ngành để tránh tình trạng “tự tung, tự tác”. “Như thế thì QH và đất nước mới có được những số liệu chính xác, không phải để cho các bộ tự công bố số liệu của mình thì chỉ cao hơn, không mấy khi thấp hơn”, ông Vinh nói.
Khắc phục tình trạng làm đẹp con số
Trình bày quan điểm về dự thảo luật Thống kê (sửa đổi), ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng cho rằng cốt lõi của dự luật là phải đạt được yêu cầu chất lượng và tính chính xác để phục vụ công tác điều hành kinh tế - xã hội, hoạch định chiến lược, xây dựng quy hoạch... Để khắc phục tình trạng làm đẹp con số chạy theo thành tích cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ trong số liệu thống kê.
Đồng quan điểm, ĐB Bùi Thị An (TP.Hà Nội) cho rằng cần thống nhất và cụ thể phương pháp thống kê từ T.Ư đến địa phương. "Thời gian qua nhiều ĐBQH đã phản ánh tình trạng chỉ số GDP của tất cả các địa phương thì cao hơn rất nhiều GDP của quốc gia. Không biết trong thống kê ở các địa phương có chuyện làm sạch, làm đẹp số liệu hay không”, ĐB An đặt câu hỏi.
Trong khi đó, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng dự luật không quy định cơ quan tổ chức nào có trách nhiệm thẩm định và đánh giá số liệu do cơ quan thống kê T.Ư điều tra, công bố. Phải chăng số liệu thống kê của cơ quan thống kê T.Ư đã hoàn toàn chính xác, không cần có đánh giá thẩm định? Dẫn chứng số liệu về tình hình doanh nghiệp, ông Lợi cho biết theo thống kê “số doanh nghiệp đăng ký khoảng 600.000, hoạt động là 525.000, nhưng nộp thuế chỉ có 320.000 và đóng bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 170.000 đơn vị”.
Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ nguồn tin
Một số hành vi nghiêm cấm thông tin trên báo chí như tuyên truyền chống nhà nước, thông tin xuyên tạc lịch sử... cần được cụ thể hóa để tránh vận dụng tùy tiện, hạn chế quyền công dân. Đây là quan điểm của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH tại báo cáo thẩm tra đối với dự luật dự án luật Báo chí (sửa đổi) trình bày trước QH chiều 4.11.
Về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, dự luật quy định 12 nội dung và 10 hành vi bị cấm. Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể hơn một số hành vi nghiêm cấm thông tin trên báo chí (ở các nội dung tuyên truyền chống nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...; thông tin xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc, thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân) để tránh vận dụng tùy tiện, hạn chế quyền công dân.
Về cung cấp thông tin cho báo chí, dự luật quy định: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
Theo cơ quan thẩm tra, việc bảo vệ nguồn tin của báo chí là vô cùng quan trọng đối với người làm báo. Thực tế hiện nay, loại tội phạm nghiêm trọng rất phổ biến và đa dạng. Nếu quy định như dự luật sẽ gây khó khăn cho người làm báo trong việc bảo vệ nguồn tin. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị chỉ nên yêu cầu việc tiết lộ nguồn tin đối với tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Thanh Niên