Trung Quốc điều máy bay vào ADIZ Đài Loan, cảnh báo “không đổ thêm dầu vào lửa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  7 máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan trong hôm thứ Năm, chỉ 2 ngày sau khi PLA cử 28 máy bay thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Mẫu chiến đấu cơ J-7 của Trung Quốc (Ảnh: Handout)
Mẫu chiến đấu cơ J-7 của Trung Quốc (Ảnh: Handout)

Các nhà quan sát cho hay vụ việc mới nhất – trong đó có sự tham gia của nhiều chiến đấu cơ J-16, 4 chiến đấu cơ J-7 và 1 máy bay chiến tranh điện tử Y-8 – là nhằm mục đích thử nghiệm khả năng tương tác giữa hai thế hệ máy bay của Trung Quốc. Nó cũng nhằm mục đích thử nghiệm khả năng chống can thiệp điện tử.

Trong một tuyên bố, Cơ quan Phòng vệ Đài Loan nói rằng các máy bay Trung Quốc xuất hiện đã khiến lực lượng không quân của họ “triển khai nhiều phi cơ, phát nhiều cảnh báo radio và triển khai các hệ thống tên lửa phòng thủ để kiểm soát hoạt động của các máy bay”.

Đây là lần thứ 6 trong tháng này quân đội Trung Quốc (PLA) điều máy bay đi vào ADIZ của Đài Loan.

MẶc dù phần lớn hoạt động của các máy bay PLA chỉ nhằm mục đích cảnh báo Đài Loan về chính sách theo đuổi độc lập, nhưng giới quan sát cho rằng chúng cũng đang thực hiện các nhiệm vụ cụ thể - như phô diễn sức mạnh quân sự của PLA, huấn luyện và do thám.

Trước đó, trong hôm thứ Ba tuần này, PLA cũng có động thái tương tự để phô diễn sức mạnh, sau khi tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận trên Biển Đông, và các nhà lãnh đạo của NATO cảnh báo rằng mối đe dọa từ quân đội Trung Quốc gây ra “những thách thức có hệ thống”.

Theo cựu Phó tư lệnh không quân Đài Loan Chang Yen-ting, vụ việc hôm thứ Năm vừa qua thực chất là nhằm thử nghiệm khả năng tương tác giữa hai thế hệ máy bay chiến đấu của Trung Quốc.

“J-7 là mấu máy bay cũ hơn, trong khi J-16 là mẫu mới hơn nhiều. Bằng cách triển khai các máy bay này, không quân của PLA đang thử nghiệm khả năng hoạt động tương tác giữa hai mẫu máy bay ở độ cao khác nhau, cùng lúc đưa ra cảnh báo với Đài Loan” – ông Chang nói.

Mẫu J-7, lần đầu tiên được vào biên chế PLA năm 1967, hiện đang dần được thay thế do độ tuổi của nó, trong khi mẫu J-16 vào biên chế từ năm 2015.

Su Tzu-yun – chuyên gia phân tích kỳ cựu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Bắc – nói rằng J-7 không còn là mẫu máy bay chiến đấu trên chiến trường nữa. “Một mục đích khác của PLA rất có thể là thử nghiệm khả năng chống can thiệp điện tử của các máy bay này”, ông nói.

Việc Trung Quốc điều máy bay đi vào ADIZ của Đài Loan cũng xuất hiện sau khi hòn đảo này ký 2 hợp đồng vũ khí với Mỹ, trong đó mua các hệ thống tấn công hỏa lực chính xác tầm xa và hệ thống phòng thủ bờ biển Harpoon, có thể giúp tăng cường khả năng chiến đấu của Đài Loan.

Cả hai thỏa thuận này, ước tính có tổng giá trị 1,8 tỉ USD, từng được cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào tháng 10/2020.

Ông Lư Sa Dã (Lu Shaye), Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, đã chỉ trích Mỹ ủng hộ chính sách theo đuổi độc lập của chính quyền Đài Loan, và khẳng định rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ sử dụng vũ lực đối với Đài Loan.

“Các bạn có thể tưởng tượng, nếu như ngày hôm nay đại lục cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, vậy thì các lực lượng độc lập ở Đài Loan sẽ tuyên bố độc lập ngay vào ngày mai” – ông Lư nói trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Pháp L’Opinion – “Chúng tôi chắc chắn hy vọng sẽ đạt được sự tái thống nhất thông qua các biện pháp hòa bình. Nhưng nếu có ai đó đổ thêm dầu vào lửa, nó sẽ dẫn tới chiến tranh”.

Theo SCMP