Theo Bộ Y tế, từ tháng 8/2022, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, đề nghị bố trí 485 tỷ cho các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc xin Tiêm chủng mở rộng (TCMR).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã trả lời: “Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND tỉnh là đảm bảo nguồn lực và ngân sách địa phương cho hoạt động tiêm chủng trên địa bàn”. Do đó, Bộ Y tế đã không được bố trí kinh phí mua vắc xin năm 2023.
Địa phương phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện mua vắc xin
Vốn xưa nay các loại vắc xin TCMR đều do Bộ Y tế cấp cho các địa phương, nên khi "giao thời", các địa phương lúng túng, hoặc vì các nguyên nhân khách quan, dẫn đến tình trạng bị thiếu vắc xin tiêm cho trẻ như hiện nay.
Theo quy định mới, các địa phương phải mua vắc xin từ nguồn ngân sách địa phương. Nhưng có 16 tỉnh, thành báo cáo với Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện mua sắm vắc xin TCMR, như việc bố trí kinh phí của địa phương, tham khảo giá mua sắm; tổ chức thực hiện… và đề nghị Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tập trung, đặt hàng hoặc đàm phán giá các loại vắc xin trong Chương trình TCMR.
Nhưng theo Bộ Y tế, khi đã chuyển về nhiệm vụ thường xuyên của ngân sách địa phương, thì địa phương phải có trách nhiệm tổ chức thực hiện mua vắc xin, theo hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu.
Bộ Y tế cũng hướng dẫn: Khi các địa phương mua sắm và đặt hàng mua vắc xin sản xuất trong nước, có 2 hình thức, đều không gặp vướng mắc gì: Nếu đặt hàng thì việc sử dụng ngân sách địa phương để mua vắc xin sản xuất trong nước là đúng thẩm quyền phê duyệt giá và thanh toán của địa phương. Bộ Y tế đã có các quyết định phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật cho các loại vắc xin đặt hàng sản xuất trong nước, nên các địa phương chỉ việc tuân thủ.
Nếu mua theo hình thức đấu thầu, thì các địa phương đã thực hiện đấu thầu thuốc thường xuyên. Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn về mua sắm thuốc, vắc xin đã quy định đầy đủ.
Liên quan đến cơ chế đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá, Bộ Y tế cho biết, những năm qua, Bộ Y tế thực hiện mua sắm thông qua hình thức đấu thầu tập trung, đàm phán giá đối với các loại thuốc: Lao, ARV và vắc xin DPT-VGB-Hib (5 trong 1) và có thể tiếp tục thực hiện ngay cả khi không được bố trí ngân sách trung ương.
Nhưng với 9 loại vắc xin sản xuất trong nước, do các đơn vị sản xuất vắc xin trực thuộc Bộ Y tế, nên không đủ tư cách hợp lệ tham gia đấu thầu. Như vậy, Bộ Y tế không thể đấu thầu tập trung với vắc xin sản xuất trong nước, ngay cả khi Bộ Y tế được bố trí ngân sách trung ương.
Về cơ chế mua theo phương thức đặt hàng cũng có những vướng mắc khi không bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vắc xin: Bộ Y tế không có thẩm quyền đặt hàng cũng như xác định giá đặt hàng 9 loại vắc xin sản xuất trong nước; Bộ Tài chính không có thẩm quyền phê duyệt giá khi Bộ Y tế đặt hàng, vì Bộ Tài chính không phê duyệt đơn giá đặt hàng khi thanh toán bằng nguồn ngân sách địa phương, mà chỉ phê duyệt đơn giá khi đặt hàng, thanh toán bằng nguồn ngân sách trung ương.
Giải pháp tháo gỡ cơ chế đặt hàng, thanh toán
Vì vậy, để đảm bảo cung ứng vắc xin cho Chương trình TCMR năm 2023 và 2024, Bộ Y tế đề xuất:
Với 10 vắc xin sản xuất trong nước nếu giao cho Bộ Y tế mua thì không thể thực hiện đấu thầu. Do đó, nếu mua theo phương thức đặt hàng, các địa phương cần đăng ký nhu cầu với Bộ Y tế; uỷ quyền cho Bộ Y tế đặt hàng. Bộ Y tế căn cứ vào số lượng, nhu cầu thông báo cho các cơ sở sản xuất để xây dựng phương án giá đặt hàng tính đủ các yếu tố chi phí. Sau đó, Bộ Y tế sẽ tổng hợp phương án giá, gửi Bộ Tài chính để thẩm định. Các địa phương sẽ ký hợp đồng mua và thanh toán trực tiếp cho đơn vị sản xuất.
Tuy nhiên, để thực hiện phương án này, sẽ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP và Nghị định 32/2019/NĐ-CP, mất rất nhiều thời gian, không đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.
Vì thế, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép Bộ Y tế thực hiện cơ chế đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước trong Chương trình TCMR.
Đối với vắc xin nhập khẩu, gồm 3 loại: Vắc xin bại liệt IPV hiện có đủ cho nhu cầu năm 2023 và 2024 từ nguồn viện trợ, sẽ cấp phát cho các địa phương. Còn vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1), Bộ Y tế mua sắm theo hình thức đàm phán giá: Các địa phương đăng ký số lượng và Bộ Y tế sẽ đàm phán giá, ký thỏa thuận khung; các địa phương ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp.
Vắc xin Rota hiện có 3 số đăng ký lưu hành, gồm 2 số nhập khẩu và 1 số của nhà sản xuất trong nước. Song, như đã phân tích, vắc xin nội không thể đấu thầu tập trung cấp quốc gia được, còn 2 nhà cung cấp nước ngoài thì vắc xin có thành phần định lượng không giống nhau, nên không đưa về cùng một mặt bằng tiêu chí kỹ thuật để đấu thầu được. Do chỉ có 2 loại, nếu ghi rõ thêm các tiêu chí kỹ thuật thì sẽ chỉ rõ loại vắc xin, là vi phạm quy định đấu thầu. Mức giá kê khai cũng chênh lệch nhau nhiều.
Do vậy, Bộ Y tế đề xuất phương án mua vắc xin như sau: Bộ sẽ thông báo cho địa phương đầy đủ thông tin, mức giá kê khai để địa phương lựa chọn, đăng ký nhu cầu. Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ Y tế sẽ mua sắm theo hình thức đàm phán giá đối với vắc xin nhập khẩu và đặt hàng đối với vắc xin sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016, để đảm bảo đủ căn cứ pháp lý mua vắc xin cho Chương trình TCMR từ năm 2024, không để tái diễn tình trạng thiếu vắc xin./.