Vắc xin hiện tại hiệu quả đối với các biến chủng mới của COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – GS.TS.Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế - khẳng định tiêm mũi 3, mũi 4 để củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được biến thể BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong.
GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.

Trao đổi tại cuộc tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?” diễn ra sáng nay, 1/7, GS.TS. Phan Trọng Lân dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế Thế giới thông tin: Biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

GS. Lân phân tích cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao, như người trên 50 tuổi trở lên, người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng.

GS.TS. Phan Trọng Lân thông tin biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Vì thế, người dân rất cần tiêm mũi nhắc lại.

Thực tế có người dân băn khoăn khi họ mắc BA.2 thì rất nhẹ, nhưng lại lo lắng vì khi tiêm vắc xin bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, những phản ứng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng trong tương lai, dịch khó dự đoán, thì chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vắc xin. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập thì chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn - ông Lân nói và khuyến khích những người có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng.

Chuyên gia khuyến nghị người dân nên tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch.

Chuyên gia khuyến nghị người dân nên tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch.

Theo ông Phan Trọng Lân, biện pháp ngăn chặn cơ học, hay biện pháp hành chính xã hội thường không tạo sự đồng thuận, hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, vắc xin là một yếu tố rất quan trọng. Tiêm mũi 3, mũi 4 củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt là sẽ phòng được BA.5, kể cả nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Nếu có nhiễm cũng sẽ nhẹ hơn. Tiêm nhắc lại định kỳ để duy trì miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác.

Cần bảo vệ cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa tiêm vắc xin

Nhấn mạnh trẻ em hoàn toàn có thể mắc dịch COVID-19 trở lại nếu không bổ sung kháng thể, PGS.TS. Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết Bộ Y tế đang tiếp tục khuyến cáo cho nhóm trẻ từ 12 đến 17 tuổi đi tiêm mũi 3 và nhóm trẻ từ 5 đến 11 tuổi đi tiêm mũi 1 và 2, để tạo miễn dịch cộng đồng. Việt Nam ưu tiên chế phẩm Pfizer dành cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi liều giống như người lớn, còn trẻ từ 5 đến 10 tuổi sẽ có chế phẩm riêng.

PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.

PGS. Điển phân tích, Việt Nam đã qua thời điểm đỉnh dịch (tháng 3, 4/2022) khoảng 3 - 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội của chúng ta thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng để nghỉ hè và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó, trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay. Với tỷ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch.

PGS.TS. Trần Minh Điển cũng cho rằng cần bảo vệ cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm vắc xin bằng cách đưa trẻ ở nhóm đã có vắc xin từ 5 tuổi trở lên đi tiêm trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình. Nếu cả gia đình đã được tiêm vắc xin, có nghĩa là trẻ sơ sinh cũng an toàn hơn rất nhiều và sẽ góp phần bảo vệ cộng đồng.

Nêu thực tế tại Bệnh viện Nhi Trung ương một ngày có 5-7 trường hợp mắc hội chứng MIS-C (hội chứng viêm đa cơ quan), ảnh hưởng tới tính mạng của trẻ, PGS.TS. Trần Minh Điển khuyến nghị: "Phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế, tư vấn các bác sỹ để tiêm chủng. Chính phủ đã dành những vắc xin tốt nhất, an toàn nhất cho các cháu".

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí do Bộ Y tế tổ chức gần đây, TS.BS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng thông tin việc đa số trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) với diễn biến bệnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên: tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh, niêm mạc, tiêu hóa… đều chưa tiêm vắc xin COVID-19. Việc này trở thành thực tế đáng báo động trong bối cảnh người dân chủ quan, không tiêm nhắc vắc xin phòng dịch.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, trong gần 1 năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó, số chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay đã tiếp nhận và điều trị 283 trẻ em bị MIS-C. Đáng chú ý khi hầu hết các bệnh nhi này chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.