Trong cuộc họp báo Chính phủ tháng 11 vừa diễn ra chiều nay (2/12), việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn và bình ổn giá trong thời gian sắp Tết Nguyên đán trở thành một trong những nội dung rất nóng.
Trước câu hỏi của phóng viên về vấn đề quản lý cung cầu và giá thịt lợn, giải pháp đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá cả thế nào khi giá thị trường hiện đang rất cao, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết đây là hệ quả của việc bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Hiện tại, nhiều địa phương đã hết dịch, có thể tái đàn để cung cấp thịt lợn cho thị trường.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương và các trang trại lớn vẫn giữ được đàn lợn, đồng thời, đã xây dựng hơn 700 vùng an toàn chống dịch.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, số lượng lợn còn khoảng 25 triệu con và đây chính là cơ sở giữ giống, phát triển tái đàn, dần đảm bảo yêu cầu thị trường.
Sau cuộc họp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo về việc cung ứng thịt lợn (ngày 18/11), Bộ NN&PTNT đã họp với các địa phương và các địa phương đã cam kết bán thịt lợn giá 66.000 - 70.000 đồng/kg. Tổng cục Thống kê dự báo thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hi vọng giá bán thịt lợn sẽ dịu dần và ổn định.
Cũng về việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn và bình ổn giá trong thời gian sắp Tết Nguyên đán Canh Tý sắp tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh thịt lợn là mặt hàng thiết yếu với người tiêu dùng và lý giải nguồn cung trong nước giảm đã khiến giá thịt lợn tăng cao.
“Nếu không cẩn trọng, sau Tết đây vẫn là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà ảnh hưởng tới cả CPI và phát triển kinh tế, thương mại”, Thứ trưởng Hải nói.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai,… để nắm bắt tình hình cung cầu về thịt lợn. Để ổn định cung cầu, hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các tỉnh có biên giới quản lý việc đưa lợn qua biên giới, vì đã lợn đã thiếu, nếu bị đưa qua biên giới sẽ càng thiếu, ảnh hưởng đến giá cả thị trường trong nước.
Một thực tế khác được ông Hải nêu là lượng lợn nhập khẩu lậu từ Thái Lan, Campuchia rất lớn. “Trong 24 nước chúng ta nhập khẩu lợn lại không có Thái Lan và Campuchia, vì vậy nếu nhập khẩu lậu từ các nước này sẽ có nguy cơ rất cao về toàn vệ sinh thực phẩm, mang mầm mống bệnh dịch, ảnh hưởng đến đàn lợn trong nước”, ông Hải nhấn mạnh.