Thay thế đê đất sông Hồng: Chiều cao đê bê tông là bao nhiêu?

VietTimes -- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNN) đã có công văn đồng ý với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội về việc hạ độ cao cốt đê sông Hồng xuống mức 12,4m. Tuy nhiên, một lãnh đạo của Bộ lại cho biết việc có hạ cốt đê hay không là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, sau khi nhận được công văn số 326/UBND-ĐT ngày 24/01/2017 của UBND thành phố Hà Nội đề nghị thỏa thuận phương án thiết kế điều chỉnh kết cấu đê hữu Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, Bộ NN&PTNN đã có công văn trả lời số 1356/BNN-TCTL, do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng ký ngày 14/2/2017.

Trong công văn này không đề cập đến việc hạ độ cao của đê sông Hồng. Nội dung của công văn thể hiện: "Thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu bê tông cốt thép đoạn đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương"

Công văn này cũng nêu rõ: "Về phương án thiết kế của Thành phố đề nghị cao trình phần đê đất phía hạ lưu đê bê tông cốt thép ở cao trình +12,4 mét, đề nghị Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp theo các quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ".

Công văn chi tiết bạn đọc có thể xem tại đây.

Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT nêu nội dung công văn số 1356/BNN-TCTL 

Đến chiều cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên VTV về vấn đề này, ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy lợi, Bộ NN&PTNN lại khẳng định: Bộ NN&PTNN không có quyền quyết định vấn đề này. Thông tin này đã được Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin trong bản tin thời sự 19h ngày 14/2/2017.

Ông Hoài cho biết thêm, về phương án thiết kế, TP phải chỉ đạo các đơn vị liên quan tính toán, lựa chọn hình thức, kích thước, quy mô, kết cấu của đê bê tông cốt thép phù hợp với quy định, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo an toàn chống lũ...

Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy lợi trả lời VTV

Hai cách trả lời này khiến có thể dẫn tới những cách hiểu không thống nhất về quan điểm của Bộ NN&PTNN đối với đề nghị của UBND thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, cả hai cách trả lời này đều có điểm thống nhất là cả Bộ  NN&PTNN và thành phố Hà Nội đều không bàn tới việc hạ chiều cao đê, mà chỉ bàn chuyện thay thế một phần đê đất bằng đê bê tông.  

Trước đó, tờ Vnexpress dẫn lời  ông Vũ Xuân Thành, Vụ trưởng Quản lý đê điều (Tổng cục Thủy lợi, Bộ  NN&PTNN) cho biết, thực chất Hà Nội không muốn hạ đê mà là muốn thay thế một phần kết cấu đê đất bằng đê bê tông cốt thép. Trong văn bản gửi Bộ, Hà Nội cũng có nói đến việc này. 

Vnexpress cho biết đây là lần thứ 2 Hà Nội gửi văn bản liên quan tới vấn đề này tới Bộ  NN&PTNN. Lần thứ nhất vào cuối tháng 10/2016.

Tháng 12/2016, trong văn bản hồi âm, Bộ  NN&PTNN thống nhất với đề nghị của Hà Nội điều chỉnh kết cấu đoạn đê hữu sông Hồng đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cửa khẩu An Dương, chiều dài khoảng 1.100 m. Trong đó thay thế một phần kết cấu đê đất bằng kết cấu tường chắn bê tông cốt thép dạng chữ L, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan đô thị.

"Khẳng định đây là tuyến đê cấp đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an toàn lũ trong khu vực trung tâm Hà Nội, Bộ NN&PTNN đã đề nghị Hà Nội chỉ đạo thực hiện phương án thiết kế phải đảm bảo cao trình mặt đê đất (đỉnh đê hiện là dương 15,6 mét) sau khi hạ không được thấp hơn mực nước lũ thiết kế tương ứng tại vị trí công trình, tức là dương 13,5 mét.

Ngày 24/1/2017, Hà Nội lần thứ hai có văn bản đề nghị Bộ  NN&PTNN cho hạ cao trình mặt đê đoạn từ khách sạn Thắng lợi đến cửa khẩu An Dương xuống cao độ dương 12,4 mét và muốn Bộ NN&PTNN xem xét. "Về đề nghị này chúng tôi sẽ họp bàn với sự tham gia của nhiều chuyên gia và đưa ra ý kiến sau, trong đó an toàn đê điều phải đưa lên đầu tiên" - Vnexpress dẫn lời ông Thành nói.

Tổng hợp các thông tin này, có thể thấy, Hà Nội muốn "gọt" độ cao đê đất xuống còn 12,4 mét, sau đó "bù" bằng đê bê tông cốt thép để vẫn đảm bảo chiều cao 15,6 mét như cũ. Nói cách khác là xây một tường bê tông cao 3,2 mét để có thể tận dụng chiều rộng đê đất cũ và sử dụng mở rộng đường giao thông.

Câu trả lời của ông Trần Quang Hoài trên chương trình thời sự 19h ngày 14/2/2017