Thấy gì từ báo cáo của DBS về mức độ số hóa của doanh nghiệp Việt Nam xếp thứ 2/10 thị trường lớn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đây là một kết quả khá bất ngờ mà tập đoàn tài chính DBS mới công bố sau khi tiến hành khảo sát mức độ số hóa của các doanh nghiệp tại 10 thị trường khác nhau.

Doanh nghiệp Việt Nam có mức độ số hóa cao hơn doanh nghiệp ở nhiều quốc gia lớn
Doanh nghiệp Việt Nam có mức độ số hóa cao hơn doanh nghiệp ở nhiều quốc gia lớn

Xếp hạng về số hóa chỉ đứng sau Singapore

Trong một báo cáo được DBS công bố vào hôm 15 tháng 5 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam (68%) xếp hạng cao hơn mức trung bình toàn cầu (64%) về thực hiện phương pháp tiếp cận chiến lược một cách nhất quán để số hóa trải nghiệm và sự tương tác của khách hàng.

Doanh nghiệp Việt Nam xếp thứ 2 sau Singapore trong lĩnh vực này trong số 10 thị trường được khảo sát gồm Australia, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Anh, Mỹ, Việt Nam.

Cũng theo nghiên cứu của DBS thì 63% doanh nghiệp Việt Nam hài lòng với chuyển đổi số. Họ nói rằng việc này đã giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận, cải thiện sự hiểu biết về khách hàng (61%) và tăng khả năng cạnh tranh tổng thể trên thị trường (57%).

Hơn một nửa doanh nghiệp được khảo sát (56%) cho biết họ đang áp dụng công nghệ số trong các dịch vụ, và việc tương tác với khách hàng rất hiệu quả.

Nghiên cứu của DBS được thực hiện tại Việt Nam với 75 công ty có doanh thu hàng năm từ 250 triệu USD đến 20 tỉ USD. 64% người được hỏi là các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp.

Một thống kê đáng chú ý nữa là 35% doanh nghiệp Việt Nam nằm trong nhóm đang số hóa hoạt động tương tác với khách hàng. Nhóm này có tiềm năng lớn về hiệu suất chuyển đổi số. 12% thuộc nhóm vượt trội so với mức trung bình toàn cầu. 9% được phân loại là “doanh nghiệp tụt hậu” do gặp nhiều rào cản trong quá trình số hóa.

40% doanh nghiệp cho biết mục tiêu quan trọng của họ khi thực hiện chuyển đổi số là để tăng hiệu quả hoạt động thông qua việc tự động hóa và cải thiện sự liên kết giữa các bộ phận chuyên môn. 57% doanh nghiệp nói rằng họ đã xây dựng được một tầm nhìn chung trong nội bộ để thúc đẩy quá trình số hóa thành công.

Ông Joo Young Park, Giám đốc Khối Ngân hàng Định chế, DBS Việt Nam, cho biết: “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Việt Nam có tham vọng trở thành một quốc gia phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045, với số hóa là động lực chính của tăng trưởng kinh tế”.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá lạc quan về những con số nói trên, bởi vì DBS mới đánh giá doanh nghiệp Việt Nam ở yếu tố số hóa, chưa phải là chuyển đổi số.

Theo một khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì chỉ có 2,2% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã hoàn tất chuyển đổi số. Rất nhiều doanh nghiệp đang ở trong “điểm nghẽn”, “hố sụt” ngăn cản họ chuyển đổi số thành công.

Số hóa chỉ là một phần của quá trình chuyển đổi số. Số hóa bao gồm 2 yếu tố là số hóa thông tin và số hóa quy trình. Số hóa thông tin là chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý thông thường sang dạng số. Số hóa quy trình là áp dụng các công nghệ nhằm tự động hóa một số quy trình hoạt động của doanh nghiệp.

Còn chuyển đổi số thì làm thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc áp dụng công nghệ vào mọi quy trình hoạt động, cùng với những con người có đủ năng lực và hiểu biết để vận hành công nghệ.

2 “điểm nghẽn” của doanh nghiệp

Theo nghiên cứu của DBS thì có 2 “điểm nghẽn” ngăn cản các công ty Việt Nam đạt được tiến bộ trong chuyển đổi số là Nhân lực (42%) và Quyền riêng tư dữ liệu (35%).

Để có nguồn nhân lực vận hành được công nghệ, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, theo DBS, các doanh nghiệp cần liên kết với các trường Đại học để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nền kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là một việc có thể làm nhanh chóng, bởi nó đòi hỏi các trường Đại học và Cao đẳng phải đổi mới chương trình đào tạo sao cho sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Hiện nay tại Việt Nam có trên 300 trường Đại học, Cao đẳng đào tạo các chuyên ngành về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu. Nhưng số sinh viên ra trường có thể đáp ứng được công việc là không nhiều. Trong số hơn 110.000 kỹ sư CNTT ra trường mỗi năm, chỉ có 10% kỹ sư có thể phục vụ trong ngành này. Trong khi đó, mục tiêu của Việt Nam đề ra đến năm 2030 đạt ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số và 1,5 triệu nhân viên làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật số.

doanh nghiep viet nam.jpeg

Đối với nỗi lo lắng về quyền riêng tư dữ liệu, các doanh nghiệp phải lựa chọn được những đối tác đáng tin cậy, có khả năng bảo mật dữ liệu cao khi bắt đầu quá trình số hóa tài liệu của mình.

Theo khảo sát của DBS, 78% doanh nghiệp Việt tin rằng điện toán đám mây và phân tích nâng cao (65%) là những công nghệ quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi số. Các tài liệu về tài chính và đầu tư là nguồn dữ liệu đầu tiên được số hóa.

43% doanh nghiệp Việt tin rằng hợp tác với các tổ chức tài chính ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển kinh doanh với các đối tác bên ngoài, cũng như thực hiện chiến lược chuyển đổi số.

Cuối cùng, 41% doanh nghiệp nói rằng khó truy cập dữ liệu là thách thức thường xuyên nhất mà họ gặp phải khi các nhóm trong nội bộ công ty làm việc với nhau. Đây cũng là một rào cản doanh nghiệp chuyển đổi số.

Vậy lời khuyên của DBS cho các doanh nghiệp Việt khi bắt tay vào số hóa và chuyển đổi số là gì? Ông Joo Young Park đã chia sẻ như sau:

“Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu nội bộ có tính kết nối cao, phát triển các chính sách quản trị dữ liệu mạnh mẽ và đầu tư vào công nghệ hỗ trợ như đám mây và các công cụ phân tích tiên tiến sẽ giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nhận ra tiềm năng của họ và củng cố vị trí dẫn đầu về chuyển đổi số của đất nước”.