Việt Nam còn thiếu một yếu tố khi phát triển trí tuệ nhân tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là chia sẻ của ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tại hội thảo về trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam, do Đại sứ quán Pháp phối hợp với các đối tác Việt Nam tổ chức.

Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, chính phủ Việt Nam đã sớm nhận thấy những cơ hội từ việc phát triển AI. Từ tháng 1/2021, Thủ tướng đã ký ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030.

Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi để phát triển AI, đó là dân số trẻ, được đào tạo và có hiểu biết về công nghệ, trong đó 70% là công dân dưới 35 tuổi. Việt Nam có nền kinh tế Internet phát triển nhanh thứ hai Đông Nam Á. Ngoài ra, nhà nước cũng có các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy và triển khai công nghệ số. Theo dự báo của Google, đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chiếm 27% GDP.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Việt Nam vẫn đang thiếu một yếu tố cho phát triển công nghiệp AI. Đó là một ban chỉ đạo quốc gia về AI. Hiện nay, các phần việc phát triển AI đang được nhiều Bộ đảm nhiệm, từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ cho đến Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có một cơ quan đóng vai trò "nhạc trưởng" cho sự phát triển AI.

Để giải quyết các thách thức trong việc phát triển AI tại Việt Nam trong thời gian tới, theo ông Thịnh, rất cần sự có mặt của Ban chỉ đạo quốc gia về AI.

Công thức cơ bản cho phát triển AI thành công

Cũng trong phần chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh nói rằng không có một chiến lược AI chung nào có thể phù hợp với mọi quốc gia, mọi địa phương, cũng như với các doanh nghiệp, nhưng công thức cơ bản để thành công là chủ động đầu tư vào hạ tầng đám mây, nghiên cứu ứng dụng AI cũng như phát triển dữ liệu.

Theo vị Phó giám đốc Trung tâm NIC, Việt Nam cần có cơ chế chính sách để khai thác các cơ hội về AI, chủ yếu tập trung vào 3 trụ cột gồm: Chính sách phát triển hệ sinh thái AI; Chính sách nâng cao năng lực AI cho người lao động và học sinh/sinh viên; Xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh AI, chia sẻ dữ liệu lớn giữa khu vực công và tư.

Ông Thịnh cho biết trong 2 năm vừa qua, chính phủ đã có những hành động mạnh mẽ để tạo ra một môi trường và thể chế tốt hơn cho phát triển AI. Những bước đi này được thể hiện qua việc ban hành Luật Thủ đô cho TP Hà Nội, Nghị quyết đặc thù cho TP.HCM và Đà Nẵng với các cơ chế thí điểm phát triển AI (sandbox) trong 5 năm.

Chia sẻ ý kiến tại sự kiện, bà Phùng Lan Hương, Giám đốc công ty BK Holdings, nói rằng trong năm 2024 vừa qua, theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những minh chứng cho nỗ lực của Việt Nam với mục tiêu phát triển nền kinh tế dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo đang được coi là một trong những công nghệ chủ chốt để hiện thực hóa định hướng này.

Cơ hội hợp tác Việt - Pháp trong lĩnh vực AI

Bà Asma Mhalla, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Pháp, nói rằng bây giờ là thời điểm để Việt Nam và Pháp bắt tay phát triển AI. Đây là lĩnh vực mà đang có sự biến động về cán cân địa chính trị, trong đó các quốc gia đang tìm cách xác định lại vị thế của mình thông qua các công nghệ hiện đại như chip bán dẫn, AI.

Theo bà Asma, Việt Nam và Pháp có thể bổ sung các ưu điểm cho nhau. Trong khi Pháp có ưu thế về năng lượng nguyên tử, năng lượng sạch, cũng như số lượng dồi dào các nhà Toán học, thì Việt Nam lại có ưu thế về đất hiếm, về nguồn nhân lực trẻ cũng như lợi thế về công nghệ so với các nước châu Á.

vt_asma mhalla.jpg
Chuyên gia AI của Pháp, bà Asma Mhalla tham luận tại Hội thảo

Đồng tình với nhận định này, ông Đỗ Tiến Thịnh cho rằng hợp tác AI giữa 2 quốc gia cũng giống như hợp tác quân sự, cần có chung niềm tin. Việt Nam và Pháp hiện nay đang có niềm tin từ cấp chính phủ đến doanh nghiệp, nhất là khi 2 nước vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Theo ông Thịnh, Việt Nam có tiềm năng điện gió tốt nhất thế giới - đây là nguồn năng lượng sạch để phát triển các trung tâm dữ liệu cho AI. Việt Nam cũng có nguồn nhân lực công nghệ có thể đào tạo lại để trở thành chuyên gia AI hoặc tham gia vào các doanh nghiệp AI của Pháp. Việt Nam cũng có thể mở cơ sở nghiên cứu AI tại Pháp do nước Pháp là cái nôi về toán học. Ông Thịnh dẫn chứng Trung Quốc đã mở tới 6 cơ sở nghiên cứu tại Pháp để thu hút nguồn nhân tài Toán học của Pháp.

Phát biểu kết luận, bà Asma Mhalla cho rằng để phát triển thành công AI, Việt Nam phải xác định đâu là thị trường ngách, đâu là điểm nghẽn của AI, cũng như vấn đề chủ quyền số, chủ quyền công nghệ. Nếu không xác định rõ ràng về AI thì Việt Nam sẽ bị phụ thuộc về công nghệ. Các chuyên gia Pháp sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong các mục tiêu phát triển AI của mình.