Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về thanh tra việc điều hành tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong việc điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, điều chỉnh chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023. Cơ quan thanh tra được giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai trong tháng 12/2023 và kết quả thanh tra vào tháng 1/2024.
Hoạt động này nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu NHNN thực hiện đồng bộ kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 phù hợp với thực tế. Việc điều hành phải đảm bảo cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế, an toàn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đến nay, tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Theo Văn phòng Chính phủ, việc tiếp cận vốn vẫn còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của Đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023. Ông nhấn mạnh ‘tín dụng phải là một dòng chảy liên tục’, đồng thời yêu cầu NHNN báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình, làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tính dụng.
Theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các tổ chức tín dụng. Theo đó dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn - khoảng 6,2% - tương đương khoảng 735 nghìn tỉ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.
Trong khi đó, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng, để giải ngân tín dụng cần giải pháp đồng bộ, nổ lực vượt khó của các doanh nghiệp để nâng cao hấp thụ vốn,
Đại diện các nhà băng đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư,… qua đó khơi thông "mạch máu" tín dụng./.