Thời gian nộp thuế cao thứ hai khu vực
Tại hội thảo trình bày kết quả xác định chỉ số Nộp thuế và những đề xuất cải cách cho Việt Nam diễn ra ngày 18/12, bà Joanna Nasr, chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) đã đánh giá cao những cải cách thủ tục hành chính thuế của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Nhưng bà Joanna Nasr cũng cho biết, khoảng cách tới thông lệ quốc tế vẫn còn khá xa, đặc biệt là khi Việt Nam vẫn đứng thứ 2 ở châu Á - Thái Bình Dương về thời gian nộp thuế.
"Giờ nộp thuế và bảo hiểm xã hội là 770 giờ, Việt Nam là nước cao thứ 2 ở châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian nộp thuế tới thực tiễn tốt nhất bị chấm 0 điểm như vậy khoảng cách tới thông lệ tốt nhất còn xa", bà Joanna Nasr nói.
Bà Joanna Nasr cho biết thêm, năm 2016 WB sẽ đưa thêm quy trình hậu kê khai thuế là thanh tra, hoàn thuế và giải quyết khiếu nại vào nội dung đo lường thời gian nộp thuế.
Cụ thể, những yếu tố được WB tính tới là doanh nghiệp phải bỏ bao nhiêu thời gian để chuẩn bị hồ sơ, chờ bao lâu để có kết quả từ cơ quan chức năng, tiền hoàn thuế được chi trả sao...
Về thanh tra thuế, đại diện WB cho biết, WB quan tâm thời gian để thu thập thông tin, chuẩn bị tài liệu bổ sung tới cơ quan thuế, cách thức nộp, khả năng doanh nghiệp bị thanh tra tờ khai thuế vì lý do sai sót nhỏ khi kê khai là như thế nào.
WB đánh giá trong thập kỷ qua Việt Nam đang từng bước đơn giản hóa gánh nặng nộp thuế (Nguồn WB)
Khâu khiếu nại chính sách thuế, WB đưa ra một số tiêu chí như người nộp thuế sẽ khiếu nại với cơ quan nào, cơ quan đó có độc lập với thanh tra thuế hay không.
Ngoài ra, để bắt đầu khiếu nại, người nộp thuế có phải bắt buộc nộp đủ số thuế đang khiếu nại, trường hợp chậm nộp doanh nghiệp có phải trả lãi không....
Thanh tra thuế chồng chéo
Nêu ý kiến tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua khảo sát hơn 2.500 doanh nghiệp ở 63 tỉnh thành năm 2014, doanh nghiệp phần lớn gặp khó vì biểu mẫu hay thay đổi, thời gian giải quyết dài.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp này cảm thấy phiền hà ở khâu đăng ký thuế, thay đổi thông tin đăng ký thuế, doanh nghiệp FDI là hoàn thuế.
"Việc thanh kiểm tra, khiếu nại 52% doanh nghiệp phải đón tiếp đoàn thanh kiểm tra năm 2014. Lưu ý là thanh kiểm tra về thuế nhiều nhưng không chỉ riêng thuế tới thanh kiểm tra, nhiều đoàn thanh tra đến tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và chồng chéo", ông Thạch nói.
Cũng theo ông Thanh, 25% doanh nghiệp cho biết nội dung thanh kiểm tra trùng lặp, 31% cách hiểu và áp dụng các quy định về thuế trong quá trình thanh kiểm tra của cán bộ thuế có xu hướng suy diễn bất lợi cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cư, Phó chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng cho biết, phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, nhiều nội dung thanh tra hiện nay chồng chéo giữa thuế, Thanh tra Chính phủ và cơ quan chuyên ngành nhưng không sử dụng kết quả của nhau làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian.
Ông Cư cũng đề cập một vấn đề khác là giải quyết khiếu nại, Luật chỉ nói quyền khiếu nại nhưng không hướng dẫn thủ tục. Theo đó, khi doanh nghiệp viết công văn, quá thời gian mà mất quyền trong khi đáng ra là đơn, doanh nghiệp có khi gửi vượt cấp nên đơn không được giải quyết và qua thời gian giải quyết khiếu nại.
Cũng theo ông Cư, hiện tại cơ quan thụ lý và giải quyết khiếu nại nằm trong cơ quan kiểm tra nội bộ, không độc lập, vừa kiểm tra các bộ phận ngành thuế và giải quyết khiếu nại nên không khách quan.
"Cần củng cố pháp lý về khâu giải quyết khiếu nại, phải độc lập hóa bộ thanh tra và kiểm tra nội bộ", ông Cư đề xuất.
Theo Bizlive