Người dân thích thanh toán thông minh, đơn vị quản lý tiết kiệm chi phí
Phát biểu tại Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” do Tạp chí điện tử VietTimes và báo Giao thông phối hợp tổ chức, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam & Lào đánh giá, mạng lưới giao thông không đồng bộ khiến việc phát triển đô thị bền vững, hướng tới giảm thiểu khí thải carbon gặp nhiều thách thức.
“Khó khăn lớn nhất về hạ tầng, quản lý, vận hành xé lẻ không đồng bộ dẫn đến việc người dân sẽ thấy phức tạp khi quản lý nhiều loại thẻ vé khác nhau.
Chúng ta phải lên ý tưởng, tính toán để người dùng có thể tận dụng hành trình giao thông sử dụng nhiều dịch vụ gia tăng khác”, bà Dung chia sẻ.
Theo Giám đốc Visa Việt Nam & Lào, giao thông công cộng có sự quan trọng trong phát triển giao thông đô thị. Với tốc độ phát triển hiện nay, việc phát triển giao thông công cộng là điều cấp thiết.
Visa đã và đang tích cực hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu như phát triển toàn diện, kết nối và có khả năng phục hồi tốt hơn. Với vai trò là một tổ chức thanh toán toàn cầu, Visa hỗ trợ các đô thị và các đơn vị vận hành giao thông giải quyết các khó khăn trong quá trình chuyển đổi giao thông đô thị nhằm mang đến các giải pháp thanh toán điện tử đơn giản, thuận tiện và an toàn hơn trên mọi hành trình di chuyển.
Nói về thực trạng thanh toán chạm trên toàn cầu, bà Dung cho biết, Visa triển khai mạnh ở nhiều quốc gia như: Singapore, Thái Lan, Nhật Bản… Giao dịch thanh toán giao thông bắt đầu bứt phá, tăng trưởng sau 2 năm kể từ thời điểm ra mắt mô hình thanh toán mở trong giao thông công cộng.
"Điều đó cho thấy giao thông công cộng chiếm tỷ trọng rất lớn trong thanh toán mở", bà Dung nói.
Giám đốc Visa Việt Nam & Lào nhận định, việc kết nối toàn diện và các phương thức thanh toán tiện lợi sẽ khuyến khích người dân di chuyển, tạo sự phát triển và bền vững đối với các khu đô thị, đồng thời xây dựng hành trình di chuyển thú vị và hiệu quả.
“Việc khôi phục niềm tin trong sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng cách cung cấp các phương thức thanh toán đơn giản, không chạm góp phần cải thiện “chất lượng sống tốt” của các đô thị, cung cấp trải nghiệm thanh toán mở đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng”, bà Dung nhận định.
Trong đó, với khách hàng, chuyển đổi số gia tăng sự hài lòng của khách hàng thông qua thanh toán không chạm, thời gian thanh toán nhanh, đơn giản hơn và thuận tiện hơn. Cùng với đó, gia tăng bảo mật thông qua công nghệ mã hóa, tích hợp cùng các chương trình khách hàng thân thiết và các chương trình khuyến mãi/giảm giá.
Đối với các thành phố và chính phủ, số hóa có thể giúp gia tăng sự minh bạch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển hơn.
Với các đơn vị vận hành giao thông đô thị, số hoá giúp tiết kiệm hơn 30% chi phí, cải thiện quản lý phân luồng khách hàng và lên kế hoạch phát triển dịch vụ, cải thiện luồng tiền và hệ thống thẻ vé (ABT), phát triển tập khách hàng di chuyển thường xuyên và dễ dàng tích hợp và liên thông.
Theo bà Dung, Việt Nam đã và đang trong hành trình đầu tiên của dịch vụ giao thông công cộng. Khảo sát cho thấy, có 64% người dân cho biết sẽ sử dụng dịch vụ số để lên kế hoạch, đặt chỗ và thanh toán trước khi di chuyển; 94% kỳ vọng thanh toán không tiếp xúc sẽ được triển khai trong thanh toán giao thông; 45% sẽ di chuyển nhiều hơn nếu thanh toán thuận tiện và dễ dàng.
Sử dụng 1 hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất
Tham gia chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ Thanh toán, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho rằng thực tế tình trạng thanh toán trong giao thông tại Việt Nam đang có nhiều bất cập và thách thức.
Theo ông Tùng, các phương tiện giao thông tại thành phố lớn chưa có tiêu chuẩn về thẻ vé chung, hệ thống thẻ vé giao thông không liên thông, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị.
Người dân khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng phải mua nhiều thẻ vé, phải mua vé bằng tiền mặt hoặc phải xếp hàng rất lâu để nạp tiền tại quầy thanh toán, hệ thống thẻ vé giao thông không liên thông với nhau. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã triển khai mô hình thẻ vé giao thông sử dụng thẻ ngân hàng như Anh, Singapore, Thái Lan,...
"Sau khi tham khảo, nghiên cứu việc thanh toán tại các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình thẻ vé thông minh.
Mỗi quốc gia nên có 1 hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, sử dụng cho tất cả các Đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm buýt, metro,.. (ít nhất là 1 thành phố có sự liên thông thanh toán bằng thẻ vé). Và cần có tiêu chuẩn kỹ thuật về loại vé thông minh đó", ông Tùng kiến giải.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt khi sử dụng các phương tiện công cộng, các nước trên thế giới đã triển khai qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Bộ GTVT cũng tham khảo các mô hình và bài học thành công của các nước trên thế giới để rút ra kinh nghiệm áp dụng tại Việt Nam.
Ông Tùng cũng cho biết, Bộ GTVT đang xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, trong đó có thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, lựa chọn lộ trình để áp dụng, tiếp cận với những giải pháp hiện đại, có tính tương lai nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, thói quen của người dùng Việt Nam.
Tại Hà Nội và TP.HCM đã nghiên cứu việc dùng chung một thẻ vé giao thông, nhưng trong thời gian tới có thể sẽ cần tính đến giai đoạn 3, sử dụng các ứng dụng thanh toán. Điều này cũng sẽ phụ thuộc vào người dân, dựa trên mức độ thân thiện.
Chính sách cần đi trước mới tạo ra phát triển đột phá
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes đánh giá, thanh toán điện tử trong giao thông là chủ đề hấp dẫn vì mọi người dân, không ai không tham gia giao thông.
Dẫn bài học từ thu phí tự động đường bộ, Tổng Biên tập Tạp chí VietTimes cho rằng, muốn phát triển thanh toán thông minh trong giao thông thì việc xây dựng thể chế rất quan trọng.
Theo ông Kiên, trước năm 2022, chủ trương thu phí tự động tưởng như thất bại vì sau nhiều năm triển khai vẫn rất ít xe dán thẻ VETC. Từ tháng 6/2022, khi Chính phủ quy định xe không dán thẻ thu phí tự động không được đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì đến nay 95% ô tô đã dán thẻ.
“Nội dung Hội thảo (Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông" – PV) rất rộng, ngoài việc bàn về chính sách thanh toán tự động cho phương tiện đường bộ còn bàn luận, gợi mở những chính sách, giải pháp thanh toán tự động cho người dân đi metro, xe buýt, thu phí dừng đỗ xe…
Tới đây, đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng và hàng loạt tuyến metro đô thị đi vào hoạt động, nên việc xây dựng chính sách thanh toán tự động, liên thông không dùng tiền mặt trong giao thông là rất quan trọng. Việc xây dựng thể chế, chính sách cần đi trước mới tạo ra phát triển đột phá”, ông Kiên nói.