Thanh toán di động: 'Chiếm ngôi' các phương thức thanh toán truyền thống?

Tiện lợi, nhanh chóng, an toàn, đi cùng sự phát triển vượt bậc của điện thoại thông minh (smartphone)… đã khiến thanh toán di động trở thành đối thủ 'đáng gờm' thách thức các phương thức thanh toán phổ biến hiện nay.

Dòng chảy chuyển dịch toàn cầu

Cũng giống như Việt Nam, thanh toán bằng tiền mặt là thói quen “cố hữu” tại Thái Lan. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan gần đây đã có biện pháp mạnh mẽ phát triển xã hội không tiền mặt ở nước này. Hiện thanh toán điện tử ở Thái Lan (kể cả thanh toán di động) dự kiến sẽ tăng từ 68,2 tỷ baht trong năm 2015 lên 143 tỷ baht vào năm 2020.

Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, người dân bỏ qua luôn thẻ tín dụng để chuyển thẳng sang thanh toán bằng di động. Hãng nghiên cứu FT Confidential Research (FTCR) cho rằng, sự phát triển rộng rãi của hình thức thanh toán qua di động đang thách thức vị thế của thẻ tín dụng tại khu vực Đông Nam Á.

Hay như ở Trung Quốc, chỉ trong quý II/2017, các ngân hàng Trung Quốc đã xử lý 8,6 tỷ lượt giao dịch thanh toán di động với tổng giá trị đạt 39,24 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 6.000 tỷ USD theo thông báo của PBoC. Ant Financial - chi nhánh tài chính của Tập đoàn Alibaba, cho biết sẽ đầu tư 6 tỷ nhân dân tệ trong 2 năm tới để khuyến khích sự phát triển của xu thế này.

Thanh toán di động chiếm thế thượng phong tại thị trường Trung Quốc

Nhiều “cú hích” mở đường cho thanh toán di động bùng nổ tại Việt Nam

Tính năng QR Pay có sẵn trên ứng dụng di động của 4 ngân hàng lớn tại Việt Nam là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV

Sự phát triển của thanh toán điện tử nói chung và thanh toán di động nói riêng tính đến thời điểm hiện tại là nhờ có hệ sinh thái 4 trụ kiềng “Nhà nước – Ngân hàng – Doanh nghiệp – Khách hàng”. Trên thực tế, Ngân Hàng Nhà Nước đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử; góp phần tạo ra các phương thức thanh toán tiên tiến, phù hợp với xu thế của thời đại, rút ngắn thời gian thanh toán, chu trình luân chuyển vốn; góp phần giảm dần tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán qua các năm từ mức 19,27% năm 2006, xuống mức trên 12% năm 2015.

Hiện nay, hành lang pháp lý về thanh toán điện tử ngày càng hoàn thiện; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán cũng đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ với kỹ thuật và công nghệ thanh toán tiên tiến.

Bên cạnh việc hoàn thiện và phát triển các phương thức truyền thống, nhiều dịch vụ, phương thức thanh toán điện tử mới, hiện đại, tiện lợi như thanh toán di động qua mã QR đã xuất hiện và đang đi dần vào cuộc sống, phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng lớn tại Việt Nam như Vietcombank, VietinBank, BIDV,Agribank, ABBANK, SCB, IVB, NCB, SHB, Maritime Bank, VIB… đều đã đồng loạt tích hợp giải pháp thanh toán qua mã QR (QR Pay) trên ứng dụng di độngMobile Banking. Cuộc chạy đua về dịch vụ thanh toán qua QR code cho thấy sự chuyển dịch của làn sóng Fintech trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời khẳng định nỗ lực đột phá của các ngân hàng để đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng.

Với việc bổ sung tính năng thanh toán QR Pay, không chỉ ngân hàng mà ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ cắt giảm được nhiều chi phí, đồng thời hạn chế nhầm lẫn trong thanh toán và hoạt động kiểm kê. Hàng loạt doanh nghiệp và nhãn hàng lớn như Red Sun, Canifa, Eva de Eva, Elise, Genviet... đều đã hưởng ứng và tích cực quảng bá hình thức thanh toán mới này thông qua các chương trình khuyến mại hấp dẫn như ưu đãi hoàn tiền khi thanh toán qua QR Pay…Thông qua tính năng này, doanh nghiệp và ngân hàng có thể kết nối liên thông với nhau, tạo dựng một hệ sinh thái mà khách hàng là trọng tâm.

Dưới góc độ khách hàng, lợi ích lớn nhất của QR Pay là tính linh hoạt, thuận tiện và dễ dàng. QR Pay đơn giản chỉ gói gọn vài bước cơ bản: đăng nhập vào ứng dụng di động của ngân hàng, chọn tính năng QR Pay, dùng điện thoại quét mã QR của cửa hàng, nhập số tiền và xác minh để hoàn tất giao dịch. Xét về độ bảo mật, việc sử dụng QR Pay không chỉ giảm thiểu tối đa hành vi trộm cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc tiền mặt qua 2 lớp bảo mật, mà còn thuận tiện trong việc lắp đặt cho cả người bán và người mua. Trong 9 tháng đầu năm 2017, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 423.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy niềm tin lớn của khách hàng vào phương thức thanh toán tiện lợi này.

Các bước thanh toán thông qua tính năng QR Pay trên ứng dụng VCB-Mobile B@nking

Dự báo trong thời gian tới, với sự thông thoáng về chính sách, nội lực mạnh mẽ của các doanh nghiệp và sự cộng hưởng của toàn xã hội, thanh toán di động sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ tại Việt Nam.

Từ 15/04 đến 15/06/2018, các khách hàng sử dụng tính năng QR Pay trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng để thanh toán sẽ được hoàn tiền 30.000đ cho dịch vụ taxi, xe khách và 100.000đ cho dịch vụ ăn uống, thời trang; đồng thời có cơ hội trúng 1 chuyến du lịch Hàn Quốc cho 2 người và 10 voucher vé máy bay…

Theo ICT News

http://ictnews.vn/cntt/thanh-toan-di-dong-chiem-ngoi-cac-phuong-thuc-thanh-toan-truyen-thong-167575.ict