Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại San Francisco này, được bán với giá 21 USD ở mức 36 triệu cổ phiếu, đã tăng 36% vào ngày đầu tiên giao dịch. Điều đó đã đẩy giá trị thị trường của Dropbox lên 11,2 tỷ USD, cao hơn mức định giá trong thị trường tư nhân.
Sự kiện ra mắt IPO của Dropbox diễn ra vào thời điểm được đánh giá không cao. Cùng lúc, thị trường chứng khoán đầy biến động, với những nguy cơ lạm phát đang làm các nhà đầu tư đau đầu, rồi cả các cuộc chiến tranh tiềm tàng và tranh chấp địa chính trị. Thậm chí, những vụ lao đao của các gã khổng lồ công nghệ còn làm tồi tệ tình hình. Chỉ số Standard&Poor 500 đã giảm 2%, với cả Facebook và Amazon tụt xuống hơn 3%. Chỉ số này đã giảm hơn 3% kể từ đầu năm.
Dropbox ra mắt tại sàn chứng khoán NASDAQ (Nguồn: NYT)
Tuy vậy, sự chào đón mạnh mẽ dành cho Dropbox, công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ nội dung online, phản ánh thị trường đại chúng vẫn sẵn sàng đóng góp cơ hội rút lui cho các nhà đầu tư vào những công ty startup tư nhân của Thung lũng Silicon. "Chúng tôi nghĩ thành công của Dropbox trong lần IPO này cho thấy các công ty được chuẩn bị sẵn sàng cho sự tồn tại có thể thông qua con đường IPO, bất kể tuần vừa rồi có sự biến động dữ dội của thương mại toàn cầu.", ý kiến từ phía Bryan Schreier, thành viên Ban điều hành Dropbox và đối tác tại Sequoia Capital, công ty tài chính mạo hiểm đã đầu tư vào doanh nghiệp này từ lúc ban đầu.
Trong 10 năm vừa qua, hàng trăm tỷ USD đã được đổ vào ngành đầu tư mạo hiểm, cho hàng hà sa số các công ty non trẻ với mục tiêu tìm ra một Facebook hay Google thứ hai. Chính nguồn tiền này đã nuôi dưỡng nền kinh tế công nghệ. Từ năm 2006 tới 2016, sản lượng kinh tế của khu vực đô thị của Thung lũng Silicon đã tăng hơn 5% một năm, với tốc độ tăng trưởng trung bình của đô thị nước Mỹ chỉ có 1,2%. Nguồn tiền đầu tư mạo hiểm đã khiến cho các startup có giá trị lớn, được gọi là "unicorn" tại Thung lũng Silicon, có thể giữ vững tính chất tư nhân lâu dài mà không phải đưa ra công chúng nhằm gây quỹ. Có khoảng 236 doanh nghiệp như thế với tổng giá trị thị trường được đánh giá ở mức 800 tỷ USD, với những cái tên như Uber, Airbnb và SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Lợi thế của việc niêm yết trên thị trường chính là tạo ra nguồn tài chính từ đại chúng, cũng như tạo ra con đường cho những nhà đầu tư ban đầu thu lại tiền của họ. Kể từ năm 2014, sự rút rui ra khỏi các công ty được đầu tư bởi tài chính mạo hiểm, thông qua IPO hoặc mua bán sáp nhập đang diễn ra chậm lại. Do đó, sự thành công của Dropbox hay một vài công ty nhỏ khác không khác gì tin mừng cho các nhà đầu tư đang có khoản tiền lớn ở các công ty tư nhân.
Được thành lập năm 2007 bởi hai sinh viên MIT, Drew Houston và Arash Ferdowsi, Dropbox đã nhận được sự hậu thuẫn của những nhà đầu tư mạo hiểm tiếng tăm tại Thung lũng Silicon như Sequoia và Accel Partners. Tuy chưa hề kiếm được lợi nhuận hàng năm, nhưng doanh số bán ra hàng năm đều tăng trưởng nên doanh thu của công ty này đạt mức 1 triệu USD.
Màn trình diễn trong ngày đầu tiên ra mắt của Dropbox đã đóng góp thêm vào đà tăng tiến của thị trường IPO trong năm 2018. Mới đây, khoảng 12,9 tỷ USD đã thu được sau 43 IPO tại Mỹ , thành công lớn nhất kể từ năm 2014. Một cái tên nổi trội khác là Spotify, dự kiến sẽ chính thức bán cổ phiếu ra công chúng vào ngày 03/4/2018. Hay một "unicorn" - Zscaler, một công ty an ninh mạng, đã chứng kiến cổ phiếu tăng giá hơn 100% ngay ngày đầu tiên ra mắt.
Sự thành công ban đầu không hề thiếu tại Thung lũng Silicon, nhưng không phải là dấu hiệu đảm bảo tương lai chắc chắn khởi sắc cho mọi công ty. Bài học từ chính Snap, công ty đứng sau ứng dụng nổi tiếng Snapchat. Giá cổ phiếu tăng tới 44% trong ngày đầu tiên ra mắt, nhưng kể từ đó, doanh nghiệp này đã phải vất vả giữ được mức giá 17 USD.
Theo ICT News