Thái Lan, Singapore có 500 cửa hàng ủy quyền Apple, VN chỉ có 15

Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail, quy định khắt khe của Apple và tâm lý ngại mua sắm ở cửa hàng sang trọng của người dùng là nguyên nhân chính.
Hình minh họa
Hình minh họa

Theo báo cáo từ FPT Retail, công ty sở hữu 2 chuỗi cửa hàng FPT Shop và F.Studio, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 15 cửa hàng ủy quyền của Apple (APR - Apple Premium Reseller), trong khi con số này tại Thái Lan là 480, Indonesia là 364, Singapore là 527. 

Thị trường tỷ USD nhưng chỉ 15 cửa hàng ủy quyền Apple

Thị trường iPhone chính hãng chỉ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, men theo đà lớn mạnh của những đại gia bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop. Theo báo cáo của FPT Retail, quy mô thị trường sản phẩm Apple năm 2017 đạt mức 900 triệu USD.

Thai Lan, Singapore co 500 cua hang uy quyen Apple, VN chi co 15 hinh anh 1
Số lượng cửa hàng ủy quyền Apple tại Việt Nam (APR) kém xa so với một số thị trường trong khu vực.

Việt Nam có nhiều đại lý lớn, được ủy quyền bán iPhone, iPad chính hãng như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn Thông A với hàng nghìn shop, là các AAR (Apple Authorised Reseller) nhưng số lượng cửa hàng ủy quyền (APR) lại cực ít. Vì đâu dẫn đến tình trạng này?

"Trước đây, người dùng thường có tâm lý ngại vào các cửa hàng lớn, đặc biệt cửa hàng theo chuẩn Apple thì càng ngại vì sợ giá cao", bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng Giám đốc FPT Retail cho hay.

Một nguyên nhân khác được chỉ ra, theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail, là yêu cầu từ phía Apple rất khắt khe, dẫn đến việc mở một cửa hàng không hề dễ dàng.

"Nếu bạn để ý tại các thị trường khác, cửa hàng chuẩn Apple đều phải làm trên các con phố lớn, nhưng không được gần Triumpth bán đồ lót, không được gần McDonald bán đồ ăn nhanh. Việc chọn vị trí không hề dễ dàng", ông này nói.

Những cửa hàng này cũng phải được trang trí nội thất theo đúng tiêu chuẩn của Apple. Khi địa điểm được duyệt, đích thân Apple sẽ trang trí nội thất cho các cửa hàng cũng như đào tạo nhân viên. 

Tuy nhiên, với quy mô lên đến 1 tỷ USD trong năm nay, Việt Nam rõ ràng là thị trường tiềm năng của Apple và mọi chuyện sẽ sớm thay đổi.

Apple sẽ mạnh tay loại bỏ cửa hàng treo logo táo khuyết không phép

Một ví dụ để thấy Apple đang hết sức lắng nghe những động thái của thị trường Việt Nam. Theo ông Việt Anh, trước đây Apple yêu cầu toàn bộ cửa hàng ủy quyền của họ tại Việt Nam phải được đặt trong các trung tâm mua sắm (shopping mall), học theo Thái Lan. Tuy nhiên, trước ý kiến tư vấn của người Việt, Apple đã chấp thuận việc đặt cửa hàng trên các trục phố chính.

"Chúng tôi đã phải nói chuyện trực tiếp với Apple. Tại Thái Lan, mọi người đi ra đường là đặt chân vào trung tâm mua sắm trong khi người Việt Nam 'sống ngoài đường'. Họ có thể vào trung tâm mua sắm nhưng chỉ để ngắm hoặc ăn uống nhiều hơn", ông Việt Anh chia sẻ. 

Ông này cũng khẳng định Apple sẽ mạnh tay hơn nữa trong việc loại bỏ logo táo khuyết từ các cửa hàng không được cấp phép trong năm sau: "Đi dọc con đường như Thái Hà, Hà Nội hiện vẫn còn có rất nhiều cửa hàng treo logo trái táo. Nhưng trong thời gian tới đây, Apple sẽ có chính sách quyết liệt hơn để xử lý tình trạng bừa bãi này nhằm bảo vệ thương hiệu, giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn".

Thực tế hồi đầu năm, Apple đã gửi công văn yêu cầu một số cửa hàng tại TP.HCM tháo bỏ logo táo khuyết hồi tháng 4. Động thái này từng làm xôn xao dư luận giai đoạn đầu năm nhưng sau đó chìm dần vì Apple chưa tỏ ra quyết liệt.

iPhone xách tay, khóa mạng lâm nguy

Theo thống kê của một nhà bán lẻ lớn vào năm ngoái, tỷ lệ iPhone xách tay so với chính hãng bán ra thị trường là khoảng 50/50 thì năm nay, tỉ lệ này giảm xuống còn 40/60. 

Với iPhone khóa mạng, Apple cũng liên tiếp 2 lần khóa các loại SIM ghép mới do Trung Quốc sản xuất vào tháng 10 và tháng 11 khiến thị trường iPhone khóa mạng thực sự lao đao. 

Thai Lan, Singapore co 500 cua hang uy quyen Apple, VN chi co 15 hinh anh 3
Quy mô thị trường thiết bị Apple tại Việt Nam.

"Người dùng chọn máy xách tay vì không biết mua máy chính hãng ở đâu hoặc máy về nước sớm hơn, hoặc giá rẻ hơn. Tất cả điều này đều được giải quyết thời điểm hiện tại", bà Nguyễn Bạch Điệp nói.

Nhấn mạnh yếu tố giá, bà Điệp tin rằng khác biệt về giá giữa iPhone chính hãng và xách tay hiện chủ yếu nằm ở 10% thuế VAT. Thực tế, các cửa hàng xách tay muốn đưa máy về nước cũng phải chịu nhiều loại chi phí và mất khoảng 5% giá trị sản phẩm nên khác biệt không thực sự lớn.

Trong tương lai gần, số lượng đại lý ủy quyền và cửa hàng ủy quyền của Apple đều tăng lên, số phận của iPhone xách tay rõ ràng không sáng sủa. Cụ thể, FPT Retail vừa công bố kế hoạch mở thêm 100 cửa hàng FPT Shop mỗi năm (hiện đã có 450 cửa hàng) hoặc mở 100 cửa hàng ủy quyền Apple (F Studio) trong 3 năm tới. Thế Giới Di Động cũng sở hữu hàng nghìn điểm bán iPhone chính hãng.

2 hệ thống này hiện chiếm 80% lượng sản phẩm Apple chính hãng bán ra tại Việt Nam.

Theo Zing
https://news.zing.vn/thai-lan-singapore-co-500-cua-hang-uy-quyen-apple-vn-chi-co-15-post802500.html