Dẫn đề hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) bắt đầu bằng việc, nhắc lại cảm xúc tại BizTalk 2017.
Rõ ràng là một năm trước, đầu năm 2017, khi bàn về triển vọng kinh tế 2017, các chuyên gia và nhiều thành viên thị trường đều tỏ ra rất bi quan. Chúng ta bước vào năm 2017 với một xuất phát điểm thấp và đầy rẫy những thách thức: thảm họa môi trường ở miền Trung do Formosa gây ra chưa khắc phục được; nhiều tình hình mới trên thế giới diễn biến phức tạp, Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ; sự lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ; biến cố Brexit…
Đúng như chia sẻ của GS. Mại, bản thân người viết vẫn nhớ rằng, tại hội thảo vào đầu năm ngoái, TS. Võ Trí Thành – người điều phối BizTalk 2017 – đã bắt đầu phiên thảo luận bằng một bình luận rất vui về chủ đề của BizTalk năm đó, là “Làm ăn gì năm 2017?”. “Rất may là ban tổ chức đã đặt dấu hỏi (?), chứ nếu đặt dấu chấm than (!) thì gay. Làm ăn gì năm 2017!”, một câu nói vui của ông Thành nhưng lại phác họa rất rõ về bối cảnh kinh tế đất nước cách đây một năm.
Trên tư cách người đứng đầu VAFIE, ông Mại nhắc lại về kết quả ấn tượng của hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Năm vừa rồi, trong số 35 tỷ USD vốn đăng ký thì có 6 tỷ USD là nhằm vào các thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập). Năm 2016 chỉ có gần 4 tỷ USD, chắc chắn 2018 còn nhiều hơn”, Chủ tịch VAFIE dự báo.
Tuy nhiên, theo vị TSKH, nguyên là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì khi bàn đến năm 2018, không nên chỉ nói về cơ hội mà cần bàn cả đến các thách thức. “Trong 23 tỷ USD đăng ký mới thì có tới 7 tỷ USD (30%) là liên quan đến phát triển và xây dựng các nhà máy nhiệt điện than”, theo ông Mại, đây là vấn đề không hề nhỏ, mâu thuẫn với định hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh của đất nước.
“Nhìn vào đầu năm có rất nhiều chuyện liên quan đến chính trị, khủng bố nên không ai có thể dự báo được diễn biến thị trường nên khi hội nhập sâu rộng vào thế giới cần tăng cường năng lực phản ứng, để đủ sức để đối phó với bất kỳ tình huống nào. Do đó, tôi đồng tình với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi cho rằng, dù chúng ta cố gắng rất nhiều nhưng GDP đầu người năm 2017 ở mức 2.380 USD/người vẫn là chưa cao”, GS. TSKH Nguyễn Mại nêu quan điểm.
Đừng gọi là “kỳ tích năm 2017”, vẫn chỉ là phục hồi mà thôi!
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năm ngoái rất lạ lùng, các con số của chúng ta đều đạt ở mức kỷ lục 8 – 9 năm trở lại đây. “Vì thế mà cho nên, khi chuẩn bị cho hội thảo này, tôi đi tìm hiểu thì thấy rất nhiều báo dùng từ kỳ tích. Kỳ tích 2017!”.
“Tôi cho rằng dùng từ “kỳ tích” hơi loạn. Một hai tờ có thể hiểu được, nhưng hình như báo nào cũng dùng từ kỳ tích. Đến cái mức mà tôi nghĩ rằng, dường như chúng ta say sưa vì thắng lợi. Nó có cái gì kỳ tích vĩ đại ở đây, có cái gì ghê gớm đâu”, ông Thiên bình luận bằng một ngữ điệu và sắc thái thẳng thắn và rõ ràng.
Ghi nhận những nỗ lực và kết quả đầy bất ngờ mà nền kinh tế đất nước đã đạt được, đặc biệt là xét trong xuất phát điểm và nhiều thách thức của đầu năm 2017, song TS. Thiên khuyến nghị, khi đánh giá về nền kinh tế thì ta nên đánh giá thật bình tĩnh. “Cứ lâng lâng thế này thì không biết tết năm nay ăn uống thế nào đây”, vị chuyên gia dí dỏm. Gọi thành tựu kinh tế 2017 là kỳ tích, ông Thiên cho rằng, đó là cách bình luận quá mức cần thiết. “Có gì mà kỳ tích. Tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xuất nhập khẩu… bên trong nó có đầy vấn đề mà chúng ta phải mổ xẻ”.
TS. Thiên nhấn mạnh rằng, ông nói như thế không có nghĩa là phủ nhận các thành quả đã đạt được. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện là một trong các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tỏ ra ấn tượng với những thay đổi của Chính phủ. “Chính phủ đã thực sự thay đổi để tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Động thái từ phía Chính phủ là rất mạnh, rất thực tế. Dù tại cuộc họp cuối năm, Thủ tướng nói rằng bên dưới vẫn lạnh nhưng tôi thấy là bên dưới đã nóng dần lên”.
Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự “đổi vai” giữa hai khu vực kinh tế, tư nhân và nhà nước. TS. Thiên đánh giá, khu vực kinh tế tư nhân đã khẳng định được mình, thay thế và khỏa lấp được cho thực trạng giải ngân thấp của khu vực vốn đầu tư công. Thậm chí, ở nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương, đóng góp của khu vực tư nhân đã thể hiện vai trò quyết định.
Từ các phân tích, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đưa ra góc nhìn lạc quan nhưng điềm đạm: “Dường như nền kinh tế xác lập được động thái tăng trưởng mới”.
Dự báo tăng trưởng của 2018, TS. Trần Đình Thiên đánh giá, nếu chỉ dựa trên yếu tố vốn, triển vọng tăng trưởng năm 2018 chắc chắn sẽ rất lạc quan. Tuy nhiên, mục tiêu lạc quan nhưng cấu trúc chưa thay đổi.
“Năm 2018 bùng nổ, có thể là năm xoay chuyển. Nhưng năm nay có thể là năm gây ra bong bóng. Cách đây 10 năm, tình thế cũng vậy. Sau khi gia nhập WTO chúng ta bùng nổ FDI, sau đó là chúng ta bùng nổ thị trường chứng khoán, tâm lý thị trường hưng phấn đã tạo nên bong bóng. Năm nay cũng không khác gì: bùng nổ FDI, bùng nổ thị trường chứng khoán, tâm lý đầu tư rất hưng phấn”, ông Thiên cảnh báo. Đồng thời đánh giá là so với 10 năm trước, chúng ta đã có những cơ sở để kiểm soát nguy cơ bong bóng: (1) Chúng ta có kinh nghiệm; (2) Mức độ đầu tư công hiện còn khá từ tốn.
Giữ quan điểm thận trọng, thậm chí còn hơn của TS. Trần Đình Thiên, TS. Võ Trí Thành – nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) – cho rằng kết quả tăng trưởng năm 2017 chỉ là “phục hồi tốt hơn chứ không phải là tăng trưởng có tính lâu dài”.
Theo ông Thành, một đất nước với thu nhập còn thấp như hiện nay mà chỉ tăng trưởng 6.81% thì chưa đáng để vỗ tay.
“Bởi theo báo cáo 2035, thì để đến năm 2035, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam bằng thu nhập bình quân đầu người của Malaysia hiện nay, thì tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam từ nay đến 2035 phải duy trì ở mức từ 6, 5 – 7%/năm. Có nghĩa tốc độ tăng trưởng hiện tại phải đạt khoảng trên 7 đến 7,5%/năm”, TS. Võ Trí Thành lập luận nhanh.
“Vậy năm 2017 tăng trưởng 6,81% thì có gì. Vẫn chỉ là phục hồi mà thôi!”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Con số tăng trưởng 6,81% có đáng tin?
Có mặt tại BizTalk 2018, ông Đặng Huy Đông – người vừa rời ghế Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đã phản biện về những luận điểm của TS. Trần Đình Thiên.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung làm rõ phân vân của các diễn giả và nhiều công chúng về tính chính xác của con số tăng trưởng 6,81%, mà Tổng cục Thống kê đã đưa ra.
“Với tư cách cá nhân, bằng nhận thức của mình, tôi khẳng định đây là kết quả phản ánh đúng nỗ lực phấn đấu của tất cả các thành viên tham gia từ lập chính sách đến cộng đồng doanh nghiệp”, ông Đông nêu quan điểm.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, những lần gặp Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và chứng kiến các chuyên viên thực hiện, ông khẳng định các công thức này chuẩn xác, không cần hoài nghi.
“Phần còn lại là số liệu đầu vào có chuẩn hay không”, ông Đông nói. Ví dụ như số liệu ở các bộ ngành địa phương đưa lên có mức chính xác như thế nào, có thể ảnh hưởng phần nào. “Nhưng tôi thấy con số địa phương cũng khá sát. Ví dụ như Hà Nội - khu vực đầu tàu có mức tăng trưởng trên 7% là con số khá chính xác”.
Nền kinh tế có động lực lớn do bộ máy chính trị từ Đảng, Nhà nước cho đến Chính phủ đều đã và đang thực hiện đúng những cam kết của mình, trong đó cam kết quan trọng là xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạch, minh bạch chống tham nhũng.
Từ đó, ông Đông cho đánh giá, động lực lớn nhất cho tăng trưởng hiện nay “là đến từ niềm tin”.
“Tất nhiên còn rất nhiều việc phải làm. Một mặt tôi cũng chấp nhận cảnh báo là không nên “ru ngủ”. Nhưng khi các con số thống kê là xác thực thì ta phải tự tin để tiếp tục. Theo tôi ta nên đặt tiếp vấn đề là nhìn ở góc độ doanh nghiệp thì nên lường trước các rủi ro như thế nào trong hoàn cảnh sắp tới”, vị nguyên Thứ trưởng nói./.