Taxi Uber, Grab “ngoài vòng pháp luật”, phớt lờ quy định niêm yết logo và số điện thoại?
Ánh Dương
VietTimes -- Tài xế Uber, Grab cho biết tuy "có nghe" hoặc "có biết" về việc phải niêm yết tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe của Bộ GTVT nhưng đa phần họ không nhận được thông tin phổ biến hay yêu cầu từ hãng. Hiện, đa số các xe taxi công nghệ vẫn đang hoạt động kiểu "ngoài vòng pháp luật".
Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được bắt đầu từ Đề án thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT (Đề án 24) ngày 07/01/2016 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Đề án này được đánh giá là kết quả không thể tránh khỏi trong xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống hiện nay.
Trao đổi về đề án này với VietTimes, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định là đề án rất chặt chẽ, "rất tốt và rất khôn".
"Khôn ở chỗ, "thí điểm" là làm thử, làm thử để rút kinh nghiệm, để có thể đề ra chính sách quản lý tốt nhất nên không cần đánh giá thành công hay thất bại, mà chỉ cần rút ra được kinh nghiệm quản lý hiệu quả nhất.", ông Liên cho biết.
Tuy nhiên, về mặt xã hội, thí điểm Đề án 24 cũng đã gây ra nhiều vấn đề, nhất là vấn đề cạnh tranh, mà theo đánh giá của người trong ngành và giới chuyên gia là không bình đẳng với các hãng taxi chính thống theo mô hình cũ.
Cụ thể, taxi theo mô hình cũ, hoạt động theo hình thức truyền thống (taxi truyền thống), theo quy định phải đeo mào, phải niêm yết giá, niêm yết tên hãng, số điện thoại... hai bên thành xe để phân biệt với ô tô thường. Ngoài ra, taxi truyền thống còn bị cấm vào một số tuyến phố vào giờ nhất định.
Trong khi đó, hiện xe taxi công nghệ, mà điển hình là Grab, Uber, không tuân thủ các quy định trên, dù trong Đề án 24, Bộ GTVT đã quy định rõ về việc niêm yết hãng xe, số điện thoại...
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc tuân thủ các quy định này, nhiều tài xế cho biết "có nghe" hoặc "có biết" nhưng không thấy hãng phổ biến hay yêu cầu gì về vấn đề này.
Các taxi công nghệ đều không niêm yết số điện thoại của đơn vị kinh doanh ở hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe. Ảnh: Một xe tuân thủ việc dán logo Grab tại phía trên, bên trái của kính trước nhưng không niêm yết thông tin hãng.
Tài xế Grab Nguyễn Đoàn Cần, lái xe Kia Morning chạy cho Grab hơn nửa năm cho biết, anh không hề được hãng phổ biến về quy định này của Bộ GTVT.
Theo khảo sát nhanh của VietTimes sau rất nhiều cuốc di chuyển bằng taxi công nghệ tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 40% xe của Grab không dán logo, 100% xe Uber không thực hiện dán logo, tất cả các xe công nghệ đều không niêm yết thông tin hãng ở hai bên thân xe.
Cùng nhận định với anh Cần, tài xế Đình Mạnh, có thâm niên gần 1 năm chạy cho Uber cũng cho biết, anh biết việc yêu cầu phải dán logo và niêm yết. Nhưng do hãng không yêu cầu và không phổ biến nên anh không biết Bộ có các yêu cầu này.
Thông tin thêm, anh Mạnh cho biết anh thuê chiếc xe này với giá 10 triệu đồng/tháng để chạy toàn thời gian cho Uber. Tuy nhiên, ngoài Uber, anh vẫn đăng ký chạy thêm cho Grab để kiếm thêm thu nhập.
Xe taxi Grab có dán logo kèm niêm yết bảng Xe hợp đồng truyền thống.
Tuy nhiên, vẫn có tài xế cho biết đã biết vấn đề trên và tự động dán logo mà không cần yêu cầu từ hãng. Xe Huyndai Grand i10 của tài xế Uber Văn Hợp có dán logo, nhưng lại là logo Grab và không hề niêm yết thông tin hãng và giá cước hai bên thành xe.
Giải thích tình trạng này, anh Hợp cho biết, chưa nghe phải niêm yết hãng với cước phí hai bên thành xe nên không triển khai. Còn dán logo thì rất dễ. Tuy nhiên, anh có băn khoăn khi dán chung với các logo niêm yết của Bộ GTVT yêu cầu thì rất khó có thể phân biệt rõ ràng đâu là logo xe công nghệ.
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết logo xe công nghệ đều là logo của Grab, và không có logo của Uber. Hay nói cách khác, Uber không có logo riêng của mình. Ngoài ra, có xe chạy cho Grab, Uber nhưng logo lại là logo của Hợp tác xã vận tải.
Điền hình như tài xế GrabTrần Văn Thành chạy xe Huyndai Grand i5 khẳng định là có niêm yết logo và bảng xe hợp đồng. Nhưng bảng xe hợp đồng chỉ là bảng xe hợp đồng giấy và logo là logo của HTX taxi.
Thực tế, quy định phải niêm yết tên hãng, giá cước hai bênh thành xe của Bộ GTVT hiện chưa được hãng xe taxi công nghệ thực hiện nghiêm túc.
Trên xe của tài xế Grab Trần Văn Thành luôn có bảng ghi rõ “Xe hợp đồng”, nhưng phần lớn thời gian hoạt động, bảng xe hợp đồng lại nằm trong ca táp của xe. Rất ít xe dán nhãn xe hợp đồng ngay trên kính chắn trước như yêu cầu của Bộ GTVT.
Một xe của hãng Taxi Quê Lụa "tranh thủ" hoạt động thêm hình thức GrabTaxi.
Còn nhớ, trước Đề án thí điểm theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT (Đề án 24) ngày 07/01/2016 của Bộ GTVT, từ năm 2014, ở Việt Nam đã xuất hiện một số ứng dụng phần mềm hỗ trợ việc kết nối giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hành khách như: GrabTaxi, LiveTaxi, Taxi Chiều Về, Uber, AdTOS, iMove...
Theo Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên, hiện tượng này cũng bộc lộ một số bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Điển hình như có trường hợp phần mềm hỗ trợ kết nối được cung cấp bởi tổ chức thành lập và đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, nhưng cũng có trường hợp phần mềm hỗ trợ kết nối được cung cấp bởi một tổ chức nước ngoài, không đăng ký hoạt động ở Việt Nam; phần mềm hỗ trợ kết nối chủ yếu được ứng dụng cho loại hình vận tải hành khách bằng xe taxi và hợp đồng, nhưng cá biệt vẫn có trường hợp xe chưa được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” cũng sử dụng phần mềm hỗ trợ kết nối để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách...
Đại đa số xe taxi công nghệ phớt lờ việc dán logo, công khai số điện thoại.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, từ khi xuất hiện mô hình này, số lượng xe vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi tăng đột biến, dẫn đến mất quy hoạch về số lượng xe tại các địa phương và gây áp lực lên giao thông đô thị.
Trong bối cảnh như vậy, Bộ GTVT buộc phải có công văn đến Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm triển khai mô hình khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành vận tải, đặc biệt là sàn giao dịch vận tải.
Ngoài ra, thí điểm đề án cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chính Bộ GTVT để có thể quản lý được số lượng xe cũng như các doanh nghiệp này, từ đó rút kinh nghiệm để có cơ chế quản lý tốt hơn.
Ngày 10/1/2018, Sở GTVT Hà Nội đã cắm các biển cấm xe vận tải hợp đồng dưới 9 chỗ, tương tự như việc cấp taxi truyền thống tại 13 tuyến phố.
13 tuyến phố được cắm biển cấm gồm: Hoàng Hoa Thám, Mai Xuân Thưởng, Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh, Khâm Thiên, cầu Chương Dương (chiều Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật), Hàng Bài, Phủ Doãn, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Giải Phóng.
Kể từ ngày 11/1, các xe vận tải hợp đồng dưới 9 chỗ nếu đi vào các tuyến nãy sẽ bị nhắc nhở, sau 10 ngày, đến ngày 21/1 sẽ chính thức xử phạt các xe vi phạm.
Tuy nhiên, việc cắm biển này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của người dân cũng như tài xế.