Giảm cước vận tải theo giảm giá xăng dầu
Ngay sau khi Bộ Tài chính có công văn yêu cầu rà soát, cập nhật giá cước vận tải, nhiều biện pháp được các Sở Tài chính phối hợp với Sở GTVT đồng loạt đưa ra nhằm “thúc” các DN vận tải hành khách tuyến cố định, taxi, vận tải hàng hóa... giảm giá cước bảo đảm phù hợp với bối cảnh giá nhiên liệu liên tục giảm.
Bà Vương Thu Hằng, Trưởng ban Giá (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, tính tới 12/1, đơn vị này đã nhận được hồ sơ kê khai giá 15 doanh nghiêp trong lĩnh vực dịch vụ vận tải. Trong đó có 5 hãng taxi và 6 DN kinh doanh vận chuyển hành khách tuyến cố định đã giảm giá. Số còn lại kê khai giữ nguyên giá. Ngoài ra, Sở Tài chính nhận được 14 công văn của các doanh nghiệp vận tải đề nghị được giữ nguyên giá cước đã kê khai với lý do các DN phải rà soát lại các chi phí, lên phương án in vé, thay bảng niêm yết giá, kẹp chì đồng hồ… do các lần điều chỉnh giảm, mức giảm thấp nên các doanh nghiệp vẫn đợi diễn biến các lần giảm tiếp theo.
Giá cước taxi tại Hà Nội đã giảm sâu
“Để khỏi mất công giảm nhỏ giọt, tốn kém chi phí, mỗi lần giảm cước chúng tôi đều đã giảm sâu. Vào tháng 1/2015, khi xăng ở mức giá 15.677 đồng/lít, các hãng taxi Hà Nội hạ giá cước xuống 11 nghìn đồng/km. Sau đó, giá xăng tăng nhiều lần và cước taxi tăng lên 12 nghìn đồng/km khi giá xăng lên 21 nghìn đồng/lít. Khi giá xăng xuống gần 17 nghìn đồng/lít, cước taxi giảm còn 11 nghìn đồng/km và giữ nguyên đến nay”.
Chia sẻ với PV, một nhân viên quản lý đội xe Việt Nam taxi cho biết: “Trong hoàn cảnh giá nhiên liệu giảm, chủ trương bình ổn thị trường Tết, giảm giá cước là việc mà các DN buộc phải làm. Chủ trương chung là vậy, hãng muốn cạnh tranh thì bắt buộc phải giảm. Dự kiến trong ngày một ngày hai, chúng tôi sẽ báo cáo kê khai giảm giá lên Sở Tài chính”.
Anh Hồng Minh, đại diện taxi Nguyên Minh cho biết, hãng đã thực hiện giảm giá cước từ 11.200 đồng/km xuống 10.800 đồng/km. Nhiên liệu xăng chiếm khoảng 30 - 35% giá thành, ngoài ra còn những khoản khác như chi phí bến bãi, vật tư, bảo hiểm, lương tối thiểu... đặc biệt phí cầu đường trong năm 2015, đều tăng lên. “Giảm giá cước, hoạt động kinh doanh chắc chắn bị ảnh hưởng; Tuy nhiên lúc này DN muốn chia sẻ vì lợi ích chung của xã hội”, anh Minh chia sẻ.
Theo ông Hoàng Quốc Dũng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Taxi Mai Linh Quảng Bình, từ đầu năm 2015 đến nay, Công ty đã thực hiện 4 lần giảm giá cước. “Các đợt giảm giá cước đều được DN thực hiện ngay sau khi giá xăng dầu trong nước có biên độ giảm phù hợp. Tuy nhiên, việc thay đổi giá cước cũng phải đảm bảo mức điều chỉnh giá từ 500 - 1.000 đồng/km thì đơn vị mới có thể tiến hành được”, ông Dũng cho biết.
Sau 4 lần giảm giá cước, hiện nay giá cước taxi loại xe 7 chỗ là 14.900 đồng/km (giảm 12% so với đầu năm 2015), giá dòng xe 4 chỗ cũng giảm từ 12.900 còn 9.900 đồng/km (tương đương giảm 23,2%). “So với mức giá của một số hãng taxi đang hoạt động tại Quảng Bình và khu vực lân cận, lần giảm giá này của taxi Mai Linh Quảng Bình đã đưa mức giá cước taxi xuống khá sâu, thấp hơn mặt bằng chung khoảng 500 đồng/km”, ông Dũng nói.
Tại TP HCM, Sở GTVT cho biết, hiện có 8 doanh nghiệp taxi đã giảm giá cước trước ngày 9/1. Theo đó, những hãng taxi giảm giá bao gồm: Mai Linh giảm 300 đồng/km cho tất cả các loại xe, Happy taxi cũng giảm 500 đồng/km áp dụng từ ngày 12/1. Bên cạnh đó, một số hãng khác như: Hoàng Long, Vinasun, Vinataxi, taxi Bến Thành... cũng đã gửi hồ sơ Sở Tài chính để kê khai giảm giá cước. Mức bình quân các hãng này giảm giá từ 300 - 500 đồng/km.
Giá cước taxi ở Hà Nội hiện thấp nhất cả nước - Ảnh: K.Linh
Không giảm giá, phải viết giải trình
Dự kiến hôm nay (14/1), Sở GTVT TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Sở Tài chính tiến hành kiểm tra những đơn vị taxi chưa chịu giảm giá cước. Tương tự, Sở Tài chính Hà Nội cũng đang phối hợp với Sở GTVT và các ngành tổ chức kiểm tra các DN không thực hiện việc rà soát, kê khai lại giá để xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, bản chất DN taxi cũng có thể thay đổi giá mỗi lần điều chỉnh giá xăng, tuy nhiên thủ tục rất phức tạp và tốn kém chi phí. “Mỗi lần điều chỉnh giá, doanh nghiệp phải làm nhiều thủ tục như đăng ký giá cước mới, dừng xe điều chỉnh giá cước, kiểm định, in lại giá cước, thông báo cho khách hàng... tổng chi phí ít nhất cũng phải 500 nghìn đồng/đầu xe. Như vậy, đơn vị mất khoảng 100 triệu đồng cho khoảng 200 đầu xe mỗi lần điều chỉnh giá”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM kiêm Giám đốc hãng taxi Vinasun cho biết, riêng hãng taxi Vinasun sẽ điều chỉnh giảm 500 đồng/km trong vài ngày tới cho tất cả các loại xe. Hiệp hội đã yêu cầu các hãng taxi viết giải trình vì sao chưa nộp phương án giảm giá cước trước ngày 9/1 theo đề nghị của Sở Tài chính; doanh nghiệp taxi nào chưa giảm giá thì phải nộp phạt theo quy định. Ông Hỷ nhận định: “Sở dĩ một số doanh nghiệp taxi vẫn chưa giảm giá cước theo xăng dầu là do nhiều đơn vị chưa cân đối được giá nhiên liệu, giá nhân công sau khi đã tính toán tất cả các chi phí”.
Theo Giao Thông