Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 13 tháng 2 dẫn báo chí quốc tế gần đây cho rằng tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc hiện đã chế tạo thành hình, có thể đặt tên là Sơn Đông, nhưng chưa được xác nhận chính thức.
Tàu này đã tiếp thu kinh nghiệm ứng dụng và huấn luyện thực tế của tàu sân bay Liêu Ninh, tiến hành cải tiến nhất định cho phù hợp, trong tương lai sức chiến đấu có thể cao hơn tàu sân bay Liêu Ninh.
Chẳng hạn, tàu Sơn Đông lắp một tầng cầu tàu, đẩy lùi cầu tàu về sau, có lợi cho cất hạ cánh máy bay và sử dụng máy bay trên đường băng. Đảo tàu chặt chẽ hơn, có thể bảo đảm tốt hơn an toàn cất hạ cánh máy bay chiến đấu và nâng cao hiệu quả vận hành của đường băng.
Tàu này chú trọng hơn đến bố trí khoa học khoang thiết bị và khoang ăn ở, các thiết bị điện tử như công nghệ radar, thiết bị đối kháng điện tử, công nghệ thông tin tiên tiến cũng được cải thiện.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Từ Quang Dụ cho rằng, đảo tàu nhỏ hơn có nghĩa là tỷ lệ sử dụng đường băng được cải thiện. Điều này rất quan trọng, có liên quan trực tiếp đến hiệu quả tác chiến của tàu sân bay, bởi vì phần lớn các hoạt động như cất hạ cánh, lắp đạn, tra dầu và sửa chữa của máy bay đều hoàn thành trên đường băng.
Đảo tàu thu nhỏ không chỉ là vấn đề thiết kế đơn giản, mà còn thể hiện trình độ công nghệ. Có thể thu nhỏ đảo tàu cho thấy tàu sân bay Trung Quốc đã có tiến bộ về máy móc ở đảo tàu, thiết kế tích hợp hệ thống điện tử và về chế tạo.
Về khả năng tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc triển khai ở Biển Đông, chuyên gia quân sự Từ Quang Dụ cho rằng diện tích Biển Đông lên tới 3,5 triệu km2, lớn hơn nhiều biển Hoa Đông và biển Hoàng Hải, độ sâu lớn hơn, cần tàu sân bay thường xuyên tuần tra.
Từ Quang Dụ tuyên truyền rằng, Trung Quốc nếu duy trì lực lượng quân sự tương đối mạnh ở Biển Đông, chắc chắn sẽ trở thành lực lượng bảo đảm "hòa bình, ổn định" của Biển Đông.
Khi đề cập đến các điều kiện của cảng chính tàu sân bay, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng cảng chính tàu sân bay là căn cứ quan trọng để tàu sân bay được bảo vệ và nghỉ ngơi, đồng thời có thể tiến hành bảo trì và bảo đảm.
Hiện nay, Trung Quốc đã có một cảng tàu sân bay như vậy ở Thanh Đảo. Sau khi đi vào hoạt động, tàu sân bay mới của Trung Quốc rất có thể sẽ sử dụng chung cảng chính với tàu sân bay Liêu Ninh.
Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc chỉ dựa vào một cảng chính tàu sân bay thì không đủ, chắc chắn cần nhiều cảng chính hơn để cung cấp bảo đảm cho tàu sân bay.
Chuyên gia quân sự Từ Quang Dụ cho rằng, cảng chính tàu sân bay cần có các khả năng cơ bản như neo đậu, tiếp tế và sửa chữa, bảo dưỡng.
Trung Quốc có vùng biển rộng lớn và tuyến đường bờ biển dài, chỉ dựa vào một cảng chính chắc chắn không thể đáp ứng nhu cầu an toàn, có 2 - 3 cảng chính cũng không phải là nhiều.
Từ Quang Dụ nhấn mạnh: "Ngoài ra, tàu sân bay cần có khả năng chiến đấu thực tế, ít nhất có thể tuần tra toàn cầu". Trung Quốc sẽ không thực hiện chủ nghĩa “bá quyền”, thực hiện “can thiệp” toàn cầu như Mỹ, nhưng cũng cần loại khả năng này.