Tập trung vào các tổ chức tài chính quan trọng trong hệ thống

LTS: Nhân việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 36, trong đó có nội dung liên quan đến việc giám sát tín dụng bất động sản, Tòa soạn xin giới thiệu bài viết của TS. Lê Hồng Giang về xu hướng giám sát hệ thống tài chính của các ngân hàng trung ương tiên tiến trên thế giới, qua đó soi chiếu với cách tiếp cận của NHNN hiện nay.
Ảnh minh họa: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ảnh minh họa: Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Xu hướng giám sát hệ thống tài chính của các ngân hàng trung ương tiên tiến là hướng đến một số biện pháp vĩ mô nhưng tập trung vào một số tổ chức tài chính lớn, có tính quan trọng trong hệ thống, mà chỉ một trong số đó đổ vỡ thì mới có thể gây ra phản ứng dây chuyền (SII) chứ không dàn trải.

Những thay đổi của các ngân hàng trung ương trên thế giới

Ngân hàng trung ương truyền thống có hai nhiệm vụ chính: điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và đảm bảo an toàn/ổn định cho hệ thống tài chính.

Mặc dù sách giáo khoa kinh tế thường nói chính sách tiền tệ được thực hiện thông qua việc thay đổi (tốc độ) cung tiền cho nền kinh tế, trên thực tế hầu hết ngân hàng trung ương đều sử dụng công cụ lãi suất (và tỷ giá) bằng cách bơm/rút thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng (qua thị trường mở - OMO) hay các mệnh lệnh hành chính ấn định trần/sàn của lãi suất/tỷ giá hoặc tăng trưởng tín dụng. Nới lỏng định lượng (QE) là một công cụ mới được Nhật Bản sử dụng hơn chục năm nay và nhiều nước phát triển đã học tập sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 vừa rồi.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính, các ngân hàng trung ương có hai công cụ truyền thống. Thứ nhất là thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng cho các tổ chức tài chính. Trước đây chủ yếu thông qua cho vay tái chiết khấu (discount window/refinancing loans), sau cuộc khủng hoảng vừa rồi một số công cụ mới xuất hiện xoay quanh nguyên tắc hoán đổi một loại tài sản có nào đó của ngân hàng lấy thanh khoản (asset swaps).

Công cụ thứ hai quan trọng hơn và ngày càng được mở rộng là hoạt động giám sát tính cẩn trọng (prudential supervision) của hệ thống ngân hàng. Đã có nhiều nỗ lực quốc tế nhằm thống nhất và chuẩn hóa các quy định giám sát này, cụ thể là các nguyên tắc an toàn vốn do Basel Committee đưa ra và được các tổ chức quốc tế như BIS, IMF, OECD khuyến cáo/yêu cầu các quốc gia áp dụng. Nhiều thước đo an toàn khác như tỷ lệ dự trữ tối thiểu (RRR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, tỷ lệ cổ phiếu sở hữu chéo... cũng nằm trong nhóm công cụ thứ hai này.

Hướng đi của NHNN Việt Nam qua Thông tư 06

Thay vì coi tín dụng bất động sản là một rủi ro lớn nên phải áp hệ số rủi ro lên đến 200%, NHNN cần xác định đâu là những điểm yếu trong toàn hệ thống và có biện pháp xử lý chúng.

Hiện tại NHNN đang hướng tới việc áp dụng chuẩn Basel II cho hệ thống ngân hàng Việt Nam mà một trong những nguyên tắc chính là giám sát tỷ lệ vốn tối thiểu (CAR) dựa trên mức độ rủi ro của các loại tài sản có của các ngân hàng. Thông tư 06 của NHNN ngày 27-5-2016 vừa rồi (sửa Thông tư 36 theo hướng tăng hệ số rủi ro cho các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%), thoạt nhìn cũng liên quan đến công cụ thứ hai của NHNN trong khuôn khổ Basel II, nhưng về bản chất không phải vậy.

Thực chất tăng hệ số rủi ro của bất kỳ một tài sản có nào lên trên 100% là không cần thiết cho mục tiêu an toàn mà là một hình thức can thiệp vào cấu thành bản cân đối tài sản của các ngân hàng, dù gián tiếp có ảnh hưởng đến mức độ an toàn hệ thống nhưng hiện tại được liệt kê vào một nhóm công cụ thứ ba mà tôi sẽ bàn thêm bên dưới.

Khuyến cáo của BIS cho các nước sử dụng hệ số rủi ro cho vay nhà ở khi tính CAR khoảng 35%, thậm chí một số phân tích gần đây còn gợi ý có thể giảm xuống 25%. Ngay cả ở Úc, nơi hầu hết các nhà kinh tế cho rằng giá bất động sản bị bong bóng nhiều năm nay và có khả năng sụp đổ, cơ quan giám sát tài chính (APRA) cũng chỉ khuyến cáo các ngân hàng sử dụng hệ số 35% và không bắt buộc. Đối với bất động sản thương mại hoặc các khoản cho vay liên quan đến các dự án bất động sản có rất ít hoặc không có thế chấp, hệ số rủi ro có thể từ 75-100%.

Sở dĩ hệ số rủi ro tối đa là 100% vì thực ra con số này chỉ là tương đối, số vốn điều lệ cần thiết để làm bộ đệm (cushion) cho rủi ro không thu hồi được nợ còn phải tính đến CAR. Nếu ngân hàng trung ương muốn tăng mức độ an toàn của toàn hệ thống, thì nâng CAR lên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với việc so đo hệ số rủi ro của hàng trăm/hàng ngàn loại tài sản có trên bản cân đối tài chính.

Không nên đánh đồng, cào bằng

Trở lại vấn đề sửa đổi Thông tư 36, ngay cả hệ số rủi ro 150% trước đây cũng đã vượt quá khuôn khổ chống rủi ro của Basel. Không một khoản cho vay nào dù rủi ro đến đâu có thể mất hơn 100% tổng số tiền cho vay.

Có thể hiểu phần vượt trội trên 100% là một loại thuế ngầm đánh lên tín dụng bất động sản nhằm giảm nhiệt tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này mà mấy năm nay luôn cao hơn tốc độ tăng trung bình của tổng tín dụng.

Tuy nhiên, xu hướng giám sát hệ thống tài chính của các ngân hàng trung ương tiên tiến là hướng đến một số biện pháp vĩ mô nhưng tập trung vào một số SII chứ không dàn trải.

Cụ thể trong trường hợp cho vay bất động sản, dư nợ của khu vực này có thể có rủi ro cao nhưng chắc chắn không đồng đều với tất cả các ngân hàng. Hiện tại dư nợ liên quan đến bất động sản của Việt Nam chỉ xấp xỉ trên 10% tổng dư nợ toàn bộ hệ thống, thấp hơn nhiều so với khoảng 60% của Úc hay 30% của Mỹ.

Cho nên, nâng hệ số rủi ro gấp đôi trần 100% nhằm giảm nhiệt của toàn bộ hệ thống chưa chắc đã là tối ưu. Trong khi một số ngân hàng có thể có nợ xấu bất động sản quá cao nên cần kìm hãm, nhiều ngân hàng khác vẫn còn dư địa cho vay một cách an toàn nên sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi một chính sách cứng nhắc. Nền kinh tế và người dân có thể sẽ bị thiệt hại vì thị trường bất động sản không phát triển đúng tiềm năng chỉ vì NHNN không phân biệt được tín dụng tốt với tín dụng xấu.

Tóm lại “đánh thuế ngầm” lên tín dụng bất động sản không nhất thiết là một chính sách sai nhưng có thể NHNN chưa tính toán kỹ. Thay vì coi tín dụng bất động sản là một rủi ro lớn nên phải áp hệ số rủi ro lên đến 200%, NHNN cần xác định đâu là những điểm yếu trong toàn hệ thống và có biện pháp xử lý chúng. Ví dụ NHNN có thể thực hiện việc kiểm tra sức chịu đựng cho một nhóm các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao nhằm tìm ra CAR phù hợp. Cần đặt giám sát cẩn trọng vĩ mô vào đúng vị trí của nó, tránh nhầm lẫn với các chính sách khác, nhất là chính sách tiền tệ.

Tập trung vào SII

Việc điều tiết chính sách giám sát để thay đổi cơ cấu tài sản của bảng cân đối tài sản đã được giới kinh tế tranh luận vài chục năm nay và trở nên nóng lại sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi. Trong Basel III, một phần ý tưởng này đã được đưa vào một cách không chính thức dưới tên gọi giám sát cẩn trọng vĩ mô (macro prudential supervision), có thể coi là một nhóm công cụ thứ ba của ngân hàng trung ương trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn hệ thống. Các hình thức giám sát cẩn trọng truyền thống (CAR, RRR...) được coi là giám sát cẩn trọng vi mô (micro prudential supervision).

Theo đó, ở tầm mức vĩ mô, ngân hàng trung ương giám sát (và điều chỉnh) những chỉ số vĩ mô của toàn bộ hệ thống, ví dụ tốc độ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay bất động sản, tốc độ tăng giá bất động sản/chứng khoán...

Tuy nhiên, quan điểm này không được sự đồng thuận của giới kinh tế học, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng trung ương chỉ nên tập trung vào giám sát cẩn trọng vi mô.

Bởi vậy, Basel III đã đưa ra một điểm mới trong giám sát cẩn trọng vĩ mô là các ngân hàng trung ương khoanh vùng một số tổ chức tài chính lớn mà nếu chỉ một trong số đó đổ vỡ thì mới có thể gây ra phản ứng dây chuyền. Những tổ chức tài chính này được gọi là tổ chức có tính quan trọng hệ thống (systemically important institution - SII) và phải chịu thêm một số chế tài nhất định. Ngoài việc phải duy trì những chỉ số an toàn như CAR cao hơn các tổ chức tài chính khác, SII còn phải thực hiện thêm hai biện pháp chống rủi ro nữa là kiểm tra sức chịu đựng (stress test) và có kế hoạch giải thể dự phòng (living will) nếu lâm vào tình trạng phá sản.

Theo TBKTSG