Trong chương trìnhSự kiện & Bình luậntuần này sẽ đề cập tới một trong những chủ đề được quan tâm nhất thời gian gần đây, đó là phương án tăng lương tối thiểu năm 2016. Chương trình có sự tham gia của 2 khách mời: bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và bà Nguyễn Thị Hải Yến – Chuyên gia tiền lương của tổ chức quốc tế ILO.
Hàng năm, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều họp để đưa ra phương án tăng lương tối thiểu trình Chính phủ. Năm nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần có tới 3 phiên để đưa ra được phương án cuối cùng là tăng 12,4%. Đây cũng là lần thương lượng căng thẳng nhất của Hội đồng Tiền lương Quốc gia kể từ khi thành lập năm 2013 đến nay.
Dù mức tăng lương tối thiểu đã được chốt nhưng điều đó lại chưa thể giúp hạ nhiệt sự căng thẳng giữa các bên. Lý giải về nguyên nhân dẫn tới sự căng thẳng này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động khẳng định sự khác biệt quan điểm giữa các bên không phải điều bất ngờ.
"Hiện tại, kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng đi lên, nghịch lý giữa một bên muốn bảo đảm thu nhập của người lao động và một bên muốn tạo sức cạnh tranh cho tiền lương không có gì là ngạc nhiên. Vì vậy khi nhìn nhận vấn đề tăng lương tối thiểu, chúng ta cũng nên nhìn nhận trên cùng trục đó".
Bổ sung ý kiến của bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia tiền lương của tổ chức quốc tế ILO - bà Nguyễn Thị Hải Yến cho biết: "Vấn đề điều chỉnh tiền lương tối thiểu là khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bởi hai bên người lao động và người sử dụng lao động đều đang muốn bảo vệ lợi ích của mình. Một bên cân nhắc tới yếu tố năng suất lao động còn bên kia cân nhắc tới việc đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Và ở Việt Nam năm nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có sự đồng thuận khá cao khi có tới 13/14 phiếu ủng hộ phương án tăng lương cuối cùng".
Với mức tăng lương tối thiểu là 12,4%, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, điều đó có thể tạo ra dư chấn tới cán cân của thị trường lao động, song những tác động này sẽ không lớn.
"Theo nghiên cứu, việc tăng lương tối thiểu có thể sẽ gây ra những tác động ban đầu, đặc biệt là sau khi có các cuộc thương lượng tiền lương. Nhưng cho tới khi chính thức bắt đầu vào thời kỳ tăng lương tối thiểu (khoảng ngày 1/1 hàng năm) thì phản ứng tăng giá và dư luận lại giảm xuống. Việc tăng lương tối thiểu có thể sẽ không gây ra tác động lớn đến cán cân của thị trường lao động. Dẫu vậy, ở thời điểm này, tỷ lệ thất nghiệp đang có dấu hiệu tăng nhẹ".
Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia tiền lương của tổ chức quốc tế ILO - bà Nguyễn Thị Hải Yến đã đưa ra thêm một số góp ý cho quá trình điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu.
"Trước khi điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu, các cơ quan chức năng cần cân nhắc tới 2 nhóm yếu tố, trong đó, yếu tố về xã hội như nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ... và yếu tố về kinh tế như năng suất lao động hoặc khả năng chi trả của doanh nghiệp...", bà Nguyễn Thị Hải Yến nói thêm.
"Chúng ta không nghiêng về một bên nào trong số 2 nhóm yếu tố này, đồng thời cũng không nên lạm dụng chính sách tăng lương tối thiểu làm công cụ duy nhất trong việc xóa đói giảm nghèo. Mặc dù, tiền lương tối thiểu có tác dụng tích cực làm giảm mất cân bằng thu nhập, cải thiện điều kiện sống của những người có mức lương thấp… song đi kèm việc tăng lương tối thiểu cần có thêm chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ lực lượng lao động".
Cùng với những giải pháp nhằm cân bằng mâu thuẫn giữa các bên trong việc đưa ra mức tăng lương tối thiểu, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, việc cần làm trước nhất ở thời điểm này là nhanh chóng hoàn thiện và ban hành Luật Lương tối thiểu.
Theo VTV