Những ngày gần đây, thông tin về việc giá dịch vụ y tế sẽ tăng đột biến với mức tăng từ 2 đến 7 lần khiến dư luận không khỏi lo lắng. Điều khiến nhiều người băn khoăn nhất, đó là khi giá dịch vụ y tế tăng thì chất lượng dịch vụ liệu có tăng tương xứng? Vấn đề này đã được trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
- Vừa qua liên Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) đã đưa ra dự thảo thông tư về việc sẽ điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, viện phí vào cuối năm nay. Vậy cơ sở nào để liên Bộ đưa ra quyết định như vậy, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Liên Bộ Tài chính, Y tế cùng với Bảo hiểm xã hội (BHXH) dự kiến sẽ ban hành thông tư về điều chỉnh giá dịch vụ y tế và dự định thực hiện vào cuối năm nay dựa trên một số căn cứ.
Thứ nhất là Luật BHYT quy định liên Bộ Tài chính-Y tế phải ban hành một thông tư điều chỉnh giá dịch vụ y tế thống nhất đối với các bệnh viện đồng hạng trong toàn quốc.
Thứ hai là theo Nghị quyết TƯ số 63, khóa XI, thì ngân sách cấp cho bệnh viện chuyển sang mua thẻ BHYT và hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng thuộc diện chính sách.
Thứ ba là Nghị định 16/NĐ-CP của Chính phủ ban hành tháng 2/2015 đã giao quyền tự chủ cho các Bệnh viện (BV) và giá dịch vụ y tế trong lộ trình điều chỉnh từ năm 2015 đến năm 2020 thì tất cả các yếu tố giá dịch vụ y tế phải tính đúng, tính đủ.
- Một người dân hỏi: Tôi là một người dân nghèo ở vùng nông thôn. Tôi được biết sẽ tăng giá dịch vụ y tế vào cuối năm nay. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết mức điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế dự kiến là bao nhiêu và việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các đối tượng, nhất là những người dân nghèo như chúng tôi?
Giá dịch vụ y tế bao gồm 7 yếu tố chính như: các chi phí trực tiếp (thuốc, kim tiêm…); vật tư tiêu hao; điện, nước, rồi các yếu tố khác như lương và phụ cấp... Tuy nhiên, hiện nay giá dịch vụ y tế mới tính 3/7 yếu tố có thật đó. Liên Bộ Tài chính, Y tế cùng với BHXH sẽ xây dựng kế hoạch điều chỉnh giá dịch vụ thống nhất các bệnh viện đồng hạng trong toàn quốc với 1.800 dịch vụ, và chủ yếu chỉ điều chỉnh giá tiền khám bệnh và tiền giường phân theo các hạng bệnh viện khác nhau.
Theo lộ trình, trước mắt, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ đối với những người có thẻ BHYT, chưa điều chỉnh với những người chưa có thẻ BHYT. Từ nay đến hết năm 2015, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ phải tính đủ chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù (tiền trực 24/24h) và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật. Từ năm 2016, giá đó cộng thêm tiền lương của người lao động. Đến năm 2020 mới tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế.
Về tác động cụ thể của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, thứ nhất, đối với người dân, đặc biệt đối với người nghèo được hưởng lợi rất nhiều. Thay vì trước kia tất cả những cấu thành chưa được kết cấu vào giá thì người bệnh phải trả thêm phần chưa được tính giá, phải bỏ tiền túi. Và hiện Luật BHYT quy định, người nghèo được Nhà nước hỗ trợ mua 100% thẻ BHYT và không phải đồng chi trả. Như vậy tất cả mức chi trong BHYT được thanh toán 100%.
Những đối tượng diện chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người sống vùng biển đảo, vùng núi, vùng sâu vùng xa cũng được hưởng như người nghèo.
Đối với người cận nghèo, Nhà nước cũng hỗ trợ mua 70% thẻ BHYT, nhiều địa phương cũng đã hỗ trợ 30% còn lại để mua BHYT cho đối tượng này, và họ chỉ phải đồng chi trả chỉ 5%, nên không có tác động lớn đối với đối tượng này.
- Có ý kiến bày tỏ lo lắng rằng khi giá dịch vụ tăng thì chất lượng dịch vụ có tăng theo hay không. Xin Bộ trưởng có thể cho biết một số giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ y tế?
Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế tăng theo hướng tính đúng, tính đủ thì chắc chắn chất lượng dịch vụ y tế sẽ tăng lên.
Một giải pháp khá cơ bản và căn cơ, đó là khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trong đó có tính phụ cấp đặc thù và tiền lương thì phải nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế, vì thu nhập của họ được cải thiện tăng thêm để đảm bảo tái tạo sức lao động, như vậy trách nhiệm cũng tăng thêm.
Mặt khác, khi bệnh viện tự chủ và giá dịch vụ tăng lên sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị y tế công lập với nhau, và giữa đơn vị y tế công lập và ngoài công lập nên bắt buộc bệnh viện phải nâng cao chất lượng thì mới thu hút được bệnh nhân.
Bệnh viện nào phục vụ tốt thì BHXH mới ký hợp đồng, nếu không sẽ giảm nguồn thu của bệnh viện. Khi cán bộ y tế được trả lương từ nguồn thu BHYT thì bắt buộc phải đổi mới toàn diện về phục vụ và đổi mới về tư duy từ chỗ ban ơn thành người phục vụ bệnh nhân, coi bệnh nhân là trung tâm của sự phục vụ.
- Tuy nhiên khi tăng giá dịch vụ thì bệnh viện nào cũng muốn thu hút nhiều bệnh nhân để tăng nguồn thu, vậy điều này có trái với chủ trương giảm tải bệnh viện của Bộ Y tế không, thưa Bộ trưởng?
Đối với giảm tải bệnh viện hiện nay, chúng ta phải tăng số giường bệnh/vạn dân. Thứ hai là phải có chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để những bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện có cả kỹ thuật cao để bệnh nhân không cần phải đi xa.
Ví dụ sinh con bình thường thì không việc gì phải chuyển lên tuyến trên vừa tốn kém, vừa mất thời gian, vừa có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong và kéo dài thời gian nằm viện vốn đang là thách thức không chỉ ở những nước đang phát triển mà cả những nước đã phát triển.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo VTV