Tân Thủ tướng Chính phủ có cần tuyên thệ chống tham nhũng?

Trước ý kiến tân Thủ tướng nên tuyên thệ chống tham nhũng, các ĐBQH đều bày tỏ sự đồng tình nhưng kỳ vọng nhiều hơn ở những hành động quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trước "giặc nội xâm" - tham nhũng.
Tân Thủ tướng Chính phủ có cần tuyên thệ chống tham nhũng?

Theo kế hoạch, sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua, ngày 7/4 tới, tân Thủ tướng Chính phủ sẽ tuyên thệ nhậm chức. Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, có ĐBQH cho rằng, để đẩy lùi được nạn tham nhũng, ngay trong lời tuyên thệ của mình tân Thủ tướng Chính phủ nên thể hiện điều này.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội với Infonet, các ĐBQH bày tỏ quan điểm về việc tân Thủ tướng có nên tuyên thệ chống tham nhũng hay không:

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Có nhiều người muốn Thủ tướng tuyên thệ nhưng tôi nghĩ rằng lời tuyên thệ, người thực hiện là ý chí và thành quả không phụ thuộc vào ai cả. 

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

Chống tham nhũng, có lẽ Quốc hội có vai trò cực kỳ quan trọng trong giám sát và xây dựng hệ thống luật pháp, Chính phủ chỉ là cơ quan hành pháp thôi, là nơi dễ xảy ra nhất do điều hành công việc cụ thể, nên chuyện chống tham nhũng là ý chí chung. Còn chuyện có nên đưa vào lời tuyên thệ hay không thì để cho chính tân Thủ tướng cân nhắc, tránh lời tuyên thệ chỉ là hình thức.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Người dân chờ hành động của tân Thủ tướng

Trong lời tuyên thệ của tân Thủ tướng tới đây có cần nêu lên lời hứa phòng chống tham nhũng hay không tôi nghĩ đó là suy nghĩ và trách nhiệm của tân Thủ tướng khi tuyên thệ. Không phải trong lời tuyên thệ có nhắc tới phòng chống tham nhũng thì tân Thủ tướng mới quan tâm tới vấn đề này. 

Cốt lõi tôi cho rằng, làm sao lời tuyên thệ của người đứng đầu Chính phủ mới thể hiện trách nhiệm trước dân, trước đất nước.Trong đấu tranh chống tham nhũng luật đã quy định rất rõ, Hiến pháp cũng đã quy định rồi, chứ nội dung nào cũng yêu cầu tân Thủ tướng tuyên thệ thì làm sao thể hiện hết được.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên)
ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên)

Vấn đề là nội dung thể hiện trong các chương trình hành động của Thủ tướng mới, quyết tâm trong triển khai nhiệm vụ trước nhân dân như thế nào.

Tôi cho rằng, trong thời gian tuyên thệ có hạn, lời tuyên thệ của tân Thủ tướng Chính phủ phải thể hiện được quyết tâm để người dân, cử tri tin tưởng là Thủ tướng sẽ làm hết lòng hết sức vì dân. Làm sao để người dân tin tưởng và kỳ vọng lời tuyên thệ của tân Thủ tướng là thiêng liêng, nó thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ mới trước nhân dân. Đó mới là điều mà tôi và cử tri cả nước chờ đợi.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh): Không phải cứ tuyên thệ mới chống tham nhũng

Tuyên thệ chống tham nhũng, tôi ủng hộ. Tất cả sự tuyên thệ trước hết là hình thức, thủ tục nhưng trong cuộc sống hình thức, thủ tục thôi không đủ. Rất nhiều công chức Đảng viên khi vào Đảng đã tuyên thệ rồi. 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh)

Quan trọng là sự tuyên thệ công khai cũng có giá trị về tinh thần, nhưng có nghĩa tuyên thệ xong là để đó. Nếu lãnh đạo sẵn sàng tuyên bố “Tôi không tham nhũng” thì càng tốt. Căn cứ vào đó, tập thể, Quốc hội, quần chúng nhân dân sẽ giám sát, và điều đó chắc chắc sẽ tạo ra những sự thay đổi, hiệu quả trong công tác phòng chống tham nhũng ở nước ta.

ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam): Kỳ vọng hành động quyết liệt của tân Thủ tướng với tham nhũng

Thời gian để tuyên thệ không dài, ngắn, cho nên thực hiện Hiến pháp là đủ rồi, vì trong Hiến pháp, luật pháp là đã nói đến việc phải chống tham nhũng rồi. Còn bây giờ nói tham nhũng thì phải nói thêm cái khác nữa. Mà thời gian để tuyên thệ rất cô đọng chỉ nói phục vụ Nhân dân, thực hiện theo Hiến pháp, pháp luật là đủ rồi.

ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam)
ĐBQH Lê Văn Lai (Quảng Nam)

Như trong lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau khi tuyên thệ, Chủ tịch nước có nói đến chi tiết là bảo đảm độc lập, chủ quyền Quốc gia. Còn nếu nói về chống tham nhũng thì nó không phải là cách nói của một bài tuyên thệ. 

Vì thế, tuyên thệ chỉ là chuyện để nói, còn điều người dân chờ đợi nhất, kỳ vọng nhất là hành động cụ thể, quyết liệt của tân Thủ tướng với “giặc nội xâm” tham nhũng.

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội): Tuyên chiến với tham nhũng, tân Thủ tướng sẽ khiến dân an lòng

Không chỉ là vấn nạn, tham nhũng còn là quốc nạn của đất nước từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Tân Thủ tướng cần tuyên thệ trước nhân dân về chống tham nhũng và phải có những giải pháp quyết liệt để giải quyết được quốc nạn này.

ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội)
ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội)

Tân Thủ tướng “tuyên chiến” được với tham nhũng sẽ giúp chúng ta tăng thu ngân sách, đẩy lùi được bội chi. Hiện giờ chúng ta thu thì ít, chi thì nhiều. Giống như chi tiêu trong gia đình, cứ “bóc ngắn cắn dài” thì không bao giờ phát triển được. Hơn thế, chống được tham nhũng sẽ chống được thất thu và quan trọng hơn là làm tăng lòng tin của dân. Có được lòng tin của dân, tôi cho là có tất cả.

Theo Infonet