Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Lãnh đạo quyết đoán, chính khách sắc sảo

VietTimes -- Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam có nữ Chủ tịch - bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà được đánh giá đã thành công trên các vị trí Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Trên vai trò Phó Chủ tịch Quốc hội, bà thể hiện sự sắc sảo, quyết đoán, hứa hẹn nhiều đổi mới trên cương vị Chủ tịch...
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trò chuyện cùng các cháu học sinh ngoan, học giỏi
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân trò chuyện cùng các cháu học sinh ngoan, học giỏi

Trưởng thành từ cán bộ tài chính

Có thể nói con đường trưởng thành của tân Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khá thuận lợi: từ cán bộ Tài chính lên Phó phòng, Trưởng phòng, Phó giám đốc, rồi Giám đốc sở Tài chính Bến Tre; được điều ra Trung ương giữ chức Thứ trưởng Bộ Tài chính, rồi về địa phương làm Bí thư tỉnh ủy Hải Dương; quay trở lại Trung ương làm Thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại, rồi Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH). Tháng 8/2011 bà được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 5/2013) bà Ngân được  bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng XII (tháng 1/2016), bà Nguyễn Thị Kim Ngân được tái bầu vào Bộ Chính trị và, tại kỳ họp Thứ 11, QH khóa XIII, bà trở thành Chủ tịch QH nước CHXHCN Việt Nam Khóa XIV.

“Trong từng bước đi, trên mỗi chặng đường và từng cương vị quản lý, tôi đều phấn đấu hết mình, làm tròn trọng trách được Đảng và nhân dân giao phó”- bà Ngân từng tâm sự.

Là người có thời gian dài quan sát chặng đường thăng tiến của nhà lãnh đạo nữ xinh đẹp, sắc sảo, tôi thấy có hai giai đoạn thực sự có dấu ấn đậm nét và cũng chính hai giai đoạn này đã tôi luyện để bà trở thành nhà lãnh đạo nữ đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch QH. Đó là 40 tháng bà làm Bí thư tỉnh ủy Hải Dương (từ tháng 9/2002 đến tháng 1/2006) và 4 năm làm Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH (từ 2007 đến gữa năm 2011).

Người con yêu quý của Hải Dương

Giữa tháng 9 năm 2002, khi đang làm Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được điều về làm Bí thư tỉnh ủy Hải Dương. Đây là sự kiện làm xôn xao dư luận Hải Dương thời bấy giờ. Lần đầu tiên một phụ nữ làm Bí thư tỉnh ủy. Người dân bàn tán. Có người vui mừng: “thì rồi cũng phải đến lúc phụ nữ vùng lên chứ!”. Nhưng cũng có không ít người hoài nghi: “Để rồi xem một phụ nữ Nam Bộ làm được gì ở mảnh đất địa linh nhân kiệt này!”.

Bộ trưởng Ngân thăm chị Lê Thị Luyến, công nhân công ty CP gang thép Thái Nguyên bị tai nạn lao động.

Tuy nhiên, bà đã làm người Hải Dương thán phục ngay từ ngày đầu bà đặt chân đến Hải Dương. Tại buổi ra mắt Đảng bộ Hải Dương bà Ngân nói: “Mảnh đất Hải Dương hiện đang lưu giữ khối lượng lớn văn hoá vật thể và phi vật thể đa dạng, độc đáo, nơi kết hợp hài hòa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với chiều sâu lịch sử và tâm linh với 127 di tích được xếp hạng quốc gia mà tiêu biểu là Côn Sơn- Kiếp Bạc, Phượng Hoàng (Chí Linh). Trí tuệ, tài năng của người Hải Dương cũng đóng góp cho sử sách nước nhà 637 vị (tính theo đơn vị hành chính cũ) trong tổng số 2.989 vị đỗ đại khoa qua các triều đại, chiếm 22%, đứng đầu cả nước. Vào thời Lê sơ, ở Hải Dương đã có trường thi và miếu thờ các vị đại nho, tiêu biểu là  Văn miếu Mao Điền.

Về một vùng đất “địa linh, nhân kiệt như vậy” tôi rất vui mừng và cũng thật sự lo lắng. Vui vì sẽ học được nhiều, biết được thêm về một cái nôi của văn minh của xứ Đông. Lo vì, nếu không hoàn thành công việc được giao, sẽ phụ lòng tin của Đảng bộ và nhân dân Hải Dương. Bà con Hải Dương hãy coi tôi như là con cái của mình, chỉ bảo, giúp đỡ để tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Tràng pháo tay kéo dài như xua đi những nghi ngại ban đầu. Mấy ngày sau đó, những câu chuyện về bà Bí thư cứ râm ran khắp đầu làng ngõ xóm. Rồi thì người Hải Dương chứng kiến, lúc thì bà lội xuống ruộng, cầm cây lúa chia sẻ kinh nghiệp chống rầy nâu với bà con nông dân; lúc bà đi thăm một cơ sở chế tạo máy nông nghiệp; lúc bà tới thăm hỏi các lão thành cách mạng. Cứ thế người Hải Dương bắt đầu tin và yêu quý bà.

Cựu bí thư Hải Dương Nguyễn Văn Chiền nhớ lại: “Chị Ngân có trí nhớ tuyệt vời. Chỉ sau ít ngày về tỉnh, chị ấy đã nhớ hết tên các ủy viên Ban Thường vụ, cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện. Nhiều cán bộ cơ sở chỉ phát biểu trong hội nghị một lần, nhưng khi khi gặp lại chị ấy chào và gọi cả họ lẫn tên”. Còn ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT, nguyên Phó chủ tịch thường trực Tỉnh Hải Dương có lần kể: “Người Hải Dương yêu quý chị Ngân không chỉ bởi những gì chị ấy đã làm được cho Hải Dương mà còn bởi sự hy sinh của chị ấy cho vùng đất này. Về Hải Dương chị ấy chỉ một thân một mình. Cha mẹ đang sinh sống ở Bến Tre, chồng ở thành phố Hồ Chí Minh, con trai đang ở Khánh Hòa”.

Ông Bùi Thanh Quyến, người kế nhiệm bà Ngân nhận xét về người tiền nhiệm của mình như sau: “Chị Ngân là Bí thư biết phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ của tập thể, trọng dụng tài năng, trí thức, tập hợp được sức mạnh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và tính cương trực, dịu dàng đầy nhân ái của chị đã thuyết phục mọi người xung quanh. Khi rời khỏi Hải Dương, chị để lại sự thay đổi khác biệt về hạ tầng cơ sở, hạ tầng nông thôn mới, các khu công nghiệp quy hoạch bài bản hiện đại, các khu dân cư đô thị văn minh và tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên khá cao trong từng năm. Vì thế không lạ gì khi người Hải Dương luôn coi chị Ngân như người con yêu quý của mình”.

Bà Bộ trưởng quyết liệt

Giữa năm 2007 bà Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH thay bà Nguyễn Thị Hằng nghỉ hưu. Không có được một quá khứ oanh liệt như bà Hằng (ở tuổi 20 bà Hằng chỉ huy một Khu đội dân quân bắn máy bay Mỹ ở Hàm Rồng, trong giai đoan ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ và trở thành biểu tượng của phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” một thời), nhưng bà Ngân lại có lợi thế được đào tạo bài bản, kinh qua nhiều môi trường công tác. Không cán bộ lãnh đạo nào ở Bộ LĐTB&XH ngờ vực về trình độ chuyên môn cũng như công tác lãnh đạo, điều hành của bà khi bà đặt chân tới trụ sở bộ này.

Trong 4 năm làm người đứng đầu Bộ LĐTB&XH trước khi nhường lại vị trí này cho bà Nguyễn Thị Hải Chuyền, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã để lại dấu ấn khá đậm nét, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, quy hoạch lại việc đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc, chế độ chính sách cho người có công, công tác đào tạo và dạy nghề, mở rộng hợp tác, trao đổi lao động có tay nghề cao và các chuyên gia giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên điều mà tôi muốn nói về dấu ấn của bà ở Bộ LĐTB&XH lại là việc bà giải quyết vụ “khủng hoảng lao động” tại Lybia.

Ra tận chân cầu thang máy bay đón lao động Việt Nam ở Lybia về nước.
Ra tận chân cầu thang máy bay đón lao động Việt Nam ở Lybia về nước.

Chúng ta còn nhớ trước khi xảy ra bất ổn chính trị tại Lybia năm 2011 đã có khoảng 10 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc chủ yếu cho các nhà thầu xây dựng ở Lybia. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn tại Libya đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, sinh hoạt và sự an toàn của người lao động. 5 đoàn công tác gồm đại diện cho các bộ, ngành được thành lập để đưa người lao động Việt Nam ra khỏi Libya về nước.

Đích thân Bộ trưởng Ngân là Trưởng Ban chỉ đạo. Còn nhớ bà đã ra tận chân cầu thang máy bay đón công nhân về nước. Rồi thì mấy ai quên được cảnh bà lặn lội vào tận xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An để làm việc với Tập đoàn Khang Thông, tại dự án Khu phức hợp giải trí Happy Land. Số là Tổng giám đốc Phan Thị Phương Thảo đã liên hệ trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân xin được “sẵn sàng đón nhận toàn bộ lao động tại Libya trở về vào làm việc tại Happy Land”.

Ngày 11/03/2011, trời nóng như đổ lửa, 12 giờ trưa mới vào tới nơi, làm việc với Ban Lãnh đạo Tập đoàn Khang Thông chừng 15 phút, bà đi ngay xuống khu nhà ở của công nhân để xem điều kiện ăn ở ra sao. Sau này bà Phan Thị Phương Thảo kể lại: “Buổi trưa, nắng tháng 3 nóng rát như lửa, chị Ngân lấy tay che trán quan sát xung quanh, thoăn thoắt sãi những bước chân đến khu nhà ở công nhân mới xây dựng còn ngổn ngang sắt thép và cát đất mịt mù. Từ nhà bếp, nhà ăn, giường tầng chị xem xét rất kỹ lưỡng, rồi dặn dò chúng tôi cần chăm lo chu đáo cho công nhân”.

Bà Ngân là vậy, nhiệt tình, chu đáo, mặc dù sau này không phải công nhân nào rời Lybia về nước cũng vào Happy Land làm việc.  

Trách nhiệm, nghĩa tình

Một nữ giáo viên văn khoa của một trường đại học ở Hải Dương, từng là bạn học của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, kể lại rằng, “khi lãnh đạo trường biết tôi là bạn học với chị Ngân, đã gọi điện cho chị rồi dúi máy vào tay tôi. Buộc lòng tôi phải nói chuyện. Ai ngờ vừa nghe tôi chị đã reo lên. Tao tao mày mày như khi còn là sinh viên. Chị hẹn tôi tối đến chơi. Lãnh đạo của tôi đi theo, nhờ tôi nói để chị chỉ đạo giải quyết một việc. Chị Ngân nghe xong bảo: “Đây là việc công và lại là hợp lý, tôi sẽ chỉ đạo giải quyết ngay”. Lần khác một Giám đốc doanh nghiệp của chồng tôi lại nhờ. Chị gọi điện cho tôi nói rất áy náy vì không thể giải quyết thế được. Tôi bảo: “Cậu cứ đúng mà làm, đừng áy náy về tớ”. Chị ấy là thế, thời còn là sinh viên đã thế. Của riêng mình thì có thể cho bạn hết, nhưng không bao giờ lấy của công đi cho ai”.

Lại một chuyện khác nữa: Khi Công an Quảng Trị bắt nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thúy (nổi tiếng với cái tên “cậu Thủy”) về tội lừa đảo tìm hài cốt. Vào trung tuần tháng 8 năm 2011, khi vừa được bầu làm Phó chủ tịch QH, tại cuộc họp giao ban với các sở LĐTB&XH các tỉnh thành phía Nam, bà Ngân thẳng thắn: “Tôi rất ân hận vì khi còn làm Bộ trưởng bộ LĐTB&XH tôi  đã ký vào bằng khen cho những nhà ngoại cảm. Sau khi có tấm giấy đó họ đã phóng to để thành lập Trung tâm tìm mộ liệt sĩ. Chưa dừng lại ở đó, một số nhà ngoại cảm còn nói bừa là đã gặp gỡ với tôi để trao đổi những vấn đề liên quan đến tìm mộ liệt sĩ, nhưng kỳ thực tôi chưa bao giờ biết mặt mũi, gặp gỡ họ lần nào” (theo báo Pháp luật TP.HCM).

Vâng, bà Ngân là vậy! Những người từng làm việc với bà, hoặc dưới quyền bà, đều có chung nhận xét, ở cương vị công tác nào cũng vậy, luôn là người thẳng thắn, cởi mở, quyết liệt, đầy trách nhiệm, nhưng cũng nặng nghĩa tình và hết sức chu đáo.

Tính cách ấy không ra đời ngẫu nhiên.

Nguyễn Thị Kim Ngân sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Bà Nguyễn Thị Sang (má Sáu), mẹ của bà Nguyễn Thị Kim Ngân là cơ sở bí mật cách mạng của Bến Tre, Cha thoát ly gia đình, hoạt động trên vùng căn cứ. Ngay từ khi còn đi học, Nguyễn Thị Kim Ngân đã giúp mẹ mua gom thuốc tân dược gửi ra căn cứ kháng chiến để chữa trị cho thương binh. Cũng chính vì chuyện này mà má Sáu đã gần như cả cuộc đời về sau đi tìm một ân nhân là bác sĩ Phạm Văn Đề, người đã giúp mua các loại thuốc kháng sinh, sốt rét, bông băng y tế, thuốc đỏ sát trùng để má Sáu bí mật chuyển ra căn cứ cho cách mạng phục vụ thương binh.

Năm 2006 má Sáu qua đời, để lại di huấn cho con gái Nguyễn Thị Kim Ngân là phải tìm cho ra bác sĩ Phạm Văn Đề thuộc bệnh viện dã chiến Định Tường của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Qua chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của VTV1, sau nhiều năm trời tìm kiếm, vào tháng 11/2008, gia đình bà Ngân đã tìm được gia đình của ân nhân theo di huấn của má Sáu. Sau chiến tranh, rời Bến Tre, gia đình bác sĩ Phạm Văn Đề (đổi tên thành Đệ) chuyển đến xã Bình Minh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai nơi có đông đúc đồng bào giáo dân để sinh sống và duy trì nghề trị bệnh cho dân nghèo tại Hội Chữ thập đỏ của xã cho đến khi ông qua đời.