Ngay sau khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn vào vị trí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng (Bí thư tỉnh ủy Hà Nam) đã có cuộc trao đổi với báo chí.
- Cảm xúc của ông khi được bầu vào vị trí mới?
- Đó là vinh dự cho cá nhân tôi lẫn địa phương khi được Đảng, Quốc hội, Nhà nước giao cho trọng trách mới, nhiệm vụ mới.
Khi còn làm địa phương tôi không có nhiều điều kiện để tiếp xúc thường xuyên với báo chí. Bây giờ là Bộ trưởng và cũng là người phát ngôn của Chính phủ nên rất muốn được trao đổi với báo giới nhiều hơn để làm sao những chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ được minh bạch, đến được với người dân một cách chủ động, nhanh nhất, nhằm tạo sự đồng thuận, tránh những cách hiểu sai lệch.
Tân Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cao tính chuyên nghiệp, tận tâm và làm đúng pháp luật. Ảnh: P.V |
- Từ địa phương với cách lãnh đạo tập thể lên trung ương làm "tư lệnh" ngành tức là phải chịu trách nhiệm cá nhân rất lớn, ông có suy nghĩ gì?
- Ai nhận nhiệm vụ mới mà không có thách thức, khó khăn. Nhưng nhận diện được nó và quyết tâm thì sẽ vượt qua được thôi. Tôi có niềm tin tập thể bộ máy sẽ giúp tôi hoàn thành công việc.
Trước khi làm Bí thư tôi cũng đã đứng đầu cơ quan hành chính ở tỉnh (Chủ tịch) nên hiểu được phần nào. Tất nhiên ở địa phương thì phạm vị nhỏ hơn.
- Chương trình hành động của ông khi nhậm chức là gì?
- Mình là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ nên hành động của mình là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ. Khi Thủ tướng đưa ra thông điệp thì mình làm sao giúp cho Chính phủ thực hiện thông điệp ấy được tốt, nên mình không thể đưa ra thông điệp hay chương trình được. Mình chỉ hướng đến tin thần làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, làm đúng pháp luật.
Tôi sẽ cùng tập thể Văn phòng Chính phủ xây dựng một bộ máy hành chính mang tính chuyên nghiệp, gắn với công nghệ thông tin, cải cách hành chính để đảm bảo các điều kiện cho Chính phủ điều hành được tốt nhất.
Hồi ở địa phương và bây giờ cũng vậy, tôi nói với anh em rằng đừng để người ta chê mình thiếu trách nhiệm.
Nếu năng lực hạn chế, chỗ này chỗ kia chưa biết tường tận thì có thể rèn luyện, lắng nghe góp ý… Có năng lực song lại đánh võng, cửa quyền, mặc cả là không được. Thủ tướng đã có tinh thần rất rõ ràng rồi, dứt khoát phải đoàn kết nhất trí, hành động quyết liệt, lấy hiệu quả điều hành làm gốc.
- Văn phòng Chính phủ luôn được coi là một "siêu bộ", ông nghĩ sao?
- Đấy là mình nói cửa miệng thôi chứ thật ra không phải siêu bộ. Cũng như ở địa phương, Văn phòng Ủy ban tỉnh không phải là siêu sở. Ai nói như vậy vì người ta hiểu chưa hết chức năng của Văn phòng thôi. Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc để Thủ tướng, Chính phủ điều hành, chỉ đạo.
Khi các đề án, chính sách mà các bộ ngành trình lên, mình có trách nhiệm thẩm định lại, kết nối để xử lý các đề án ấy, làm sao khi ban hành thì đến được địa phương, người dân một cách hiệu quả nhất.
Khi Chính phủ ban ra chính sách gì thì ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế xã hội, nhìn rộng ra, mang tầm vĩ mô chứ không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, doanh nghiệp nào đó. Nhận thức như thế nên khi giải quyết thì phải cẩn trọng. Đó có thể là nguyên nhân khiến địa phương, doanh nghiệp thấy chậm. Chứ thật ra, mọi việc đều được xử lý theo quy trình hết, không làm tắt được.
- Vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa mong muốn của người đứng đầu với cán bộ thực thi, Bộ trưởng làm gì để giúp hồ sơ giải quyết công việc không bị ách tắc?
- Cái đó rất quan trọng. Tôi nghĩ cần có một quy trình mà tốt nhất là thông qua công nghệ thông tin để kiểm soát, để mọi thứ minh bạch hơn từ đó đánh giá công việc của cán bộ ở các khâu.
Thủ tướng đã chỉ đạo phải xây dựng một nền hành chính hiện đại, gắn với công nghệ thông tin để kiểm soát quy trình được nhanh nhất, tốt nhất. Đề án Chính phủ điện tử đang triển khai cũng đặt ra những yêu cầu này.
Ở địa phương tôi là Hà Nam, giờ rất nhiều loại văn bản, thư mời không dùng bản giấy nữa mà gửi file qua mạng hết. Chúng tôi đi thuê công nghệ thông tin trọn gói hết, rất hiệu quả mà tiết kiệm.
- Ưu tiên trước mắt cho công việc của ông trên cương vị mới?
- Bây giờ còn hơi sớm để nói được cụ thể. Song những vấn đề tôi quan tâm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bằng công nghệ thông tin để đáp ứng mong mỏi của người dân.
Ngoài ra là làm sao đổi mới cách tuyên truyền, thiết lập nên nhiều kênh thông tin lắng nghe nhiều chiều hơn từ người dân, dư luận.
Tôi nghĩ rằng việc truyền thông tin từ Chính phủ đến người dân đã rất tốt rồi song ở chiều ngược lại vẫn có thể làm tốt hơn nữa.
- Tại Việt Nam, nguyên thủ tham gia mạng xã hội rất hiếm trong khi nước ngoài khá phổ biến và hiệu quả, ông giải thích thế nào?
- Tôi cũng biết nhiều nguyên thủ các nước tham gia mạng xã hội, có Facbook.
Theo tôi thấy thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có tư duy rất cởi mở. Thủ tướng luôn mong muốn làm sao để tốt cho dân, thuận tiện cho dân. Tuy nhiên lãnh đạo tham gia mạng xã hội cũng có hai mặt nên cần cân nhắc. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này để suy nghĩ thêm.
- Thách thức của Chính phủ khóa mới là gì, thưa ông?
- Cân đối ngân sách trong bối cảnh thu khó, giá dầu tiếp tục sụt giảm trong khi nợ công cao sẽ là áp lực lớn.
Việc chúng ta hội nhập sâu, như tham gia TPP trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất như nông nghiệp còn lạc hậu, chưa có nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao cũng là một khó khăn không nhỏ khi cạnh tranh. Hay câu chuyện nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt hàng doanh nghiệp nội một số chi tiết để tham gia vào chuỗi sản xuất của họ nhưng ta chưa làm được, tức công nghiệp hỗ trợ còn yếu cũng là vấn đề.
Theo VnE