“Ai cũng có thể hàng Tào, trừ… tướng quân”
Sử cũ chép lại, tháng 7 âm lịch năm 208 SCN, Tào Tháo dẫn đại quân nam chinh, đoạt Kinh Châu từ tay Lưu Tông, truy Lưu Bị trên cầu Trường Bản, khí “nuốt Ngưu Đẩu”, thế mạnh trùng trùng. Và khi ấy, chỉ cần bước qua bờ nam Trường Giang, thu phục 9 quận Giang Đông, Tháo sẽ thống nhất sơn hà, toại thành bá nghiệp.
Với thao lược của một tay gian hùng cái thế, Tháo chưa vội động binh. Y truyền hịch nạt rằng “thống xuất trăm vạn quân, ngàn viên thượng tướng”…, khiến Sài Tang (thủ phủ của Giang Đông) náo động, thuộc thần rẩy run, chúa công trăn trở.
Ngược dòng “nghị hòa” mà thực chất là “hàng” của đám đông mưu sĩ hủ nho, Lỗ Túc – thuộc hạ thân tín bậc nhất của thủ lĩnh tập đoàn cát cứ Giang Đông, Tôn Quyền – tham mưu: “Mọi người, ai cũng có thể hàng Tào Tháo được, duy có tướng quân thì không hàng được. Như Lỗ Túc này mà hàng, thì Tháo phong cho làm quan, áo gấm về làng, mà cũng không phải mất đất đai gì cả. Tướng quân mà hàng Tào thì về đâu? Chức tước bất quá phong hầu là cùng, xe một cỗ, ngựa một con, đầy tớ vài ba người, muốn ngồi ngoảnh mặt về nam mà xưng cô có còn được nữa không?”.
Quyền nghe đó mà cởi mối tơ lòng, quyết chí kháng Tào, thành lập liên minh Tôn – Ngô, đánh một trận chia ba thiên hạ.
Câu chuyện vừa nêu chính là một điển cố kinh điển (đại chiến Xích Bích) trong đại danh tác “Tam Quốc Diễn Nghĩa”. Và đến ngày nay, những bài học về chiến lược, chiến thuật và dụng nhân trong tác phẩm vẫn còn nguyên giá trị.
Đối chiếu với câu chuyện phân chia quyền lực tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong giai đoạn hiện tại, ít nhiều sẽ thấy những nét “Tam Quốc”…
Thế chân vạc ở Vinamilk
Không xét đến đại cổ đông nhà nước thì hiện tại quyền sở hữu Vinamilk đang phân hóa vào “tam cường”: F&N Dairy Investments Pte Ltd, Dragon Capital và Deutsche Bank.
Trong đó, F&N Dairy Investments Pte Ltd (công ty con của Fraser and Neave Ltd) sở hữu khoảng 132,5 triệu cổ phiếu VNM, tương ứng tỷ lệ sở hữu 11,04%;
Nhóm Dragon Capital (DC) sở hữu khoảng 101,3 triệu cổ phiếu VNM (8,44%), chia làm 2 cổ đông (cùng là các quỹ thành viên của Dragon Capital): Dragon Capital Markets Limited (88,6 triệu cổ phiếu; 7,39%) và Vietnam Enterprise Investments Limited (12,6 triệu cổ phiếu; 1,05%);
Nhóm Deutsche Bank sở hữu khoảng 123,3 triệu cổ phiếu (10,3%), chia làm 2 cổ đông (cùng là các quỹ thành viên của Deutche Bank): Deutsche Bank AG & Deutsche Asset Management (Asia) Ltd (71,4 triệu cổ phiếu; 5,95%) và Deutsche Bank AG London (51,9 triệu cổ phiếu; 4,32%).
Cập nhật cổ đông lớn của Vinamilk (Nguồn: cafef.vn)
Đáng chú ý, trong số ba nhóm trên, mới chỉ có F&N và DC có “chân” trong hội đồng quản trị Vinamilk (bao gồm 6 thành viên). Cụ thể, với DC là ông Lê Anh Minh, còn với F&N là Ng Jui Sia.
Trong khi, SCIC chiếm ¾ suất HĐQT còn lại, là các ông/bà: Lê Song Lai (đại diện 301 triệu cp), Ngô Thu Trang (đại diện 75 triệu cp), Mai Kiều Liên (đại diện 75 triệu cp).
Đương kim Chủ tịch VNM, bà Lê Thị Băng Tâm vốn xuất thân từ một thành viên độc lập HĐQT, đại diện cho khoảng 11% vốn cổ phần giới thiệu của nhóm cổ đông nhỏ lẻ nước ngoài và trong nước, đặc biệt trong đó có 3% cổ đông là các CBCNV Vinamilk.
Quần hùng tranh bá...
Việc nhà nước quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi Vinamilk, xét dưới góc độ kinh tế, là một nước cờ hợp lý và đúng đắn, mở ra cơ hội cho cả ngân sách lẫn thị trường. Nhưng với Vinamilk và những người trong cuộc, rất có thể quyết định này sẽ là châm ngòi cho cuộc đua sở hữu,mà thực chất là một cuộc chiến quyền lực ngay trong lòng doanh nghiệp này.
Tại sao lại như vậy?
Ở Việt Nam hiện nay, có lẽ không doanh nghiệp nào khéo “đẻ trứng vàng” như VNM. Thêm vào đó, nền tảng và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp này cũng cực kỳ bền vững. Chỉ riêng thương hiệu “Vinamilk” đã là cả một núi vàng trị giá 1,137 tỷ USD (theo đánh giá mới đây của Brand Finance và Mibrand).
Nhưng giá trị lớn nhất của Vinamilk, là DN này đang nắm quyền chi phối trên thị trường sữa nước 90 triệu dân Việt Nam…
Đó là những lợi thế, lợi ích và giá trị mà chỉ VNM mới có. Thế nên như là đương nhiên, VNM chính là mã chứng khoán mà nhà đầu tư nào cũng muốn “chất” thêm vào porfolio, càng nhiều càng tốt.
Trong tình thế ấy, việc SCIC thoái vốn là cơ hội “ngàn năm” với cả thị trường. Nhưng chính sức hút khó cưỡng ấy sẽ khiến việc chinh phục nó trở thành một cuộc chiến thực sự.
“Lực lượng tham chiến” đầu tiên và quyết liệt nhất có lẽ sẽ là các đại cổ đông hiện hữu của Vinamilk và chính họ cũng đang là những bên giành “pole” – vị trí xuất phát đầu tiên (trong các cuộc đua xe công thức 1).
Có rất nhiều lý do: Họ hiểu việc gia tăng tỷ lệ sở hữu tại VNM sẽ đem lại những lợi ích gì (1); Với tỷ lệ sở hữu lớn sẵn có, họ đã có “nội ứng” và có là lợi thế so sánh với các “tay chơi” mới toanh (2); Với cả nghìn tỷ đồng đã đầu tư vào VNM họ sẽ không chấp nhận trở thành cái “bóng” cho “ông chủ” mới (3); Họ tiên lượng được cái giá bỏ ra và những gì nhận lại (4); Và thực ra, nếu không giành lấy lợi thế cổ phần về mình, họ cũng không chắc sẽ được “yên thân” với những chủ mới sắp xuất hiện tại VNM (5)…. Trong khi đó thì yếu tố có thể “gây biến” nội bộ đã được cài sẵn ngay trong điều lệ hoạt động của doanh nghiệp này.
Chẳng hạn, Điều lệ VNM quy định: “Cổ Đông hoặc nhóm Cổ Đông sở hữu từ năm (05)% đến dưới mười (10)% số cổ phần có quyền biểu quyết trong thời hạn liên tục ít nhất sáu (06) tháng được đề cử một (01) thành viên để bầu vào Hội đồng quản trị; từ mười (10)% đến dưới ba mươi (30)% được đề cử tối đa hai (02) ứng viên; từ ba mươi (30)% đến dưới bốn mươi (40)% được đề cử tối đa ba (03) ứng viên; từ bốn mươi (40)% đến dưới năm mươi (50)% được đề cử tối đa bốn (04) ứng viên; từ năm mươi (50)% đến dưới sáu mươi (60)% được đề cử tối đa năm (05) ứng viên; từ sáu mươi (60)% đến dưới bảy mươi (70)% được đề cử tối đa sáu (06) ứng viên; từ bảy mươi (70)% đến tám mươi (80)% được đề cử tối đa bảy (07) ứng viên; và từ tám mươi (80)% đến dưới chín mươi (90)% được đề cử tối đa tám (08) ứng viên”.
SCIC thoái vốn là cơ hội nghìn năm (?!)
Có nghĩa rằng, tỷ lệ sở hữu càng cao, cổ đông càng có tiếng nói, càng áp đặt được ý chí của mình lên doanh nghiệp, kể cả vấn đề phân phối lợi ích.
Với những lý do vừa nêu, không hề bất ngờ nếu “trận” đấu giá cổ phần VNM của SCIC sẽ là cuộc chiến nội bộ của “tam cường”: F&N – Dragon Capital - Deutsche Bank.
Cái càng không bất ngờ nữa, là ngay từ thời điểm này, những nỗ lực thu gom cổ phiếu VNM đã được thực hiện, với đích đến cuối cùng của các cổ phiếu ấy chính là những đại cổ đông của VNM. Vài phần trăm sở hữu thêm có thể đóng vai trò quyết định trong việc nắm quyền điều hành tại doanh nghiệp như VNM.
Quyền điều hành ấy, về hình thức chỉ là tại doanh nghiệp. Nhưng về thực chất, là quyền khuynh đảo cả thị trường sữa nước quốc gia. Đó mới là lợi ích thực sự.
Vấn đề là ở chỗ, các đại cổ đông hiểu thế và chính SCIC – trong tư cách đại diện cho Nhà nước – cũng hiểu thế. Và đương nhiên nhiệm vụ của nhà nước cũng sẽ là phải đảm bảo cân bằng quyền lực trong VNM. Có nghĩa rằng, bán cổ phần VNM cũng sẽ là một nguy cơ với các đại cổ đông của doanh nghiệp này.
Nếu nhà nước muốn chia nhỏ số cổ phần muốn chào bán, thì cũng có thể tin rằng, đến một ngày đẹp trời, bỗng dưng các đại cổ đông VNM ồ ạt bán tháo, để giảm tỷ lệ nắm giữ. Nhưng đây là chuyện sẽ được bàn tới, trong những bài khác, ở hoàn cảnh khác.
Thực lực mỗi bên ra sao, chiến thuật và chiến lược thế nào, ai đang run sợ, ai đang “quan hổ đấu”...
Ninh Giang