Gần đây nhất, thông tin F&N sẽ bỏ ra số tiền lên đến 4 tỷ USD (tương đương 167.000 VND/cổ phần) cho thương vụ này. Nhiều ý kiến cho rằng số tiền 4 tỷ USD có lẽ khá lớn để một tổ chức cân nhắc kỹ lưỡng cho quyết định đầu tư của mình.
VDSC cho rằng không nhất thiết phải sử dụng một số tiền “khổng lồ” như vậy để thực hiện thương vụ này. Thay vào đó, tổ chức mua lại có thể sử dụng một nghiệp vụ khá phổ biến được giới tài chính biết đến là LBO (Leveraged buyout).
Với đối tượng mua lại là một công ty có thương hiệu đầu ngành sữa Việt Nam và tiềm năng tăng trưởng ổn định trong khi cơ cấu nợ/tổng tài sản khá thấp (6,7%) như Vinamilk, việc dùng chiến lược LBO càng thêm khả dĩ. Không quá khó để kiếm một ngân hàng tài trợ đến 90% thương vụ này.
"Giả sử giá chuyển nhượng là 167.000 VND/cổ phiếu, tổ chức mua lại chỉ cần bỏ ra 10% của con số 4 tỷ USD tức 400 triệu USD. Sau khi mua lại VNM, với vị thế cổ đông lớn nhất, tổ chức này có thể tác đông để VNM tiến hành mua lại cổ phiếu quỹ nhằm thay đổi cơ cấu vốn hiện không tận dụng được lợi thế chi phí vốn vay thấp của doanh nghiệp này, đồng thời thu hồi một phần vốn đã bỏ ra."
Theo tính toán của công ty chứng khoán này, dựa trên bảng cân đối quý III/2015 của VNM và giả định công ty vay nợ được 80% giá trị tài sản ngắn hạn (không tính tiền mặt) đồng thời thanh khoản các khoản đầu tư ngắn hạn, tổng số tiền có thể có thể huy động được để mua lại cổ phiếu quỹ là 12.279 tỷ đồng, tương đương với 73,5 triệu cổ phiếu quỹ (tính theo mức giá mua lại 167.000 VND/cổ phần). Nếu tổ chức mua lại bán ra tương ứng để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, họ sẽ thu về được khoảng 246 triệu USD. Kết quả là, số tiền thực sự mà tổ chức bỏ ra để mua lại VNM chỉ khoảng 154 triệu USD, chỉ 3,9% số tiền 4 tỷ USD mà dư luận đang đề cập.
VDSC nhấn mạnh, những phân tích trên nhằm chia sẻ góc nhìn của công ty về khả năng tài chính cần thiết cho thương vụ Vinamilk. Còn việc xác định giá nào cho VNM phù hợp cho VNM phụ thuộc rất nhiều vào quan điểm định giá thương hiệu và khả năng tận dụng lợi thế trong M&A của tổ chức mua lai.
Theo Bizlive