Theo đó, việc tạm giữ thực hiện vào khoảng 0 giờ 20 phút ngày 29/1. Tại thời điểm kiểm tra, số xăng đang được bơm từ tàu tàu BTC CHRISTINA lên kho của Công ty cổ phần Dương Đông - Hòa Phú, có địa chỉ đăng ký tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, Công ty cổ phần Dương Đông - Hòa Phú đã mở tờ khai nhập khẩu 1.877,562 tấn xăng Ron 92 vận chuyển trên tàu BTC CHRISTINA tại Hải quan Bình Thuận
Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, số xăng trên tàu là hơn 6.137 tấn, gấp 5 lần so với số khai báo của Công ty cổ phần Dương Đông - Hòa Phú tại cơ quan Hải quan. Từ tàu này cũng đã bơm lên kho 3.246 tấn xăng Ron 92
Cơ quan chức năng tính toán, tổng số hàng hóa vận chuyển trên tàu và từ tàu đã bơm lên kho là 9.373,636 tấn xăng Ron 92, tương đương với 13.241,345 m3.
Số xăng vượt so với khai báo của Công ty cổ phần Dương Đông - Hòa Phú lên tới gần 7.500 tấn. Tại thời điểm kiểm tra, công ty chưa xuất trình được giấy tờ cho số xăng chở trên tàu BTC CHRISTINA vượt khai báo này.
Hiện nay, xăng dầu nhập khẩu đang chịu tới 5 loại thuế, phí. Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu là 18%, thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, thuế GTGT 10% của tổng giá CIF, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít, các loại thuế, phí và lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức, thuế thu nhập doanh nghiệp...
Với quy định này, tiền thuế phí thu từ mỗi lít xăng nhập khẩu lên tới gần 7.800 đồng. Thuế phí, do thế, hiện chiếm tới trên dưới 50% giá thành xăng bán lẻ.
Thực tế này chính là nguyên nhân chủ chốt khiến bùng nổ nạn buôn lậu xăng dầu những năm qua, với hàng chục vụ, hàng trăm bị can đã bị bắt giữ, khởi tố
Trở lại vụ tạm giữ số xăng gần 7.500 tấn vượt khai báo của Công ty cổ phần Dương Đông - Hòa Phú vừa được các cơ quan chức năng tiến hành, nếu được chứng minh là xăng buôn lậu, đây sẽ là vụ bắt giữ xăng dầu lậu lớn nhất trong vài năm trở lại đây.
Khi ấy, số thuế phí doanh nghiệp trốn chỉ qua một vụ việc này tới trên 50 tỷ đồng.