Tại sao Xiaomi, Oppo và Vivo giữ im lặng về việc có áp dụng hệ điều hành HarmonyOS hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lựa chọn đứng ngoài hệ điều hành do Huawei tự phát triển của các hãng điện thoại Trung Quốc được xem là quyết định đúng đắn trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Made in China. 
Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tham gia Harmony trong tương lai?
Các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ tham gia Harmony trong tương lai?

Hiện tại, Huawei đã bắt đầu quảng bá hệ điều hành HarmonyOS trên quy mô lớn, nhưng ba trong số bốn hãng điện thoại di động hàng đầu ở Trung Quốc là Xiaomi, OPPO và Vivo vẫn giữ im lặng về việc có áp dụng hệ thống HarmonyOS hay không. OPPO thẳn thắn cho rằng ngành sản xuất Trung Quốc cần một số công ty như Xiaomi tiếp tục xuất khẩu điện thoại di động của họ ra thị trường nước ngoài.

Năm 2020, sản phẩm Made in China đã hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc vượt qua một năm khó khăn trong thời kỳ đại dịch. Trong năm nay, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng ổn định và trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được mức tăng trưởng thương mại xuất khẩu đóng vai trò dẫn đầu. Nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu tăng 4%.

Trong số đó, điện thoại di động đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số lượng lớn của Trung Quốc. Số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc năm 2020 sẽ là 17,93 nghìn tỉ NDT, tương đương khoảng 2,75 nghìn tỉ USD, trong đó xuất khẩu điện thoại di động là 125,45 tỉ USD, chiếm 4,16%. Điện thoại di động, các sản phẩm cơ điện bao gồm máy móc thiết bị, ô tô và các sản phẩm khác chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu điện thoại di động của Trung Quốc không thể tách rời khỏi sức hút của các thương hiệu nội địa. Dữ liệu năm 2020 cho thấy tổng lượng xuất khẩu ra nước ngoài của Huawei, Xiaomi, OPPO và Vivo là 281,4 triệu chiếc, trong đó Xiaomi là hãng điện thoại duy nhất có lượng hàng bán ra nước ngoài hơn 100 triệu chiếc.

Kể từ khi cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã tích cực phát triển ngành công nghiệp sản xuất bằng cách sử dụng các phương pháp gia công nguyên liệu và đến năm 2010, nước này đã trở thành công xưởng lớn nhất thế giới. Sau năm 2010, các công ty thương hiệu Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng và tầm quan trọng của các công ty điện thoại di động Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo, Vivo đã dần trở nên nổi bật.

Huawei từng là công ty dẫn đầu các công ty điện thoại di động Trung Quốc, và là công ty điện thoại di động đầu tiên của Trung Quốc có lượng xuất khẩu ra nước ngoài vượt quá 100 triệu chiếc. Tuy nhiên, lượng hàng điện thoại di động của Huawei tại thị trường nước ngoài đã giảm dần kể từ nửa cuối năm 2019 do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung. Vào năm 2020, Xiaomi đã thay thế Huawei để trở thành hãng điện thoại di động Trung Quốc lớn nhất trong các lô hàng ở thị trường nước ngoài.

Tại thời điểm này, Trung Quốc cần chú trọng hơn đến việc đảm bảo rằng ba công ty điện thoại di động Xiaomi - Oppo - Vivo tiếp tục phát triển ổn định ở thị trường nước ngoài. Hiện tại, bất kỳ công ty nào có thể đảm bảo xuất khẩu là một kho báu cho Trung Quốc và để Xiaomi - Oppo - Vivo phát triển ổn định ở thị trường nước ngoài, tại thời điểm này, họ đương nhiên không thể ứng dụng hệ điều hành HarmonyOS của Huawei.

Nhìn lại mối quan hệ hợp tác giữa Huawei và Google, có thể thấy sau khi Huawei phát hành hệ thống Harmony vào nửa cuối năm 2019, chiếc Mate30 của Huawei phát hành đã không thể trang bị dịch vụ GMS (Google Mobile Services) của Google, dẫn đến lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài sụt giảm.

Năm 2020, Google tiếp tục hạn chế điện thoại Huawei cài đặt Google GMS theo cách thủ công. Thiếu hụt dịch vụ và ứng dụng của Google, cùng với vấn đề về nguồn cung cấp chip, các lô hàng điện thoại di động của Huawei ở thị trường nước ngoài đã tiếp tục giảm.

Theo Sina, nếu Xiaomi - Oppo - Vivo thông báo áp dụng hệ thống Harmony vào thời điểm này, họ cũng sẽ phải đối mặt với áp lực mà chính phủ Mỹ đang áp đặt lên Huawei, dẫn đến sự sụt giảm các lô hàng ở nước ngoài cả ba hãng. Điều này rõ ràng gây bất lợi cho lợi ích chung của ngành sản xuất Trung Quốc, có thể khiến cán cân thương mại của Trung Quốc bị thâm hụt.

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có ZTE và Honor đưa ra câu trả lời về việc có tham gia Harmony hay không. ZTE tuyên bố rằng họ không có kế hoạch áp dụng hệ thống Harmony vào năm 2021. Và CEO Zhao Ming của Honor nói rằng ông sẽ cân nhắc sử dụng hệ thống Harmony trong tương lai, nhưng lựa chọn đầu tiên hiện tại là Android.

Đối mặt với Android và Harmony, tưởng chừng như chọn một trong hai, nhưng thực tế quyết định này sẽ liên quan đến chiến lược ổn định lâu dài.

Harmony hiện tại vẫn chưa hình thành một hệ sinh thái ổn định, và việc tham gia Harmony là một điều hơi mạo hiểm. Ngay cả khi Harmony có lợi thế về Internet vạn vật (Internet of Everything - IoT), đó cũng là tương lai.

Việc điện thoại di động Trung Quốc chịu sự chi phối của Google là một thực tế không tránh khỏi. Tất nhiên, Trung Quốc cũng nên phát triển hệ điều hành của riêng mình. Việc hỗ trợ HarmonyOS cũng là điều cần thiết. Tuy nhiên, xét về lợi ích chung của ngành sản xuất Trung Quốc và thực tế của điện thoại di động Trung Quốc, việc bộ ba Xiaomi - Oppo - Vivo giữ im lặng tại thời điểm này là thích hợp nhất.

Theo Sina