Liên quan đến vụ “khởi tố bắt tạm giam ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Một thành viên (SAGRI), như đã thông tin, hôm nay, ngày 7/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khám xét nơi ở của ông Hùng ở đường Trương Định, phường 6, Quận 3 và nhà của ông Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959; nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư) ở đường Phú Hưng, phường 8, Quận 8. Đến đầu giờ chiều nay, cuộc khám xét mới kết thúc.
Chi khống 13,3 tỷ đồng để đi học tập nước ngoài
Theo kết luận của thanh tra TP. HCM, ông Lê Tấn Hùng và bà Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng của SAGRI) ký và chi khống hơn 13 tỷ đồng cho hàng chục cán bộ, người lao động đi học tập kinh nghiệm nước ngoài
Kết luận Thanh tra thành phố cho thấy trong vòng 1 tháng (từ tháng 10/2016 đến 11/2016), ông Lê Tấn Hùng đã liên tục ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài như: Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Nam Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Tổng cộng các hợp đồng ký với Công ty thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế và Công ty du lịch Thanh niên xung phong có tổng giá trị khoảng 13,3 tỷ đồng. Những hợp đồng này đã được 2 Công ty tổ chức thực hiện, hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng, tất toán công nợ.
Cơ quan điều tra tiến hành khám xét trụ sở công ty SARGI.
|
Tuy nhiên, kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an TP HCM cho thấy 40/70 người có tên trong danh sách không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức.
Trong đó, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Trên thực tế, 2 Công ty du lịch ký hợp đồng với SAGRI không thực hiện chuyến đi.
Theo giải trình của SAGRI, Tổng công ty này đang vướng thời gian kỷ niệm 20 năm thành lập, đã dời kế hoạch sang năm 2017. Sau đó, Tổng công ty gặp khó khăn nên đã ngừng tổ chức cho nhân viên tham quan học tập nước ngoài.
Về việc ký hợp đồng nói trên, Thanh tra TP HCM kết luận SAGRI không thực hiện các chuyến đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí cho 2 công ty du lịch là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán, gây thiệt hại tổng số tiền 13,34 tỷ đồng .
Kết luận thanh tra nêu rõ: "Đoàn Thanh tra nhận thấy Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn có dấu hiệu cấu kết với hai Công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định của pháp luật".
Thanh tra TP. HCM kết luận rằng trách nhiệm trên thuộc về Tổng Giám đốc, kế toán trưởng của SAGRI. Thanh tra cũng cho rằng, Công ty Du lịch Thanh niên xung phong, Công ty Thương mại Dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế không thực hiện dịch vụ nhưng vẫn xuất hóa đơn tài chính là vi phạm quy định, lập khống hóa đơn và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Do đó, Thanh tra TP HCM có kiến nghị giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nói trên của SAGRI và 2 đơn vị du lịch liên quan.
Khả năng mất vốn Nhà nước do đầu tư ngoài ngành
Ngoài sai phạm trên, nhiều dự án hợp đồng, liên kết với nhiều đơn vị ngoài của SAGRI đã thực hiện sai quy định... dẫn đến khả năng mất vốn đầu tư.
Tại cuộc họp báo hồi tháng 10/2018, ông Võ Văn Hoan (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cũng thông tin việc SAGRI có 2 sai phạm lớn trong quản lý đất đai và điều hành xảy ra ở 2 nhiệm kỳ trước: Cho thuê đất, hợp tác đầu tư chưa có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành.
Những hoạt động này được xác định nằm ngoài chức năng của SAGRI.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, SAGRI có hàng loạt sai phạm trong việc sử dụng sai 1.900 ha đất thông qua việc góp vốn thành lập pháp nhân mới để hợp tác đầu tư trên các khu đất được giao quản lý không đúng với quy định.
Bị can Nguyễn Thành Mỹ.
|
Một trong những sai phạm có liên quan dự án trồng và khai thác cây cao su tại Đắk Lắk vào năm 2011. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn ký hợp đồng 60 tỷ đồng với Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Đức Nguyên (Công ty Đức Nguyên) để trồng 4.000 ha cao su tại huyện Ea Súp.
Trong đó, Tổng Công ty đã chi 12 tỷ đồng (20%) tạm ứng cho Công ty Đức Nguyên, nhưng đến năm 2015 dự án vẫn chưa triển khai.
Thanh tra TP. HCM nhận định, việc ký hợp đồng trên chưa thực hiện các quy định về lựa chọn, đánh giá, thẩm định năng lực... của đối tác, sử dụng không hiệu quả vốn nhà nước.
Trước đó, sáng ngày 7/6/2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C01) vừa khởi tố, bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở nơi làm việc của ông Lê Tấn Hùng, Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959 nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư; cư trú tại: Số 157/32 Hưng Phú, phường 8, quận 8, TPHCM) về “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại SAGRI.
Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như sau: 1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. |