Sự trỗi dậy của AI có thể mang lại lợi ích như thế nào cho châu Á?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với việc tăng cường áp dụng và đầu tư vào AI ở châu Á, công nghệ này có tiềm năng biến đổi nền kinh tế khu vực.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Những bước đột phá ấn tượng trong năm đã đưa ngành công nghệ trở thành trung tâm của mọi sự chú ý. Có thể nói rằng nguyên nhân chính là sự tập trung mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI), chủ yếu được thúc đẩy bởi việc ra mắt ChatGPT vào tháng 11 năm 2022 - một giao diện trò chuyện được xây dựng bởi OpenAI cho phép người dùng tương tác với mô hình AI này.

Việc giới thiệu bot trò chuyện này đã tạo ra một sự quan tâm lớn về công nghệ AI tạo sinh. Mặc dù công nghệ này không mới, song tiềm năng của nó vẫn là một ẩn số đối với nhiều người.

Nguồn gốc của AI có thể bắt nguồn từ bài viết "Máy tính và Trí tuệ" của nhà toán học người Anh Alan Turing vào năm 1950. Dự án Nghiên cứu Mùa hè về Trí tuệ Nhân tạo Dartmouth năm 1956 là một sự kiện quan trọng khi cụm từ "trí tuệ nhân tạo" chính thức được ra đời.

AI ám chỉ khả năng suy nghĩ và học hỏi của máy tính, thực hiện các nhiệm vụ và bắt chước các chức năng nhận thức thường được liên kết với con người. Các bước đột phá AI ở thế kỷ 21 như trợ lý ảo Alexa của Amazon hoặc Siri của Apple, đều là một phần của công nghệ học máy, trong đó các bot cố gắng mô phỏng quá trình học kiến thức của con người.

Điều này bao gồm việc đào tạo các mô hình để đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu. AI tạo sinh, có khả năng tạo ra một loạt nội dung bao gồm văn bản, hình ảnh và video đang tạo một sức hút không tưởng ở thời điểm hiện tại.

Một số yếu tố chính dẫn đến những đột phá AI mới nhất: lượng dữ liệu khả dụng để đào tạo các mô hình ngày càng tăng, khả năng truy cập lưu trữ đám mây và di động cải thiện đáng kể, cùng với sự tiến bộ về khả năng xử lý máy tính để quét lượng lớn dữ liệu.

Các mô hình này thực chất là các thuật toán thực hiện một đầu vào và tạo ra một đầu ra. Chúng được đào tạo bằng cách sử dụng lượng lớn dữ liệu - lượng dữ liệu càng lớn thì chất lượng đầu ra càng hữu ích.

Quan trọng là cần phải có đủ khả năng tính toán để đào tạo và chạy các thuật toán. Quá trình đào tạo là một quá trình lặp đi lặp lại và yêu cầu khả năng tính toán song song cực kỳ lớn, được thực hiện bởi các chip tiên tiến do các công ty như Nvidia sản xuất.

Tốc độ thay đổi công nghệ trong lĩnh vực AI đang gây ấn tượng. Tuy nhiên, những lợi ích của nó vẫn chưa được khám phá hoàn toàn và hiện chúng ta chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự dịch chuyển đầy tiềm năng này.

Ngoài ra, chúng ta vẫn đang ở giai đoạn sơ khai của các hoạt động đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, với trọng tâm chủ yếu là xây dựng AI. Những nhà cung cấp vật liệu hoặc thiết bị cho sản xuất bán dẫn đều là những doanh nghiệp gặt hái quả ngọt ngay lập tức trong lĩnh vực AI tạo sinh, khi nhu cầu về giải pháp tính toán, bộ nhớ đã tăng vọt trong thời gian qua.

Các công ty được hưởng lợi là những nhà cung cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị - những người xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng và phần mềm xung quanh cho công cụ xử lý máy tính, đơn vị xử lý đồ họa và các bộ xử lý chuyên ngành khác.

Ở thời điểm hiện tại, chúng ta có thể thấy AI đang được ứng dụng dưới dạng dịch vụ, giải quyết hiệu quả nhu cầu cụ thể và tạo ra giá trị đáng kể.

Châu Á hưởng lợi từ AI

SCMP nhận định Châu Á sẽ được hưởng lợi trong từng giai đoạn phát triển AI. Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ là những người hưởng lợi lớn nhiều nhất trong giai đoạn phát triển đầu tiên do AI dẫn đầu, với năng lực sản xuất chip cao cấp và dịch vụ đám mây của họ. Lợi thế về dữ liệu có thể khiến các công ty Châu Á này phát triển thần tốc.

Chắc chắn sẽ có những lo ngại về cách AI tương tác với quyền riêng tư dữ liệu từ quan điểm của những nhà đầu tư có trách nhiệm. Cho đến khi có sự đồng thuận toàn cầu về quyền riêng tư AI, các quốc gia châu Á, nơi quyền riêng tư dữ liệu ít được chú trọng hơn sẽ không ngừng phát triển.

Về phần ứng dụng, AI đã được sử dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Công nghệ này hiện đang hỗ trợ trong các nhiệm vụ hành chính, hỗ trợ quyết định lâm sàng và tăng cường hiệu suất hệ thống cũng như cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân. Các hệ sinh thái sức khỏe số đang được kỳ vọng có khả năng cải thiện cuộc sống cho hơn một tỉ người dân tại châu Á.

Lấy ví dụ về Ping An Healthcare and Technology. Đến giữa năm 2022, công ty đã cung cấp hơn 1.3 tỉ phiên tư vấn kể từ khi thành lập vào năm 2014. Khối lượng dữ liệu lớn như vậy đã tạo ra tiềm năng để phát triển AI trong việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.

Xu hướng sử dụng và đầu tư AI ở châu Á có khả năng tiếp tục tăng lên, với các báo cáo cho thấy các công ty ở Đông Nam Á dự kiến ​​sẽ đầu tư tăng thêm 67% vào lĩnh vực AI và học máy vào năm 2023 so với năm trước. AI có tiềm năng thay đổi cách thức hoạt động của các công ty, từ việc tăng năng suất cho đến thúc đẩy phát triển sản phẩm mới và từ đó có thể đóng góp vào GDP khu vực.

Theo SCMP